Ra mắt sách “Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1945)" nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

VHO - Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955-27.2.2024), NXB Tổng hợp TP.HCM ra mắt tác phẩm Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1973-1945) của tác giả Bùi Thị Hà. Tác phẩm giới thiệu đến độc giả quá trình du nhập của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (Việt Nam) và định hình về lĩnh vực y tế Việt Nam cho đến sau này.

Ra mắt sách “Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1945)

Sách Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1973-1945) dày 376 trang gồm 5 chương: Quá trình du nhập và hình thành y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1902), cùng với Y tế phương Tây ở Bắc kỳ qua các mốc thời gian (1902-1918; 1919-1929; 1930-1945), Một số nhận xét và liên hệ từ quá trình nghiên cứu y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1945). 

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, phục vụ quá trình xâm lược, khai thác và cai trị thuộc địa, thực dân Pháp đã du nhập y học phương Tây vào Bắc Kỳ, từng bước lập ra những cơ sở y tế hiện đại đầu tiên ở đây. Đặt trong bối cảnh lịch sử - xã hội Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, việc lập ra những cơ sở y tế phương Tây là một tất yếu lịch sử, khi những cơ sở này phải đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh cho quân đội, viên chức Pháp và một bộ phận tầng lớp trên người Việt sống ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ. 

Trước khi y tế phương Tây phát huy vai trò của một nền khoa học sức khỏe cho người dân thuộc địa, người Pháp đã áp dụng phương thức y tế này phục vụ quân đội và chính quyền Pháp ở nơi đây. Việc hình thành và phát triển của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ đã trải qua một quá trình lịch sử với nhiều giai đoạn khác nhau, gắn bó chặt chẽ với sự vận động của chế độ thuộc địa mà thực dân Pháp tạo dựng ở Việt Nam. Từ đó, một hệ thống các cơ sở y tế hiện đại được thiết lập ở Bắc Kỳ trên tất cả các phương diện từ lý thuyết, đến thực tiễn tổ chức. 

Từ những cơ sở y tế ban đầu phục vụ đội quân viễn chinh như trạm cứu thương, bệnh xá, bệnh viện quân sự, đến đầu thế kỷ XX, cơ cấu của một ngành y tế hiện đại gồm các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám chữa bệnh,cơ sở phòng ngừa dịch bệnh và nghiên cứu y học được thiết lập. Một đội ngũ nhân lực y tế người Âu và người bản xứ cũng lần lượt được xây dựng, tham gia vào hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế. Từ đó, cấu trúc tổng thể của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ cũng dần dần được kiến tạo và củng cố. Sau này, cùng với y học cổ truyền, y tế phương Tây đã từng bước phát huy ưu thế trong quá trình chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Đồng thời, việc thiết lập y tế phương Tây tại Bắc Kỳ đã mở ra quá trình tiếp cận với y học và khoa học hiện đại của người Việt. Lần đầu tiên, người Việt được tiếp xúc, ứng dụng và thụ hưởng những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Người Việt vừa đấu tranh chống lại ách xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, vừa từng bước tiếp nhận nền y học hiện đại mà người Pháp mang tới. 

Ra mắt sách “Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1945)

Tác giả Bùi Thị Hà công tác tại Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Dưới góc độ khoa học, việc tìm hiểu về chủ đề y tế phương Tây ở Bắc Kỳ thời kỳ 1873-1945 có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Bắc Kỳ, lịch sử y tế ở Việt Nam thời cận đại. Bởi khi đặt vấn đề nghiên cứu vào bối cảnh thời đại, sẽ hiểu được quá trình hình thành, hoạt động của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến 1945, và có được những nhận thức rõ ràng hơn, đúng đắn hơn về lịch sử Bắc Kỳ thời kỳ này. 

Đó là các vấn đề xâm chiếm và cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, về tình trạng sức khỏe, vệ sinh, y tế và việc tiếp nhận những yếu tố mới trong đời sống dân sinh của người Việt ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Kể cả khi Y tế phương Tây đã hiện hữu trong đời sống của người Việt, thì tâm lý ưa chuộng y học cổ truyền vẫn phổ biến. Mặc dù thừa nhận những tiến bộ của y tế phương Tây, nhiều người bản địa vẫn duy trì sử dụng y học cổ truyền và tiến tới liệu pháp Đông - Tây y kết hợp. Bên cạnh y học cổ truyền, một phương pháp kết hợp Đông - Tây y đã ra đời và phát triển trong đời sống của người Việt kể từ đó trở về sau…

GS.TS Đỗ Quang Hưng cho biết: “Chúng tôi muốn ghi nhận cách đặt vấn đề nghiên cứu của tác giả theo hướng góp một phác họa lịch sử y tế phương Tây ở Bắc Kỳ, làm cơ sở ban đầu cho một hành trình tìm về cội nguồn và bản thể lịch sử y tế phương Tây trên cả nước Việt Nam suốt mấy thế kỷ nay. Tôi cũng không thể không nhớ lại những gì Bùi Thị Hà đã dày công đọc, dịch tiếng Pháp, chắt chiu tư liệu và lặn lội thực tiễn nhiều nơi để thực hiện đề tài này. Cách nghiên cứu tiếp cận ấy của một tác giả trẻ rất đáng cổ vũ và khuyến khích, nhất là trong điều kiện hiện nay cả một thế giới phẳng có thể hiện diện trước mỗi người với chiếc máy tính hiện đại; việc đi lại khảo sát thực địa, đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay những dấu tích của lịch sử, thực sự vẫn rất cần thiết cho người nghiên cứu”.

Tác giả Bùi Thị Hà công tác tại Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bà được trao giải Nhất - Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2020 với Luận án tiến sĩ xuất sắc với đề tài Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến măm 1945.

TÙNG THƯ
 

Ý kiến bạn đọc