Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Xung quanh quy định đào tạo năng khiếu nghệ thuật: Đề xuất sửa đổi quy định vì “nhiều vấn đề chưa hợp lý”

Thứ Hai 10/08/2020 | 11:04 GMT+7

VHO- Không nên đánh đồng giữa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nghệ thuật 4 năm, 6 năm, thậm chí 9 năm với trung cấp 18 tháng ở những ngành nghề khác. Ngoài ra, nếu không có những cơ chế, chính sách đào tạo đặc thù cho nghệ thuật sẽ khiến các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp vô vàn khó khăn, với nguy cơ nhỡn tiền là mất nguồn nhân lực khi không được đào tạo liên thông từ trung cấp…

 Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Học viện Âm nhạc Quốc gia VN Ảnh: Đ.A

Những bất cập trên đã được những nhà nghiên cứu đầu ngành kiến nghị với Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về khảo sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, do ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm Trưởng đoàn, diễn ra vào cuối tuần qua.

Không được đào tạo từ nhỏ, không có tài năng âm nhạc

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện ÂNQGVN cho biết, hệ đào tạo Trung cấp âm nhạc hiện nay tại Học viện là mô hình được thiết kế trên cơ sở kế thừa từ mô hình đào tạo của các nước XHCN (cũ). Bởi nó thể hiện được tính ưu việt và hiệu quả cao, có chất lượng tốt, đáp ứng cho nguồn tuyển sinh đại học trong suốt 64 năm phát triển của Học viện.

Chính vì vậy, trong giai đoạn trước mắt thì việc đào tạo hệ trung cấp vẫn rất cần thiết. Chỉ cần nhìn vào 5 năm trở lại đây, số lượng hơn 200 giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng âm nhạc chuyên nghiệp ở khu vực và thế giới mà học sinh hệ trung cấp của Học viện đạt được đã chứng minh việc đào tạo bậc trung cấp là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Còn nếu thực hiện đúng theo yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) thì việc đào tạo hệ trung cấp của Học viện sẽ không còn nữa, trong khi nguồn học sinh thuộc hệ này chiếm đến 70% số học sinh đang đào tạo tại Học viện. Vì thế, Học viện và nhiều cơ sở đào tạo ngành nghệ thuật khác mong muốn được duy trì mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học.

GS.TS.NGND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện cho rằng, “không nên đánh đồng giữa đào tạo hệ trung cấp nghệ thuật với các ngành nghề khác vì thời gian đào tạo của học sinh nghệ thuật có thể lên tới 9 năm. Phương thức đào tạo nghệ thuật hệ trung cấp cũng hoàn toàn không giống một cơ sở thông thường. Hình thức dạy một thầy một trò, thậm chí 2 thầy với một trò. Các thầy phải tự soạn giáo trình riêng cho từng em, tuỳ thuộc vào năng lực, tài năng của các em. Đào tạo nghệ thuật là một chặng đường rất dài, việc phát hiện năng khiếu tài năng từ nhỏ vì vậy mô hình đa cấp, đa ngành đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật như Học viện ÂNQGVN là vô cùng cần thiết”. NGND Trần Thu Hà còn khẳng định, các tài năng âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam như NSND Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy… cũng đều được đào tạo từ nhỏ mới có thể trở thành những nghệ sĩ mà cả thế giới công nhận. Bà còn khẳng định, hiện nay nhiều quốc gia có nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới vẫn duy trì việc đào tạo phương thức đa cấp từ trung cấp đến đại học trong một cơ sở đào tạo như ở Mỹ, Nga, Đức, Australia…

 Học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN đã giành được rất nhiều giải thưởng quốc tế Ảnh: H.V

Đã đến lúc cần có quy định cụ thể cho lĩnh vực đào tạo nghệ thuật

Theo ý kiến của nhiều thầy cô ở Học viện, vấn đề mấu chốt hiện nay là làm sao giữ được hệ đào tạo trung cấp ngay tại các cơ sở đào tạo bậc đại học nghệ thuật. Muốn như vậy cần có cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Luật. GS.TS.NSND Ngô Văn Thành nói: “Đưa đào tạo hệ trung cấp nghệ thuật về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không hợp lý. Không thể ép và bó buộc việc đào tạo nghệ thuật chỉ trong thời gian từ 1 đến 3 năm như các ngành nghề khác. Tôi đề nghị, trong lĩnh vực này nên thống nhất để hai Bộ quản lý, đó là Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT. Chính phủ cần xem xét, xây dựng thành một Nghị định riêng quy định cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật, có như thế các cơ sở đào tạo về lĩnh vực này mới thật sự yên tâm”.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn cho biết: “Đào tạo năng khiếu nghệ thuật sẽ khác với đào tạo một lĩnh vực ngành nghề thông thường của xã hội. Đặc thù đào tạo của nghệ thuật đã khác, chưa kể tới là mỗi chuyên ngành nghệ thuật lại có thời gian và cách đào tạo riêng. Ở đây theo tôi còn có sự chưa đồng nhất trong nhận thức về đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, dẫn đến việc đánh đồng đào tạo nghệ thuật và các ngành nghề thông thường khác. Trong tuần tới, Bộ VHTTDL sẽ có tờ trình Chính phủ trước mắt là đề nghị các trường nghệ thuật của Bộ cũng như ở các tỉnh, địa phương vẫn được tiếp tục chương trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng như mô hình đã thực hiện trong bao nhiêu năm qua. Chúng tôi cũng mong muốn Đoàn công tác cùng với các Bộ, ngành có tiếng nói để tháo gỡ những khó khăn mà các cơ sở đào tạo nghệ thuật đặc thù đang gặp phải”.

 GS.NSND Ngô Văn Thành cùng các học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong một chương trình biểu diễn Ảnh: H.D

Ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho biết: “Khoản 4, Điều 6, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã ghi rõ: “Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù”. Trước những vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó Phó Thủ tướng đồng ý về thời gian đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng văn hóa nghệ thuật đặc thù như hiện nay; Đồng ý các cơ sở đào tạo đại học văn hóa nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù, kết hợp đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa trong lĩnh vực VHNT. Vì vậy, các khóa đào tạo của Học viện vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo bình thường. Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gửi văn bản tới các cơ sở đào tạo nghệ thuật thông báo dừng tuyển sinh hệ trung cấp là gửi chung cho các cơ sở đào tạo cả nước. Tuy nhiên đối với nghệ thuật là ngành chuyên sâu đặc thù thì chưa hợp lý”. Ông Tấn cũng cho rằng, không thể tính những người học hệ trung cấp thông thường ở độ tuổi 16, 17 với những học sinh được đào tạo nghệ thuật từ năm 6 tuổi. Việc đào tạo nghệ thuật không chỉ đào tạo về kỹ năng mà cả các kiến thức kinh viện. Đúng như các thầy cô của Học viện Âm nhạc chia sẻ, việc đào tạo nghệ thuật phải có sự liên thông theo hình chóp, đào tạo hệ trung cấp nằm trong quy trình đào tạo ra tài năng nghệ thuật và không cắt đứt hệ trung cấp.

Còn ông Vũ Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đại học có thể đào tạo cao đẳng, trung cấp và Học viện Âm nhạc vẫn ký bằng tốt nghiệp cho học sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thì Học viện chỉ có thể cấp bằng đại học. Đây chính là vướng mắc của đào tạo nghệ thuật hiện nay. Đã đến lúc cần có quy định cụ thể cho lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chứ không thể chiểu theo một công thức máy móc áp dụng Luật chung như các ngành nghề khác”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo TƯ) Nguyễn Đắc Hưng, Trưởng Đoàn công tác cho biết, Đoàn sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thầy cô Học viện Âm nhạc. “Từ những vướng mắc trong đào tạo nghệ thuật, Đoàn công tác thấy rằng các văn bản quy định pháp luật về giáo dục vẫn chưa thực sự cụ thể đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Bộ VHTTDL cần có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đối với lĩnh vực đào tạo đặc thù cho nghệ thuật”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hưng, việc kiến nghị và trình Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong đào tạo nghệ thuật đặc thù, cũng như đưa ra các giải pháp sát với thực tế cần phải được các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc nhanh chóng, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của học sinh đang đào tạo hệ trung cấp ở các trường. Mùa tuyển sinh đã kề cận, nếu không được tuyển hệ trung cấp, nghệ thuật sẽ mất đi nguồn nhân lực tạo nguồn. 

  Từ những vướng mắc trong đào tạo nghệ thuật, Đoàn công tác thấy rằng các văn bản quy định pháp luật về giáo dục vẫn chưa thực sự cụ thể đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Bộ VHTTDL cần có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đối với lĩnh vực đào tạo đặc thù cho nghệ thuật.

(Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo TƯ NGUYỄN ĐẮC HƯNG, Trưởng Đoàn công tác)

 THUÝ HIỀN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top