Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Động lực để các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo

Thứ Sáu 19/05/2023 | 16:12 GMT+7

VHO- Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã khép lại với những niềm hạnh phúc, tự hào và cũng mở ra kỳ vọng về sự nối tiếp, trong dòng chảy đời sống VHNT nước nhà sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tên tuổi, tài năng và tác phẩm có giá trị, sức sống bền lâu trong đời sống văn hoá, nghệ thuật của đất nước.

Bên lề Lễ trao giải thưởng, Văn Hoá ghi nhận những tâm tư, kỳ vọng của các tác giả vinh dự đón nhận những Giải thưởng cao quý cùng những văn nghệ sĩ luôn đồng hành với đời sống VHNT nước nhà.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: Sự động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo…

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đánh giá cao của nhân dân đối với cống hiến của các văn nghệ sĩ, trí thức. Không chỉ thời gian gần đây mà sự ghi nhận từ những giải thưởng trước đó, trong kháng chiến chống Pháp , hoà bình lập lại, khi thành lập các Hội chuyên ngành VHNT TƯ cũng như dưới mái nhà chung của Hội LHVHNT Việt Nam… Các Hội đều có đánh giá, nhìn nhận, tôn vinh giá trị sáng tạo của các tác giả, văn nghệ sĩ trong từng lĩnh vực, bằng các hình thức khác nhau. Sự đánh giá, ghi nhận danh giá nhất chính là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Lễ trao giải năm nay đã tiếp tục động viên, khuyến khích và ghi nhận những cống hiến của những tác giả, nhóm tác giả. Sự miệt mài lao động, hi sinh, một cách âm thầm và lặng lẽ của từng văn nghệ sĩ mang đến cho chúng ta những xúc cảm và sự ngưỡng mộ, cảm phục.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng NSNA Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam và các tác giả nhiếp ảnh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Ảnh: T.Đ

Điều đáng trân trọng là khi mỗi tác phẩm có giá trị ra đời, đến với công chúng và đều được ghi nhận, có tiếng vang, được Đảng, Nhà nước công nhận như một trong những thành tố để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những giá trị tinh thần đóng góp vào trong đời sống ngày hôm nay. Các Giải thưởng không chỉ ghi nhận thành tích, giá trị tác phẩm của các tác giả mà còn là sự động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo. Trong đó, thế hệ đi trước chính là tấm gương cho các tác giả trẻ hôm nay. Chúng ta đều nhìn thấy sự cống hiến hết mình từ các bậc tiền bối, thế hệ văn nghệ sĩ cha anh trong những buổi lễ tôn vinh như thế này. Rất nhiều người đã mất, hoặc không có mặt do sức khoẻ yếu… nhưng công lao và tác phẩm để lại của họ vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng, ghi nhận bằng những Giải thưởng cao quý nhất về VHNT.

Sự chú trọng, quan tâm và theo sát hoạt động VHNT của đất nước, coi đó như một thành tố quan trọng góp phần vào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng, Nhà nước cũng chính là sự động viên, khiến cho các văn nghệ sĩ yên tâm, ý thức trách nhiệm nhiều hơn về sự đóng góp vào nền VHNT của đất nước. Qua các Giải thưởng, giới văn nghệ sĩ càng tăng thêm niềm tin, có động lực để tiếp tục sáng tạo, đi vào đời sống, tìm kiếm những đề tài mới, đề tài khó, trong hoàn cảnh đất nước đứng trước nhiều thách thức để cho ra đời những tác phẩm giá trị. Chính họ sẽ nối tiếp dòng chảy của đời sống VHNT với các tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao. Đó cũng chính là nhiệm vụ lớn lao đặt ra đối với giới văn nghệ sĩ. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng cùng với sự quan tâm, Đảng, Nhà nước sẽ có những hỗ trợ thiết thực để các tác phẩm có giá trị sẽ càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, có sức sống bền lâu trong  đời sống VHNT của dân tộc.

NSNA Nguyễn Á: Con đường tôi đi luôn đòi hỏi phải dấn thân, lao tâm khổ tứ

Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt này với tác phẩm sách “Họ đã sống như thế”. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với một nhiếp ảnh gia và cũng là trọng trách mà tôi càng phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Sách ảnh “Họ đã sống như thế” là cuốn sách đầu tiên của tôi, ra mắt cách đây hơn 10 năm ghi lại chân thực 100 thân phận hết sức khắc nghiệt cùng với nghị lực sống tuyệt vời của những người trót sinh ra từ ô cửa không may. Bằng việc tìm kiếm những nhân vật xuất sắc một cách công phu và cẩn trọng trong vòng 2 năm, tôi đã ghi lại được 100 mảnh đời, 100 tấm gương lao động... Mỗi khoảnh khắc trong ảnh là một bài học lý tưởng sống bằng xương thịt giàu sức thuyết phục và thấm đẫm giá trị nhân văn. Nét độc đáo của bộ ảnh "Họ đã sống như thế" vì thế nằm ngay trong mỗi nhân vật. Cái xù xì, thô ráp của thực tại trộn lẫn vẻ đẹp long lanh của tính cách sống đã tạo được mối đồng cảm sâu xa trong lòng công chúng.

NSNA Nguyễn Á nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Ảnh: Khiếu Minh

Ngay sau khi cuốn sách ra mắt, nhiều trường học đã mời tôi và các nhân vật trong sách đến giao lưu để truyền cho các con sự nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, cuốn sách đã lay động được rất nhiều người về lẽ sống, khi hàng ngày chúng ta, nhất là nhiều bạn trẻ đang chạy theo những giá trị ảo mà rời xa giá trị đích thực của cuộc sống. Thông điệp trong cuốn sách mà tôi muốn đề cập đó là: “Không gì là không thể với người khuyết tật, họ có thể làm mọi thứ, thậm chí có thể làm giỏi hơn những người bình thường như chúng ta”. Trong câu chuyện có nhiều nhân vật nghèo khó, nhờ cuốn sách đó những nhà tài trợ đã giúp họ có nhà để ở, không phải sống dưới gầm cầu, bãi rác cực khổ. Tôi vui vì bằng nghề nghiệp có thể hỗ trợ gián tiếp cho những số phận kém may mắn.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân tôi luôn cố gắng nỗ lực hết mình. Con đường tôi chọn để đi khá độc lập và rất riêng. Chỉ với chiếc máy ảnh, tôi một mình lặn lội tới nơi biên giới, hải đảo và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, tôi thích đi vào mảng tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam, biển đảo, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng. Tôi di chuyển thường xuyên và những bức ảnh cứ chất đầy trong kho lưu trữ để làm tư liệu cho những công trình sách, những triển lãm lớn. Và vì thế mà con đường tôi đi luôn đòi hỏi phải dấn thân, lao tâm khổ tứ, suy nghĩ nhiều. Tôi nghĩ rằng, cứ tận tâm, âm thầm làm, âm thầm cống hiến thì đến một lúc nào đó công sức của mình sẽ được ghi nhận, đền đáp. Hãy đến với nghề bằng tấm chân tình rồi sẽ nhận lại là một tấm lòng ấm áp. 

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: Giải thưởng là vinh dự của cả cuộc đời tôi

Trong lần trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT này, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn vinh dự được Giải thưởng với “Tuyển tập: Nguyễn Hữu Nhàn”. Nhắc đến ông, độc giả sẽ nhớ ngay đến hình ảnh nhà văn cả một đời đau đáu với những miền quê. Rất hiếm khi nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đóng bộ comple, cà vạt bởi lẽ ông được mệnh danh là nhà văn của nông thôn, nông dân.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Ảnh: Cầm Sơn

Trong “Tuyển tập: Nguyễn Hữu Nhàn”, ông đặc biệt lưu ý về một cuốn tiểu thuyết nói về cơ cấu làng Việt. Nói về lý do chọn đề tài nông thôn, ông cho biết chẳng rõ từ bao giờ,  lòng yêu quê hương, đất nước của ông lại lớn đến như vậy. Ông quan niệm viết văn là phải đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc; mà văn hóa chung của đất nước bắt nguồn từ văn hóa làng. Vì thế, mỗi trang văn được ông viết phải mang cái hồn của làng Việt. Sang đến phần hai của tuyển tập, ông thể hiện nỗi trăn trở khi văn hóa nông thôn bị lai căng.

Ở tuổi 85, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có gia tài văn chương đồ sộ với gần 20 cuốn sách được in từ năm 1975  với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu... Ông được đánh giá là nhà văn vượt qua nhiều rào cản, "cái bóng" để trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu ở mảng đề tài tưởng dễ mà vô cùng khó này. Khi đề cập những mảng tối, lên án sự băng hoại, thói xấu làm tổn hại văn hóa của làng quê, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn vẫn mang đến cho người đọc tia sáng của hi vọng bằng những cái kết có hậu, đầy nhân bản. Người nông dân được ông hết mực ngợi khen. Văn hóa làng được tôn vinh, thắp sáng.

 “Trong các tác phẩm của mình, tôi không lên án để “đay nghiến” ai cả. Tôi viết để phản ánh, cùng công chúng soi chiếu vào những “góc khuất” của vùng nông thôn. Như một nhà văn phương Tây từng nói "Thành thị có thể xác, thôn đã có linh hồn", chỉ khi dám nhìn thẳng, chúng ta mới nhận ra vấn đề để cùng bảo vệ cái “hồn” của dân tộc, văn hóa làng quê”, ông nói.

Đón nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn phấn khởi: “Giải thưởng là vinh dự của cả cuộc đời tôi. Đây cũng là dấu mốc sáng chói trong sự nghiệp văn chương viết về làng quê mà tôi dành một đời theo đuổi. Quả thật không sai khi nói nhờ văn chương, tôi có được nhiều thứ trong cuộc đời”. 

PHƯƠNG ANH - NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top