Đoàn viên thanh niên đến với nhà hát nghệ thuật truyền thống: Những “đại sứ” gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam

VHO - Chương trình Đưa đoàn viên đến với nhà hát nghệ thuật truyền thống do Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL khởi xướng và phối hợp với các nhà hát, Đoàn Thanh niên một số Bộ, ngành thực hiện với mong muốn khơi gợi niềm đam mê, yêu thích nghệ thuật truyền thống, từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp tới giới trẻ.

Đoàn viên thanh niên đến với nhà hát nghệ thuật truyền thống: Những “đại sứ” gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam - Anh 1

 Các bạn trẻ lan tỏa poster vở diễn “Tình mẹ” Ảnh: N.NHUNG

Vào đầu tháng 3 tại Hà Nội, Đoàn TNCS HCM Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn thanh niên các Bộ: KHCN, Công thương, TT&TT tổ chức biểu diễn vở tuồng Tình mẹ nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên và kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Đưa đoàn viên đến nhà hát nghệ thuật truyền thống năm 2024 của Đoàn Bộ VHTTDL, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các đoàn thể, Đoàn Thanh niên các Bộ, ngành.

Tình mẹ được Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng lại, là câu chuyện kể về cuộc đời của chiến sĩ cách mạng Lê Viết Thuật, một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam. Chị Lê Minh Đức, Bí thư Đoàn Bộ VHTTDL cho biết, thông qua vở diễn, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong lực lượng đoàn viên thành niên, đồng thời nhắc nhớ về sự hy sinh của những chiến sĩ cộng sản ngay từ ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng. Cùng với đó là tinh thần bất khuất của những người mẹ Việt Nam anh hùng, sống mãi cùng trang sử vẻ vang của đất nước…

Đưa đoàn viên đến với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống sẽ là chương trình trọng tâm của Đoàn Bộ VHTTDL triển khai từ năm 2024, gồm một chuỗi các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để thu hút giới trẻ đến với các nhà hát để thưởng thức những loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước… Anh Bùi Hoàng Tùng, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương thông tin: “Chương trình được lãnh đạo các nhà hát, bảo tàng rất ủng hộ, không chỉ về kinh phí hoạt động mà còn hỗ trợ cả về người hướng dẫn để các đoàn viên hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, từ đó thêm yêu văn hóa nước nhà. Chúng tôi sẽ kiên trì triển khai chương trình xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ 5 năm. Đây chính là món ăn tinh thần, là chương trình giáo dục hữu hiệu và sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, ý nghĩa đối với các đoàn viên, thanh niên đoàn, khối các cơ quan Trung ương”.

Khi được biết Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL tổ chức chương trình đến các nhà hát truyền thống thì thanh niên Bộ NN&PTNT vô cùng hào hứng mong chờ được tham gia. “Tôi hy vọng chương trình sẽ lan tỏa nhiều hơn tới đông đảo đoàn viên, thanh niên trong cả nước chứ không chỉ ở trong đoàn, khối các cơ quan Trung ương. Thông qua chương trình, tôi cũng mong muốn các bạn trẻ Việt Nam phải có hiểu biết về những giá trị nghệ thuật của cha ông, từ đó, các bạn sẽ ít nhiều thấy được những cái hay, cái đẹp của tổ quốc Việt Nam”, anh Tạ Hồng Sơn, Bí thư Đoàn Bộ NN&PTNT bày tỏ.

Cùng quan điểm, Đoàn thanh niên Bộ KHCN cũng rất đồng tình và cho rằng đây là cơ hội quý báu để giới trẻ đến với các chương trình văn hóa, văn nghệ dân tộc. “Chúng tôi tin rằng, đoàn viên thanh niên chúng ta sẽ là một kênh truyền thông hữu hiệu, mạnh mẽ truyền tải những giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Từ đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa nước nhà”, anh Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Bộ KHCN chia sẻ.

Xác định việc giáo dục truyền thống là một yêu cầu quan trọng, có thể nói là quan trọng hàng đầu trong công tác Đoàn, vì vậy, Đoàn thanh niên Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên các Bộ, ngành thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục để hiểu thêm về truyền thống lịch sử của ngành cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc. Anh Phạm Khắc Huy, Bí thư Đoàn Bộ Công thương cho hay, những năm qua, Đoàn thanh niên của Bộ luôn tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử qua việc đưa các đoàn viên thanh niên đến các địa chỉ đỏ, các bảo tàng và thiết chế văn hóa… Chương trình Đưa thanh niên đến với nhà hát truyền thống chính là dịp để các đoàn viên có thêm cơ hội tiếp cận với các giá trị nghệ thuật mà thế hệ đi trước đã dày công gây dựng và gìn giữ.

Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã không ngừng nỗ lực trong việc quảng bá nghệ thuật dân tộc như cải lương, tuồng, chèo, Quan họ tới giới trẻ, không chỉ tại các nhà hát, trung tâm văn hóa mà còn thông qua phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội; bên cạnh đó là các buổi workshop truyền dạy, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật tại các trường học, địa điểm công cộng… tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được trải nghiệm thực tế. Qua đó, mỗi người sẽ được bổ sung kiến thức và bản lĩnh, trở thành một đại sứ văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ Bộ và ngành giao phó. 

 Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ chương trình Đưa đoàn viên đến với các nhà hát nghệ thuật truyền thống. Đây là một sáng kiến thiết thực, ý nghĩa, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật dân tộc. Chúng tôi kỳ vọng chương trình sẽ mở ra những trải nghiệm phong phú, đặc sắc, từ đó khơi gợi tình yêu và niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người trẻ.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 KỲ DUYÊN - THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc