Giữ “kho báu” hội họa Việt Nam qua hành trình sưu tập

VHO - Lần đầu tiên, tại Không gian A&V Art Collection (Hà Nội), các nhà sưu tập mỹ thuật có tiếng trong giới đã có dịp cùng nhau ngồi lại. Họ chia sẻ về hành trình sưu tầm nghệ thuật của mình mà có lẽ, hành trình ấy chẳng ai giống ai. Điều đáng quý là mỗi nhà sưu tập, dù ở cương vị nào, đặc thù công việc và cuộc sống ra sao, thì họ đều có một quan điểm chung về sưu tập. Đó là tình yêu nghệ thuật và khát vọng giữ gìn, bảo vệ những tác phẩm vô giá - “kho báu” của hội họa Việt Nam.

Giữ “kho báu” hội họa Việt Nam qua hành trình sưu tập - Anh 1

 Bốn nhà sưu tập tranh trao đổi, chia sẻ về hành trình sưu tập tại sự kiện

 Sự kiện với chủ đề Hành trình của một nhà sưu tập cũng là mốc đánh dấu sự hiện diện chính thức đầu tiên của Christie’s tại Việt Nam, được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP Hồ Chí Minh) và không gian của A&V Art Collection (Hà Nội).

Hành trình sưu tập truyền cảm hứng

Không gian A&V Art Collection (Hà Nội) trưng bày bộ sưu tập độc đáo, có một không hai mà chủ nhân là nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ, một lãnh đạo tên tuổi trong lĩnh vực ngân hàng đã dày công sưu tập. “Không gian A&V Art Collection được chúng tôi xây dựng trong nhiều năm qua và giờ đây sẽ trở thành không gian mới cho bộ sưu tập hội họa của tôi, trước đây còn tản mát ở nhiều nơi”, ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ. Không chỉ là doanh nhân nổi tiếng mà trong giới sưu tập mỹ thuật, Hàn Ngọc Vũ cũng là cái tên được nhiều người nhắc đến và dành sự trân trọng, ngưỡng mộ.

Sự kiện đầu tiên tại A&V Art Collection hội tụ đông đảo các nhà sưu tập, những người liên quan đến hệ sinh thái của sưu tập nghệ thuật và đặc biệt, Hành trình của một nhà sưu tập có thể coi là sự ra mắt của Christie’s với cộng đồng các nhà sưu tập ở Việt Nam. Ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ, sự kiện mong muốn kết nối các nhà sưu tập tranh và những người liên quan trong hệ sinh thái này, gồm các nhà phê bình mỹ thuật, người làm công tác thẩm định, sáng lập các trung tâm nghệ thuật, nghệ sĩ và nhà sưu tập... “Không nhất thiết sưu tập nghệ thuật là cứ phải đắt tiền, không nhất thiết bắt đầu việc sưu tập khi chúng ta giàu có. Thực hành sưu tập có thể bắt đầu từ rất sớm, khi còn trẻ, lúc chưa có gì”, ông Vũ chia sẻ.

Câu chuyện về hành trình sưu tập của cá nhân ông cũng được hé mở, bắt đầu từ những bộ tem, đĩa nhạc, đồng hồ… và đến nay là bộ sưu tập nghệ thuật A&V với rất nhiều tranh của các danh họa Việt Nam qua các thời kỳ. Ông mong muốn đóng góp vào việc kết nối giới sưu tập với các thành tố khác trong hệ sinh thái sưu tầm nghệ thuật, nhằm khuyến khích xã hội dành thêm nguồn lực cho việc tìm hiểu, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật nước nhà thông qua thực hành sưu tập nghệ thuật.

Bốn nhà sưu tập tham gia sự kiện đã chia sẻ quá trình hình thành sưu tập cũng như các kế hoạch, lộ trình liên quan đến thời gian, tài chính và tâm huyết; qua đó, truyền cảm hứng tới người yêu nghệ thuật và những nhà sưu tập trẻ. Điểm đáng quý là họ đều có chung một quan điểm về sưu tập. Trước tiên phải có tình yêu nghệ thuật, sau đó là quá trình học hỏi, bổ sung kiến thức, tìm kiếm tác phẩm, tích lũy tài chính cho niềm đam mê này; cuối cùng là lan tỏa sự tích cực về cái đẹp, tính nhân văn của nghệ thuật với người thân và xã hội. Nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ cho biết, dù có thời gian hành trình sưu tập của ông bị ngắt quãng, nhưng những gì đã thuộc về đam mê thì sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng. Sau này, khi trở thành nhà sưu tập tranh, đặc thù về tính phương pháp, năng lực tài chính cũng như mạng lưới trong công việc đã hỗ trợ cho ông rất nhiều trong hành trình sưu tập của mình.

Thị trường nghệ thuật Việt Nam thăng trầm ở từng giai đoạn, và giai đoạn nào cũng đều có bóng dáng các nhà sưu tập. Mỗi người có một hành trình riêng và có nhiều cách để mô tả về đặc trưng thành quả của mình. Nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ chia sẻ điểm khác biệt của bộ sưu tập A&V mà ông đã xây dựng, bao gồm: Tính tự thân, có nhiều nhà sưu tập sẽ thuê người đi tìm kiếm và mua tác phẩm, hoặc tìm đến “tư vấn” từ công ty tư vấn, người giàu kinh nghiệm xây dựng chiến lược cho bộ sưu tập, nhưng A&V lại tự quản lý; Tính “sống - living”, bộ sưu tập luôn song hành với nhà sưu tập trong không gian sống; Tính duy mỹ, truyền thống và hoài niệm. “Hành trình sưu tập của tôi luôn bị ám ảnh bởi sự tò mò, khát khao hiểu biết về những gì thực sự đã diễn ra trong lịch sử, trong xã hội, rồi việc làm sao có thể lưu giữ lại những điều đã xảy ra đó thông qua các tác phẩm sưu tập, kết nối được với những người có sở thích như mình, chia sẻ cho nhau, và quan trọng hơn, cho lớp trẻ…”, ông nói.

Nhiều tác phẩm điển hình, giá trị cao mà ông Vũ sưu tập được các chuyên gia hội họa đánh giá cao như: Đã đọc được công văn của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm sáng tác 1960; Thiếu nữ thủ đô đi kháng chiến của họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác khoảng năm 1960; Lau trắng hay Anh vệ quốc túm của họa sĩ Lưu Công Nhân sáng tác khoảng những năm 1950; Khăn quàng xanh của họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác năm 1942, Les Pommes - Những quả táo của họa sĩ Victor Tardieu sáng tác 1912…

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến bày tỏ, bà thực sự khâm phục và bất ngờ bởi sự nghiêm túc, niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật của nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ. “Bộ sưu tập có đầy đủ tranh ở các thời kỳ của mỹ thuật Việt Nam. Là doanh nhân, nhưng anh lại dành trọn đam mê, tài chính để sưu tập tranh. Tôi cho rằng mỗi một nhà sưu tập đều có một tôn chỉ, mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu hội họa…”, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến nhấn mạnh.

Giữ “kho báu” hội họa Việt Nam qua hành trình sưu tập - Anh 2

 Nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ và Giám đốc Unesco tại Việt Nam Jonathan Baker

Tín hiệu khởi sắc cho thị trường tranh Việt

Cũng theo bà Hải Yến, nhà sưu tập chính là nhân tố quan trọng để góp phần giữ gìn những “kho báu” của nền mỹ thuật Việt, khơi dậy tín hiệu khởi sắc cho thị trường. Đáng mừng là mỹ thuật Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn những nhà sưu tập như vậy. “Điều tôi băn khoăn là dường như điều này được nhận ra khá muộn nên tỷ lệ tranh giả nhiều, mất mát nhiều; trong khi chúng ta có những bộ sưu tập tranh vô cùng quý giá”, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến nhận định.

Đồng hành cùng sự kiện, nhà sưu tập Lê Quang Khải, vốn được biết đến với năng lực sưu tập đặc biệt, chia sẻ về hành trình sưu tập của mình bắt đầu cách đây khoảng hơn 20 năm. Xuất phát từ tình yêu nghệ thuật, mặc dù là dân kỹ thuật nhưng “trót” bén duyên nên tình yêu đó cứ kiên trì, bền bỉ cho đến tận bây giờ. Ông cho rằng, cần tăng cường sự kết nối giữa các nhà sưu tập để có được nhiều hơn những thời điểm, không gian đưa tác phẩm nghệ thuật được sưu tập kỳ công đến với công chúng yêu hội họa. “Trăn trở của các nhà sưu tập chính là nguồn gốc thực của tác phẩm để họ quyết định đầu tư. Cuộc hội tụ giữa các nhà sưu tập lần này có ý nghĩa rất lớn, với cá nhân tôi là sự hỗ trợ cho quá trình sưu tập tiếp theo…”, ông Lê Quang Khải bày tỏ.

Nhà sưu tập Phùng Tất Thắng lại nổi tiếng về sự kỹ tính khi nghiên cứu, tìm hiểu lai lịch tác phẩm. Từ năm 1992, hành trình sưu tập các tác phẩm hội họa của ông bắt đầu. “Tôi nghĩ đến việc mua một số bức tranh mà tôi nghĩ rằng sau này có tiền cũng không có cơ hội mua, bức đầu tiên là tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Thời đó, việc sưu tập tranh rất khó khăn, tôi phải tìm đến bậc đàn anh, lang thang gặp gỡ nhiều bậc tiền bối để mua được những tác phẩm có giá trị…”, nhà sưu tập Phùng Tất Thắng nhớ lại. Ông cho rằng, mỗi nhà sưu tập đều có một hành trình riêng, nhưng điểm chung là tình yêu hội họa và những giá trị mà mỗi tác phẩm đem lại.

“Người chơi tranh phải sưu tầm tác phẩm ở giai đoạn gần nổi danh của tác giả và phải hiểu được đặc trưng cách vẽ, tính mỹ thuật của người cầm cọ. Với một nhà sưu tập, hoặc là họ phải tự thẩm định được, hoặc nhờ các chuyên gia giám định hay có hội đồng tư vấn hỗ trợ…”, nhà sưu tập Phùng Tất Thắng lưu ý.

Theo bà Hải Yến, đóng góp của các nhà sưu tập tranh vào thị trường mỹ thuật còn là gạn đục, khơi trong, góp phần dẹp vấn nạn tranh giả. Với những ý nghĩa tạo dấu mốc quan trọng, sự kiện Hành trình của một nhà sưu tập cũng có thể coi là sự ra mắt ấn tượng của Christie’s với cộng đồng các nhà sưu tập ở Việt Nam, để sắp tới sẽ có những hoạt động đóng góp tại thị trường nghệ thuật trên dải đất hình chữ S. 

PHƯƠNG ANH; ảnh: A&V ART COLLECTION

Ý kiến bạn đọc