Bản quyền trên môi trường số: Cơ hội và thách thức

VHO - Hôm qua 26.3, tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024, do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL Việt Nam) phối hợp với Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức. Sự kiện là cơ hội để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả (QTG) giữa hai quốc gia.

Bản quyền trên môi trường số: Cơ hội và thách thức - Anh 1

 Toàn cảnh Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024

Đây cũng là một trong những hoạt động thường niên để triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc. Diễn đàn năm nay có chủ đề Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt tập trung vào nội dung bảo hộ QTG âm nhạc.

Sự tác động của kỷ nguyên số và Internet

Cục Bản quyền tác giả thông tin, theo số liệu khảo sát của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 12% GDP; Hàn Quốc là gần 10% GDP; Trung Quốc khoảng 7,35% GDP; Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4,48% GDP. Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả QTG, quyền liên quan (QLQ) có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước đạt khoảng 1,059 triệu tỉ đồng (tương đương 44 tỉ USD). Trong đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn giai đoạn này bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm. Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn lớn, quy mô quốc tế.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng: Kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào, nhưng cũng đặt ra những thách thức để bảo hộ QTG, QLQ trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo hộ QTG tác phẩm âm nhạc trên môi trường số, tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp âm nhạc của mỗi quốc gia.

“Việc khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc hiện nay, đặc biệt là cấp phép sử dụng xuyên biên giới trên không gian mạng, đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Những hành vi xâm phạm QTG đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện thông qua các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, chủ sở hữu quyền; sao chép, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, thực thi trong việc phát hiện và xử lý”, ông Trần Hoàng cho biết.

Bà Lee Young Ah, Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc) cho rằng, sự xuất hiện của công nghệ mới như AI và các thiết bị khác nhau đang thay đổi mô hình tiêu thụ và sáng tạo nội dung. “Chính phủ Hàn Quốc vẫn liên tục nỗ lực nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và những thay đổi kèm theo trong môi trường sử dụng bản quyền. Đặc biệt, trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang tìm cách hài hòa giữa công nghệ và hệ thống bản quyền”, bà Lee Young Ah nhấn mạnh.

Bản chất của ngành sáng tạo nội dung vẫn nằm ở con người

Tại Diễn đàn, bên cạnh việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ QTG giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian của hai quốc gia.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng phòng quản lý QTG, QLQ và hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL Việt Nam), hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi QTG, QLQ tương đối đồng bộ, là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý, thực thi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật về QTG, QLQ cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật, văn học và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng; các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ được tôn trọng…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc xử lý hành vi vi phạm về QTG, QLQ còn hạn chế, chưa đủ răn đe; việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả.

Chia sẻ về xu hướng chính sách bản quyền của Hàn Quốc trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, bà Lee Ha Young, Phó trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc) bàn câu chuyện đang gây tranh cãi: Bản quyền đối với sản phẩm AI có được công nhận hay không? “Luật Bản quyền lấy đối tượng bảo vệ là tác phẩm do con người tạo ra, nên sản phẩm do AI hoặc động vật - tức không phải con người tạo ra - sẽ không được bảo vệ theo Luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải chuẩn bị hệ thống bảo vệ thông qua Luật Bản quyền hoặc đạo luật riêng biệt”, bà Lee Ha Young phân tích.

Còn theo ông Park Jung Youl, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc: “Ngành công nghiệp sáng tạo còn đóng vai trò kết nối con người với con người gần lại với nhau và ươm mầm nuôi dưỡng, phát triển văn hóa. Trong quá trình này, cả người sáng tạo nội dung và người tiêu dùng nội dung đều có vai trò riêng, niềm đam mê sáng tạo và nỗ lực bền bỉ của cả hai phía cùng gặp nhau và tạo ra một hệ sinh thái văn hóa phong phú. Để hoạt động này ngày càng tỏa sáng, việc bảo vệ bản quyền là hành động vô cùng cần thiết nhằm bảo vệ những nỗ lực và niềm đam mê của người sáng tạo”, ông Park Jung Youl nói.

Theo Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam, tình trạng xâm phạm QTG âm nhạc nói riêng và QTG nói chung trên môi trường số ngày càng phức tạp và đa dạng. Bảo vệ bản quyền tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số đang là vấn đề cấp bách cần phải được triển khai quyết liệt. Cùng với đó, các chủ sở hữu quyền, ngoài việc chủ động trang bị các biện pháp công nghệ, cũng cần phải tìm hiểu và cập nhật các kiến thức liên quan. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc