Người trẻ lên tiếng và hành động vì động vật hoang dã

VHO - Lên tiếng và hành động vì động vật hoang dã là chủ đề của Tọa đàm khoa học “Bảo tồn động vật hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học” vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, thu hút sự tham gia của hơn 600 sinh viên cùng nhiều đại biểu khách mời.

Người trẻ lên tiếng và hành động vì động vật hoang dã - Anh 1

 Các bạn trẻ tham gia tọa đàm “Bảo tồn động vật hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học

 Nâng cao hiểu biết về bảo tồn động vật hoang dã cho người trẻ

Theo đó, Trường Đại học Quảng Nam đã phối hợp với Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC) tổ chức tọa đàm “Bảo tồn động vật hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học” với chủ đề: Lên tiếng và hành động vì động vật hoang dã. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và hơn 600 sinh viên, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam tham dự.

Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024 do UBND tỉnh Quảng Nam đăng cai, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các sự kiện quốc gia liên quan. Trước đó, ngày 15.3, rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên cùng người dân trên địa bàn Quảng Nam cũng đã tích cực tham gia các hoạt động trong triển lãm Đa dạng sinh học và mít tinh hưởng ứng chiến dịch Hành động vì động vật hoang dã, kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng do UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Những trao đổi, thông tin tại Tọa đàm đã góp phần nâng cao hiểu biết và kiến thức về đa dạng sinh học, bảo tồn động vật hoang dã ở nhóm khách hàng tiềm năng và trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm sinh viên. Thúc đẩy sự tham gia của ngành Giáo dục nói chung và sinh viên nói riêng vào công tác giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trái phép. Theo đó, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 51.400 sinh vật (10.900 loài động vật trên cạn, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác và 7.500 chủng vi sinh vật). Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người.

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã ngày càng tăng đã đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến bên bờ tuyệt chủng, đặc biệt ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học. Đáng chú ý, những hành vi trái phép liên quan đến động vật hoang dã còn là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và vật nuôi.

Thông tin cũng đưa ra, khoảng 70% các bệnh mới nổi như Ebola, Zika, viêm não Nipah và gần như tất cả các đại dịch mà loài người đã biết là do lây truyền từ động vật. Những loại bệnh này lan rộng do tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi và con người. Các mầm bệnh này có thể cũng đe dọa trực tiếp đến suy giảm đa dạng sinh học và phát triển nguy cơ lây bệnh sang người.

Những cá nhân hay tổ chức có hành vi xâm hại động vật hoang dã hay sản phẩm động vật hoang dã trái phép còn có nguy cơ vướng lao lý. Theo các quy định hiện hành, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỉ đồng và phạt tù lên đến 15 năm.

Người trẻ lên tiếng và hành động vì động vật hoang dã - Anh 2

 Triển lãm về Đa dạng sinh học và mít tinh hưởng ứng chiến dịch Hành động vì động vật hoang dã, kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã

Nguy cơ là vậy nhưng những hành vi xâm hại động vật hoang dã vẫn còn tiếp diễn. Một trong những hành vi phổ biến và tồn tại ở tất cả các địa phương là tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF thực hiện trong năm 2021-2022 cho thấy, số lần ăn thịt động vật hoang dã trung bình của nhóm người có tiêu thụ thịt động vật hoang dã là 7 lần/năm và chi khoảng 400.000đ/lần/người. Ba nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20-49.

Đáng chú ý, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20-29 ở khu vực thành thị lại chiếm tỷ lệ khá cao và 50% số người trong nhóm này còn đang đi học. Với khu vực thành thị, nhóm người có học vấn từ cao đẳng đến đại học chiếm tỷ lệ gần 70% trong số người có tiêu thụ thịt động vật hoang dã được khảo sát.

Nhóm khách hàng trẻ mới sử dụng thịt động vật hoang dã được khoảng 3 năm với số lần ăn trung bình là 3-4 lần/năm và có nguy cơ trở thành người tiêu dùng thịt động vật hoang dã tiềm năng nếu không được cảnh báo sớm. Do đó, việc tác động đến giới trẻ là cần thiết để góp phần bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã hiện tại và trong tương lai.

Nhằm góp phần giảm nhu cầu và tiến đến chấm dứt hành vi tiêu thụ thịt động vật hoang dã trong giới trẻ, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học phối hợp với các Trường Đại học/Cao đẳng và các đối tác địa phương đã và sẽ thực hiện chiến dịch Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã hướng đến nhóm khách hàng tiềm năng trẻ tuổi là sinh viên và đoàn viên thanh niên tại các địa bàn dự án.

Được biết, Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 với chủ đề Chung sống hài hòa với thiên nhiên là sự kiện môi trường có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng; góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế với từng địa phương.

Sẽ có khoảng 40 sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc diễn ra xuyên suốt từ tháng 3 - 11.2024 tại Quảng Nam với các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học…

 KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc