Bảo tồn và phát huy các giá trị Lễ hội Sết Boóc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh gắn với phát triển du lịch

VHO - So với những địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, huyện Như Thanh hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa được xem là tài nguyên đặc thù và tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng để Như Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước.

Bảo tồn và phát huy các giá trị Lễ hội Sết Boóc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh gắn với phát triển du lịch - Anh 1

Trình diễn hát múa dưới cây bông

Huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa. Đây là nơi sinh sống của 4 dân tộc Kinh, Thái, Mường, Thổ. Tuy sống cộng cư, song đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Một trong những di sản văn hóa tiêu biểu là Lễ hội Sết Boóc Mạy (thôn Mó 1, xã Cán Khê) vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đây là niềm tự hào, là điểm tựa để huyện Như Thanh tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội Sết Boóc Mạy là loại hình sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần, tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập Mó đến nay, là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc, nét văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái được người dân của thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh lưu giữ, phát huy và tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Đến nay, lễ tục này không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây khi mỗi độ tết đến, xuân về. Thông qua những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau, Lễ hội Sết Boóc Mạy với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới.

Bảo tồn và phát huy các giá trị Lễ hội Sết Boóc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh gắn với phát triển du lịch - Anh 2

Trình diễn bòm bu trong lễ hội Sết Bóoc Mạy

Bà Vi Thị Giáo, người đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy lễ hội của thôn Mó 1 và cũng là nghệ nhân dân gian của địa phương, chia sẻ: Có thể khẳng định, thông qua lễ hội, tình nghĩa dân bản được gắn kết và điều này được thể hiện ngay từ những ngày trước khi lễ hội diễn ra. Mọi người trong bản đến nhà thầy mo hoặc trung tâm làng - nơi diễn ra lễ hội chính và những nơi diễn ra các nghi lễ để giúp chuẩn bị nguyên vật liệu tổ chức nghi lễ, cùng nhau trang trí cây Bông, làm cúp hụm... cùng tham gia trong quá trình hành lễ... Trong các trò vui của lễ hội, ai cũng gắng sức, đồng lòng để có một nghi lễ diễn ra thuận lợi, tốt đẹp. Với sự tham gia đông đảo của bà con dân bản, Lễ hội Sết Boóc Mạy đã trở thành ngày hội chung của cộng đồng. Từ đây mối quan hệ xóm bản càng thêm bền chặt.

Lễ hội Sết Boóc Mạy thực sự là di sản văn hóa quý báu, chứa đựng nhiều tư liệu khoa học, giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa tinh thần của người Thái, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển và cũng gặp không ít khó khăn, huyện Như Thanh, xã Cán Khê, đặc biệt là Nhân dân thôn Mó 1 luôn dành sự quan tâm, chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội Sết Boóc Mạy thông qua việc duy trì tổ chức hằng năm, trở thành hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Việc lễ hội trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia chính là điểm tựa quan trọng để huyện Như Thanh không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Hiện nay, câu lạc bộ di sản phi vật thể dân tộc Lễ hội Sết Boóc Mạy đã được thành lập và duy trì hoạt động đều đặn, ổn định. Đây cũng là cơ sở để huyện Như Thanh tiếp tục củng cố hoạt động của 6 câu lạc bộ đang gìn giữ các di sản phi vật thể dân tộc trên địa bàn như: Lễ cơm mới của người Mường, xã Phượng Nghi; Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào Thái, xã Xuân Phúc; chèo thôn Phú Phượng 2, xã Phú Nhuận; câu lạc bộ văn hóa các dân tộc Trường THCS Dân tộc nội trú huyện; câu lạc bộ văn hóa Mường, thôn Phú Nhuận, xã Phú Nhuận và các đội văn nghệ truyền thống của các xã, thị trấn, khu dân cư.

Theo kế hoạch, vào ngày 19.2.2024 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), huyện Như Thanh, xã Cán Khê sẽ long trọng tổ chức Lễ hội Sết Boóc Mạy và đón nhận bằng công nhận danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia với những nghi thức phần lễ theo truyền thống; chương trình nghệ thuật với hoạt cảnh sân khấu “Lễ cúng thần linh - Đất thiêng hội tụ” - “Lễ dựng cây Sết Boóc Mạy” cầu cho mưa thuận gió hòa, tái hiện cuộc sống của đồng bào. Nằm trong chương trình tổ chức Lễ hội Sết Boóc Mạy, các hoạt động khác sẽ diễn ra sôi nổi gồm thi biểu diễn văn nghệ; thi đấu TDTT với các môn đẩy gậy, kéo co, tung còn, bắn nỏ và bóng chuyền cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc khác. Đây là dịp để huyện Như Thanh tiếp tục quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và Nhân dân trong việc giữ gìn các di sản, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của địa phương. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên quý giá để đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách thập phương.

Bảo tồn và phát huy các giá trị Lễ hội Sết Boóc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh gắn với phát triển du lịch - Anh 3

Đồng bào dân tộc Thái nô nức về dự lễ hội Sết Bóoc Mạy

Không chỉ gìn giữ các lễ hội truyền thống, hiện nay, bà con Như Thanh vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; trang phục, tín ngưỡng thờ thổ địa; đám cưới; lễ làm vía, lễ cầu mùa; các món ăn ẩm thực... Nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn trên địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống như: Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); Vườn quốc gia Bến En (nằm trên địa bàn huyện Như Thanh, Như Xuân)... đã và đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, thu hút du khách tham quan, vãn cảnh.

Thời gian qua, huyện Như Thanh luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn văn hóa DTTS. Đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng, khôi phục nếp nhà sàn, phong tục tập quán, đời sống dân tộc Thái và Mường; Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện; Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc