Thử nghĩ về thời gian làm thêm của “SV”

VHO - Việc Bộ LĐ,TB&XH vừa đề xuất quy định: “Học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động; các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian” đang gây sự chú ý của dư luận và tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

 Không ít người đồng thuận với Dự thảo quy định này, bởi họ lo rằng, nếu lớp trẻ cứ mải sa đà vào làm thêm thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơliên quan đến lừa đảo, bóc lột sức lao động, sa ngãvào các tệnạn xãhội…

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại tỏ ra băn khoăn, nếu quy định “cứng” như thế thì các bạn sinh viên khó có thể tìm được công việc làm thêm phù hợp, bởi gần như cơ sở nào cũng yêu cầu các em làm việc ít nhất từ 25 đến 32 giờ mỗi tuần.

Việc sinh viên làm thêm ngoài giờ học là điều không có gì mới mẻ, nhưng vì sao đến thời điểm này, cơ quan chức năng mới đưa ra quy định như vậy? Chắc chắn là có nhiều lý do và cơ sở, nhưng trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là không ít bạn trẻ hiện nay đang coi làm thêm như công việc chính, còn học tập chỉ là phụ, thậm chí quanh năm để sách vở phủ bụi, dẫn đến bị “lụt”, nợ môn đầm đìa, tệ hơn có người đã phải chấm dứt việc học do “cúp cua” quá nhiều.

Người viết được một ông bạn kể lại trường hợp điển hình vì quá mải mê làm thêm mà một bạn sinh viên trở nên “thân tàn ma dại”. Chàng trai trẻ quê ở miền Trung, ra Hà Nội học ở một trường khá danh tiếng. Năm đầu, cậu ta còn chí thú học hành, ngoài giờ học là lên thư viện trau dồi kiến thức. Sang năm thứ hai, vì thương cha mẹ tảo tần sớm hôm lo tiền ăn học, lại thấy bạn bè xung quanh ai cũng đi làm, rủng rỉnh tiêu pha không phải hong hóng tiền nhà cuối tháng như mình, cậu bèn lên mạng tìm việc. Ban đầu là bưng bê ở quán cà phê, tiếp đến dọn nhà hàng, rửa bát, sau nữa chạy xe ôm công nghệ... Và không biết từ khi nào, câu chuyện “cơm áo gạo tiền” đã bám riết lấy cậu sinh viên, rồi kết quả như một lẽ tất yếu là cậu đã nợ rất nhiều môn, đành học lại với khóa sau. Còn bố mẹ lâu lâu chẳng thấy con về, Tết nhất cũng mất mặt, sốt ruột nhảy tàu ra Hà Nội thì suýt nữa không nhận ra con, khi thấy cậu chàng vêu vao, đen nhẻm, từ sớm đến khuya đưa đón khách “trên từng cây số” thay vì ngồi trên ghế giảng đường.

Sinh viên đi làm thêm là rất tốt, nhưng cần biết chọn công việc phù hợp để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi thêm vốn sống, bổ sung cho kiến thức mà mình đang học, và quan trọng nhất là khiến cho bản thân trưởng thành, nhận thức sâu hơn về giá trị của đồng tiền mới là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Suy cho cùng, nhiệm vụ chính của sinh viên là học và hành. Đại học là tự học, gần như giới trẻ đều có tư tưởng đó, tuy nhiên, tự học thế nào để đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và trở thành một sinh viên xuất sắc mà vẫn có thể đi làm thêm là câu hỏi không dễ tìm lời giải.

Bởi vậy, quy định “cứng” về thời gian làm thêm đối với sinh viên là điều vô cùng cần thiết, nó không chỉ bảo vệ, hỗ trợ cho các bạn trong quá trình trải nghiệm cuộc sống bên ngoài, mà quan trọng hơn là tạo cho các bạn ý thức, trách nhiệm hơn với sự nghiệp học hành và tương lai của chính mình. Có thể thấy, quy định chính là barie, là tiếng chuông cảnh báo, để nếu các bạn vì quá ham mê kiếm tiền mà bẵng quên đi việc học thì quy định trên gióng lên những hồi cảnh tỉnh. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong quản lý sinh viên làm thêm. Thầy cô, cha mẹ, các tổ chức đoàn thể có thể giới thiệu việc làm cho các em để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học. “Đặc biệt đối với sinh viên chưa đủ 18 tuổi, các em cần hiểu rõ hơn các công việc được làm phù hợp với sức khỏe, thời gian và nhận được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ”, một chuyên gia trong ngành giáo dục góp ý.

ĐỖ CAO HUYỀN

Ý kiến bạn đọc