Dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29/3 đang bị “ách tắc”

VHO - Công viên 29/3 (quận Thanh Khê) được TP Đà Nẵng đầu tư hơn 673 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo với mục đích tạo cảnh quan, không gian hưởng thụ văn hóa, thể thao cho người dân. Tuy nhiên, dự án này đang gặp phải vấn đề…

Dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29/3 đang bị “ách tắc” - Anh 1

 Công viên 29/3 là nơi vui chơi giải trí của người dân thành phố Đà Nẵng

Dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29/3 do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7.2023 bằng nguồn vốn ngân sách. Dự kiến khởi công vào tháng 6.2024, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa tìm được vị trí đổ hàng trăm ngàn khối bùn nạo vét từ lòng hồ. 
Hàng trăm ngàn khối bùn chưa có chỗ đổ 
Công viên có diện tích mặt hồ 106.301m2, là hồ điều tiết lớn nhất ở trung tâm TP Đà Nẵng, khối lượng bùn nạo vét khi cải tạo dự án ước khoảng hơn 100.000m3. Ban đầu, chủ đầu tư dự định chuyển toàn bộ khối lượng bùn nạo vét đến bãi rác Khánh Sơn. Tuy nhiên, đầu tháng 12.2023, Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, việc vận chuyển bùn đất nạo vét của dự án chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn là không phù hợp. Qua đó Sở TN&MT đề nghị Ban quản lý thực hiện phân tích, đánh giá chất lượng bùn đất nạo vét của dự án, chủ trì phối hợp với các Sở, ngành địa phương để tìm phương án đổ thải trên bờ phù hợp, hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có phương án đổ thải bùn đất nạo vét trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, cho biết ngày 9.1.2024, Ban đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ phương án nạo vét gửi Sở TN&MT lấy ý kiến trước khi trình UBND TP thống nhất. Trong đó có đề xuất phương án hút cạn nước lòng hồ, sau đó dùng phương án máy đào kết hợp với ô tô vận chuyển chở đi đổ để hoàn thổ tại mỏ đá của Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa với cự ly 8,5 km. Phía Sở TN&MT cho biết, trước đó Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã xác định vật chất nhận chìm là không thể. Tức là bùn nạo vét ở lòng hồ không đủ điều kiện quy định để nhận chìm. Bùn nạo vét này cũng không thể đem đổ trên bãi rác Khánh Sơn vì dung lượng của bãi rác không đủ chứa một lượng tương đối lớn bùn thải nạo vét như thế. Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin: “Đối với phương án đổ thải bùn nạo vét tại khu vực mỏ của Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa cũng chưa được vì công ty này không đồng ý cho đổ, và còn phải xin ý kiến. Sở TN&MT cũng đã cung cấp danh sách các mỏ để chủ đầu tư liên hệ tìm vị trí đổ bùn nạo vét. Sở đã cử cán bộ cùng chủ đầu tư đi khảo sát tại 4 mỏ là Hố Sanh, Phước Tường, Cẩm Khê 3, Phú Mỹ Hòa, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận của các mỏ”.

Dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29/3 đang bị “ách tắc” - Anh 2

 Những con thú sinh trưởng trong môi trường chật hẹp, gây ra mùi hôi khiến người dân bức xúc

Trả lại “môi trường sống” cho đàn thú

Công viên 29/3 là “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng nhưng đã bị xuống cấp, các hạng mục vui chơi giải trí cho người dân và trẻ em từ lâu không được đầu tư dẫn đến bỏ hoang lãng phí. Ngoài ra chuồng thú có diện tích khoảng 200m2 trong công viên không được chăm sóc cẩn thận, bốc mùi hôi, nguồn kinh phí duy trì hoạt động của khu vườn thú không đảm bảo. Không gian chật chội khiến các con thú sống rất bức bối, sinh trưởng kém. 
Với việc duy trì vườn thú như hiện nay tại Công viên 29/3 là không bảo đảm quy trình, điều kiện nuôi nhốt vật nuôi hoang dã. Sự nghèo nàn về số lượng vật nuôi, cảnh quan sinh trưởng không phù hợp nên không thu hút sự quan tâm của du khách. Ngoài ra tình trạng mất vệ sinh của các con thú lẫn môi trường khu vực chuồng thú kéo dài khiến cho người dân dạo chơi ở công viên phản ánh rất nhiều lần. Do đó, Ban quản lý Công viên cây xanh trước đây đã đề xuất giải tỏa khu vườn nuôi thú, đề nghị thành phố thực hiện các bước gửi chăm sóc hoặc tặng thú nuôi đến các khu bảo tồn, khu vườn thú có điều kiện chăm sóc tốt; một số cá thể thú có thể thả về môi trường, nhưng vì nhiều lý do mà đến nay vẫn chưa thực hiện được. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đạt Hùng (quản lý Công viên 29/3) dù thừa nhận những người chăm sóc thú đều “có chuyên môn”, nhưng những con nai mẹ khi sinh nở khó đều phải gọi bác sĩ thú y đến xử lý. 10 con nai bị nhốt chung một chuồng, sinh sản cận huyết thống khiến đàn nai con bị yếu, dị tật, chết do khó sinh... Đơn vị đã từng đề nghị thành phố tặng đàn thú nhưng vẫn dùng dằng không có quyết định khiến cho đàn thú công viên “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Trước những kiến nghị của người dân, Đà Nẵng đã đưa ra chủ trương cải tạo Công viên 29/3 từ 10 năm trước nhưng việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, TP Đà Nẵng tiếp tục tổ chức cuộc thi tìm kiếm phương án điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc Công viên 29/3. Đồng thời có phương án xử lý cho hạng mục vườn thú đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua đó phương án kiến trúc dự thi “Chiếc nhẫn vì hòa bình” do Công ty StudioMilou Architecture (Singapore) thiết kế đạt giải Nhất với phần thưởng 300 triệu đồng, phương án này cũng được trao giải cộng đồng bởi trong thiết kế chứa đựng nhiều thông điệp. Dự án cải tạo Công viên 29/3 có các hạng mục: Giải tỏa đền bù, thu hồi diện tích đất rộng 2.989m2; xây dựng mới công trình kiến trúc “Chiếc nhẫn hòa bình”, cải tạo, nâng cấp, làm mới phần cảnh quan gồm: Đường dạo, khu thể dục thể thao, bãi đậu xe, sàn cảnh quan bến thuyền, bổ sung cây xanh. 
Bên cạnh đó, lắp đặt các hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng, nạo vét lòng hồ, lắp đặt hệ thống cột phun nước, hệ thống điện chiếu sáng, âm thanh, điều hòa tại công trình “Chiếc nhẫn hòa bình”, lắp đặt các thiết bị tập thể dục ngoài trời, thiết bị vui chơi trẻ em, ghế ngồi... HĐND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị trong quá trình triển khai tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các hạng mục có thể đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa để công viên hoạt động được hiệu quả hơn. 


 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc