Đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024

VHO - Hôm nay 15.5, Bộ VHTTDL có văn bản số 1878/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc xem xét đăng ký hồ sơ ưu tiên của Việt Nam cho đợt xét duyệt năm 2024. Văn bản do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký.

Đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024 - Anh 1

Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu thờ

Theo đó, Bộ VHTTDL nhận được văn bản số 47/UBQG/2023 ngày 5.5.2023 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc xem xét đăng ký hồ sơ ưu tiên của Việt Nam cho đợt xét duyệt năm 2024. Sau khi xem xét, Bộ có ý kiến như sau: Hiện nay, Việt Nam có 15 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (13 di sản) và Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2 di sản). Các di sản phân bố ở 61/63 tỉnh, thành phố thuộc các dân tộc khác nhau, trong đó di sản tập trung nhiều nhất ở miền Bắc (10 di sản), tiếp đến là miền Trung (3 di sản) và Tây Nguyên (1 di sản). Miền Nam mới có 1 di sản được ghi danh là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Như vậy, ở khu vực Nam bộ chưa có di sản của dân tộc thiểu số nào được ghi danh.

Di sản Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc các loại hình Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Nếu được ghi danh, đây sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc cả đa số và thiểu số, và tạo ra sự cân đối về di sản tín ngưỡng được ghi danh ở các vùng miền (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nam Định, mà hiện đang thực hành chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam), sự cân đối về các tộc người là chủ thể thực hành di sản (hiện đã có di sản của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc và miền Trung được ghi danh như Nghệ thuật Xòe Thái, Then Tày, Nùng, Thái, Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên và Nghề làm gốm của người Chăm) và cân đối về sự phân bố di sản được UNESCO ghi danh trên mảnh đất Việt Nam. 

Đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024 - Anh 2

Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà

Việc đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam xét vào năm 2024 cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức thiết thực về việc cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Với những lý do trên, Bộ VHTTDL đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam có văn bản gửi UNESCO thông báo lựa chọn ưu tiên của Việt Nam cho đợt xem xét hồ sơ của Ủy ban Liên Chính phủ năm 2024 là hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

* Cũng ngay trong ngày 15.5, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã có văn bản gửi UNESCO về việc xem xét đăng ký hồ sơ ưu tiên của Việt Nam cho đợt xét duyệt năm 2024. Theo đó, Việt Nam xếp thứ tự ưu tiên hồ sơ đề cử “Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” (Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và ưu tiên thứ hai cho “Nghề làm tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ” (Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp). 

Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27.4 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh Sắc Thần Ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc