Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng”

VHO - Sáng 17.5, Bảo tàng Bình Định tổ chức Lễ khai mạc trưng bày triển lãm ảnh “Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng”. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18.5.1978 – 18.5.2023) và kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 -19.5.2023).

Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng” - Anh 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm trưng bày 168 hình ảnh, tư liệu, dàn dựng trên 37 pano, được chia làm cáC phần: Di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực…). Triển lãm góp phần khái quát đầy đủ những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bình Định, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch nhằm nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Bình Định, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại lễ khai mạc, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết: Chúng ta tự hào về Bình Định - nơi sản sinh ra nền văn hóa lớn của cư dân cổ Sa Huỳnh, mang đậm nét đặc trưng của thời đại kim khí đã để lại nhiều di tích phong phú như Động Cườm (Hoài Nhơn); Truông Xe, Gò Lồi, Thuận Đạo, Chánh Trạch (Phù Mỹ); Hội Lộc, Núi Ngang, Đồi Điệp (Quy Nhơn).

“Trải dài gần 500 năm từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV - kinh đô của vương triều Vijaya, với 8 cụm di tích tháp trên tổng số 14 tháp, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, dấu vết những tòa thành cổ, những cảng thị cùng sự hiện diện các lò gốm và những sản phẩm thủ công đã tạo nên diện mạo văn hóa Champa vô cùng phong phú trong lịch sử, giới nghiên cứu gọi là phong cách Bình Định”, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho hay và thông tin, với nền văn hóa bản địa đa dạng và phong phú, toàn tỉnh có 143 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 107 di tích cấp tỉnh.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc