Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa (Đại nội Huế): Sẽ trở lại với "dáng xưa hồn cũ"

Thứ Sáu 26/05/2023 | 10:33 GMT+7

VHO- Đến thời điểm này, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, một trong những công trình có giá trị tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế, đã trải qua hai phần ba chặng đường, và được nhiều nhà chuyên môn đánh giá đây sẽ là dự án bảo tồn, tu bổ mang tính hình mẫu cho những di tích kiến trúc khác…

Phối cảnh di tích Điện Thái Hòa

 Để được giới chuyên môn nhìn nhận, đánh giá như vậy không phải là điều đơn giản, bởi ngoài việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá kỹ hiện trạng di tích, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thủ tục theo quy định, chủ đầu tư và đơn vị thi công còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

Vinh dự đi cùng với áp lực

Là một dự án tu bổ nằm ngay vị trí trung tâm của Đại Nội Huế, lại mang trong mình nhiều giá trị tiêu biểu và được xem là “trái tim” của Hoàng thành không chỉ về kiến trúc, hoa văn, họa tiết mà còn bởi nơi đây đặt ngai vàng của nhà vua, biểu tượng quyền lực của vương triều phong kiến, vì thế được trực tiếp bảo tồn, tu bổ tổng thể Điện Thái Hòa vừa là vinh dự nhưng cũng đứng trước nhiều áp lực, nhất là từ giới chuyên môn và dư luận xã hội.

Dường như ai cũng đã biết, Điện Thái Hòa có kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, một thức kiến trúc phổ biến thời Nguyễn, gồm tiền điện và chính điện nối liền với nhau, rộng 1.440m2, mặt tiền 7 gian 2 chái, hệ khung kết cấu được làm bằng gỗ và gạch. Mái lợp ngói hoàng lưu ly, chia làm 3 tầng, trong đó phần mái giữa và tầng trên có một “cổ diêm” được chia thành nhiều ô hộc trang trí hình vẽ và thơ văn… Nhưng nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng mặc dù đã trải qua hơn 20 lần trùng tu lớn, nhỏ khác nhau. Có lẽ với vị trí, vai trò cùng với tính chất đặc biệt của dự án nên ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích Huế, không khi nào rời khỏi công trường đại trùng tu này kể từ khi khởi công.

 Đến thời điểm này đã lắp dựng xong phần khung gỗ

Gặp chúng tôi tại đại công trường tu bổ Điện Thái Hòa vào trung tuần tháng 5 nắng như đổ lửa, khi dự án đã lắp dựng xong phần khung gỗ, đang hoàn thiện hệ mái và phục chế con giống (con rồng) trang trí bờ nóc, bờ quyết…, ông Hành cho biết: “Đơn vị rất vinh dự khi được đảm trách thực hiện tu bổ dự án đặc biệt quan trọng này, nhưng cũng phải thú thật là đang gánh trên vai trách nhiệm hết sức nặng nề vì đây là công trình có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt, mà có nhà nghiên cứu ví Điện Thái Hòa là “trái tim” của Hoàng thành Huế. Nếu chỉ tu bổ từng phần, nói cách khác tu bổ nhỏ thì không thành vấn đề, đơn vị dư sức thực hiện, nhưng đây lại là dự án đại tu bổ nên phải huy động nguồn nhân lực, vật lực rất lớn, có trình độ và kinh nghiệm tay nghề cao tham gia. Nói ra có thể các nhà báo không tin, vinh dự thật đấy, còn áp lực cũng không hề nhỏ chút nào, nhiều khi là mất ăn mất ngủ”. Tại đại công trường tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, thợ cả, Nghệ nhân nhân dân Lê Văn Nhường (huyện Lý Nhân, Hà Nam) tay cầm loa không ngớt yêu cầu những thợ khác đang đeo mình trên hệ thống khung gỗ căn chỉnh những vì, kèo sao cho thật ăn khớp. Sau khi đã căn chỉnh được một cột, thợ cả Lê Văn Nhường lại lấy thước nheo con mắt, rồi nhắc nhở đội thợ khác chỉnh sửa tiếp.

“Cả đời tôi làm thợ đến nay đã gần 40 năm nhưng chưa bao giờ được tham gia một dự án lớn như thế này. Vinh dự lắm, vì đây là di tích nơi vua ngự thiết triều mà, nhưng vất vả thì không thể kể xiết. Ở những công trình, dự án khác, mới là mới hẳn, cũ là cũ hẳn, còn ở đây cấp trên yêu cầu phải tái sử dụng tối đa những cấu kiện gỗ còn sử dụng được nên phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp thi công làm sao cho hệ thống cột cũ (cổ) và mới phải cân đối, hài hòa; rồi thay cốt ốp mang. Có những cột phải chắp nối chân cột, nghĩa là phần trên cột là cột cổ, còn phần chân, do bị tiêu tâm hoặc mối mục nên phải cắt để lắp phần gỗ mới vào. Anh xem, với bộ khung gỗ của điện lớn như thế này mà chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật tu bổ truyền thống, vì thế việc căn chỉnh hết sức phức tạp, tốn rất nhiều thời gian”, thợ cả Nhường cho hay. Chỉ tay về phía cây cột cái đã được chắp nối chân cột, ông hỏi có nhận ra phần chắp nối không, chúng tôi thật sự lắc đầu dù có ít nhiều chuyên môn về lĩnh vực này, bởi điểm chắp nối được thực hiện rất kỹ mỹ thuật, và về sau sơn son thếp vàng lên, chắc chắn du khách không thể nào nhận ra.

Đứng cạnh, ông Hành nói thêm, sau khi hạ giải toàn bộ, hội đồng đánh giá phân loại cấu kiện gỗ với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương, địa phương và nhà quản lý vào cuộc thẩm định. Ví như ở di tích Điện Thái Hòa có tổng cộng 80 cột cái, cột con thì sau khi đánh giá, phân loại, hội đồng cho biết chỉ tái sử dụng được 40%. Đơn cử cột B2 (trước khi hạ giải phải tiến hành đánh số, ký hiệu lên từng cột), hội đồng đánh giá là đã nối chân cột, mục tiêu tâm mộng kè nên cho phép phục hồi; Cột B10 bị mục chân, mộng nhẹ buộc phải tái sử dụng. Hay cấu kiện gỗ kèo mái hạ, kèo chồng, kèo giao nguyên… cơ bản phải thay thế mới vì đã hư hỏng rất nặng, rất khó tái sử dụng, nếu tái sử dụng sẽ ảnh hưởng đến độ bền vững của toàn bộ khung gỗ công trình. “Bảng đánh giá cấu kiện gỗ sau khi hạ giải dày hơn một trăm trang, thể hiện chi tiết thực trạng của mỗi một cấu kiện, nên đội ngũ thợ cứ bám sát vào đó để thực hiện, không cho phép bất cứ sơ sẩy nào xảy ra”.

Một phần khung gỗ đã lắp dựng xong

Thận trọng, tỉ mỉ và công phu

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đó là nền gạch Điện Thái Hòa sẽ được bảo vệ như thế nào, vì nếu không có giải pháp tối ưu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình hạ giải cũng như lắp dựng công trình sau này. Ai cũng biết, loại gạch lát nền tại điện được đưa từ Pháp về Việt Nam, và vào năm 1894 thời vua Thành Thái đã lát nền gạch hoa này, vì thế du khách đã quá quen thuộc nền gạch tại di tích và nó cũng là hiện vật cần phải được bảo tồn nguyên vẹn.

Như nhận biết, ông Hồ Hữu Hành chỉ tay xuống nền điện rồi hỏi, “nhà báo có tin rằng, sau khi tu bổ hoàn thành, nền gạch không bị sơ sẩy dù chỉ vết xước”, rồi ông cho hay, trong văn bản thỏa thuận dự án, Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu dù chỉ một dòng rằng, “cần tính toán các biện pháp nhằm hạn chế tác động đến việc bảo tồn gạch hoa lát nền”. Vì thế đơn vị đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo vệ và được chấp nhận đó là tiến hành tẩy sạch nền gạch, sau đó quét một lớp sơn chống thấm, tiếp đến trải một lớp ni lông, trên đó tiếp tục trải lớp cao su. Sau mới làm hệ khung gỗ, lát thép tấm lên nên trong quá trình hạ giải và thi công công trình không hề tác động lên bề mặt của nền gạch. Đây là lần đầu tiên đơn vị áp dụng biện pháp bảo vệ nền gạch như thế. Nói xong, ông Hành dẫn chúng tôi đến nơi đặt bục ngai vàng ngay giữa chính điện và cho biết, đây cũng là lần đầu tiên đơn vị thi công đề xuất giải pháp bảo quản tại chỗ một trong những hiện vật đặc biệt quan trọng của di tích, được chủ đầu tư đồng ý phê duyệt với cam kết “đảm bảo an toàn tuyệt đối”.

Theo đó toàn bộ Bửu tán và bục đặt ngai vàng không được phép can thiệp, được bao bọc bằng khung thép, lợp tôn và bảo quản tại nguyên vị trí trong suốt quá trình hạ giải và thi công. Tháo dỡ ba bộ cửa võng khu vực Bửu tán chuyển vào kho bảo quản, phần chân bục đặt ngai vàng (3 tầng) thì hai tầng trên có cùng kích thước nhỏ được bao bọc và đưa vào nhà bảo quản hiện vật để cất giữ, tầng dưới cùng có kích thước lớn được bảo quản tại chỗ. Riêng phần Bửu tán được hạ thấp và treo cố định vào hệ khung thép lắp dựng tại chỗ. “Kể ra thì đơn giản nhưng trong quá trình nghiên cứu giải pháp bảo quản tại chỗ đối với những hiện vật đặc biệt quan trọng này, chúng tôi đã cùng với nhiều KTS bảo tồn và kỹ sư suy nghĩ không biết bao ngày. Nếu di chuyển đưa vào nhà kho bảo quản thì dễ, nhưng đây lại là hiện vật rất có giá trị, chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh, nên chúng tôi buộc phải nghĩ cho ra để đề xuất với cấp có thẩm quyền. Đến nay giải pháp đó đã phát huy giá trị”, ông Hành chia sẻ.

Ông Hành giới thiệu biện pháp bảo vệ nền gạch hoa tại Điện Thái Hòa

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa bao gồm rất nhiều đầu việc, hạng mục ví như bảo quản, tu bổ bộ khung gỗ, hệ mái, nền và tường ĐiệnThái Hòa và bảo quản, tu bổ, phục hồi các thành phần trang trí và nội thất công trình; Tu bổ, gia cường, cân chỉnh sân nền khuôn viên Điện (sân Đại Triều Nghi), lan can và hệ thống tường kè chắn đất; Tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Trong những công việc đó đều đòi hỏi sự nghiệm ngặt là phải bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích, nói cách khác là phải giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ, đảm bảo sự bền chắc trong kỹ thuật, tôn lên những giá trị mỹ thuật truyền thống. Nhưng có thể nói, cho đến thời điểm này chủ đầu tư và đơn vi thi công đã thực hiện nghiêm túc văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL là bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ; thực hiện các biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần, chỉ thay thế đến mức thấp nhất đối với các cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra đã thực hiện có hiệu quả những giải pháp trong việc bảo quản, tu bổ các mảng trang trí chạm khắc có các hoa văn, chữ viết…

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích vừa có chuyến “vi hành” tại công trường đại tu bổ Điện Thái Hòa. Sau khi “tận mục sở thị” nhà bảo quản hiện vật, kho cất giữ cấu kiện gỗ, khảo sát kỹ bộ khung gỗ vừa lắp dựng, nhất là những cột được chắp nối, “thay cốt ốp mang”, đối chiếu với hồ sơ thiết kế kỹ thuật…, ông cho biết đến thời điểm này dự án được triển khai thi công hết sức thận trọng, tỉ mỉ, công phu và đặc biệt đã tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của một dự án tu bổ trọng điểm. Kết cấu bộ khung gỗ, các điểm chắp nối thay thế, phục hồi được thực hiện đảm bảo kỹ mỹ thuật. Biện pháp thi công đã đưa đưa ra những giải pháp tối ưu, vì thế đảm bảo được chất lượng và tiến độ đề ra. Ngoài ra ông cũng hết sức lưu ý, trong quá trình hoàn thiện cần phải tham khảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu để làm sao lựa chọn, đề xuất cho được sắc độ màu sơn thếp phục hồi, hạn chế tối đa việc phải sơn phục hồi lại các cấu kiện sơn thếp cổ, các cửa ván có sơn thếp trang trí rồng, trần gỗ có trang trí.

Còn khoảng một phần ba thời gian ở phía trước với biết bao công việc của dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, nhưng với những gì đã triển khai thực hiện, nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích đã nhận định, dự án này sẽ là hình mẫu quan trọng cho việc tu bổ di tích. Từ giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, đánh giá kỹ hiện trạng; dày công trong việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu lịch sử có liên quan đến di tích; tổ chức hội thảo, tọa đàm để xây dựng phương án tu bổ khoa học, cho đến thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định. Ngoài ra cần phải kể tới đơn vị thi công phải có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn sâu về tu bổ di tích, trong đó cần phải nhấn mạnh tới là đề xuất được nhiều biện pháp thi công phù hợp. Hy vọng, với cách làm như hiện nay, sau khi dự án hoàn thành, di tích Điện Thái Hòa sẽ trở lại với “dáng xưa hồn cũ” nhưng bền vững hơn với thời gian… 

 

 Chuyên gia bảo tồn di tích Hoàng Đạo Kính kiểm tra kỹ thuật chắp nối chân cột tại dự án tu bổ tổng thể Điện Thái Hòa

 Dự án được triển khai thi công hết sức thận trọng, tỉ mỉ, công phu và đặc biệt đã tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của một dự án tu bổ trọng điểm. Kết cấu bộ khung gỗ, các điểm chắp nối thay thế, phục hồi được thực hiện đảm bảo kỹ mỹ thuật...

Biện pháp thi công đã đưa ra những giải pháp tối ưu, vì thế đảm bảo được chất lượng và tiến độ đề ra.

(GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH)

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top