Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM): Ai dám nói đây là di tích?

VH- Hoang tàn, nhếch nhác, ô nhiễm… là thực trạng đau lòng nhưng vẫn đang diễn ra hằng ngày tại di tích khảo cổ học quốc gia lò gốm Hưng Lợi, một di tích 300 năm tuổi được xếp hạng từ năm 1998.

Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM): Ai dám nói đây là di tích? - Anh 1

 Mặc dù đây là khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người dân vẫn thuê máy ủi san gạt đất, khiến cho di tích lò gốm bị biến dạng nghiêm trọng

Lúc trước có biển di tích nhưng gia đình tháo bỏ rồi

Sau 20 năm được công nhận, di tích lò gốm Hưng Lợi, một trong những di tích “có một không hai” tọa lạc trên địa bàn phường 16, quận 8 (TP.HCM) đã không còn được nhận ra vì “công trình” này đang bị xâm hại nghiêm trọng như một “gò hoang” giữa lòng đô thị hiện đại.

Luồn lách qua những con hẻm ngoằn ngoèo, vừa đặt chân đến nơi theo sự chỉ dẫn rất tận tình của một cán bộ, chúng tôi không dám nghĩ đây là khu vực di tích quốc gia bởi nơi đây dường như không có một dấu hiệu nào để nhận biết. Có chăng chỉ là cái cổng trơ xương, không một thông tin và cũng không có rào chắn bảo vệ do người dân đập phá, chiếm dụng thành nơi phơi đồ đạc từ trước đó nhiều năm. Bên trong di tích không khác một gò hoang với cây cối bị chặt phá nằm trơ gốc, ngổn ngang gạch đá, rác thải, phế liệu…

Dò hỏi các hộ dân xung quanh di tích thì chỉ số ít người lớn tuổi sống lâu năm ở đây mới biết khu vực này là di tích, còn phần lớn cho rằng nơi đây là nghĩa địa hoặc gò đất hoang tàn. Thậm chí có người dân còn tự nhận “đấy là đất của gia đình tôi chứ ai bảo đây là di tích”. Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân khiến cho di tích có lịch sử hơn 300 tuổi này hóa thành “phế tích” là do có sự tranh chấp về đất đai giữa gia đình bà Nguyễn Thị Phương, người dân sống cạnh di tích với chính quyền địa phương, kéo dài suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trao đổi với bà Tám (em gái bà Phương) về câu chuyện cụ thể này thì bà không ngần ngại nói thẳng rằng, “lúc trước trên cổng chào còn có treo biển di tích quốc gia, nhưng gia đình tự tháo bỏ đi rồi! Vì đất này là của ông cha tôi để lại, chính quyền muốn làm di tích hay làm gì thì phải đền bù thỏa đáng cho gia đình rồi làm”.

Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM): Ai dám nói đây là di tích? - Anh 2

Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM): Ai dám nói đây là di tích? - Anh 3

Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM): Ai dám nói đây là di tích? - Anh 4

Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM): Ai dám nói đây là di tích? - Anh 5

 Một số hình ảnh hoang phế, xâm hại nghiêm trọng di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi

Thuê xe ủi, san lấp bên trong khu vực bảo vệ di tích

Theo hồ sơ công nhận, khu vực bảo vệ di tích (khu vực bảo vệ bất khả xâm phạm) có chiều dài 100m, rộng 100m với tổng diện tích 10.000m2. Trong khu vực này tuyệt đối nghiêm cấm mọi sự xây dựng hoặc xâm chiếm. Không một tổ chức hay cá nhân nào được tự ý tháo gỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích. Thế nhưng, một người dân (xin giấu tên) sống lâu năm cạnh di tích cho biết, khoảng tháng 7.2017, gia đình bà Phương đã tự ý thuê xe ủi tiến hành san lấp đất, trồng cây xanh trong khu vực bảo vệ.

Xác nhận với chúng tôi, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 16 cho biết, thời điểm diễn ra vụ việc trên là ngày 14.7. Gia đình bà Phương đã có hành vi thuê xe ủi để san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng khu bảo vệ di tích khảo cổ. Diện tích đất bị san phẳng khoảng 200m2. Trước sự việc nghiêm trọng này, phường lập biên bản xử lý nhưng bà Phương không ký văn bản vi phạm và khẳng định “đất của gia đình tui, không có khu di tích nào ở đây. Tôi muốn làm gì thì làm”. Hiện công an quận 8 đang thụ lý hồ sơ xác định hành vi vi phạm về xâm hại di tích.

Ông Tâm cho biết thêm, trước mắt để bảo vệ di tích không bị xâm hại, UBND phường 16 đã cử công an khu vực, cán bộ địa chính cùng lực lượng bảo vệ dân phố thường xuyên theo dõi, bảo vệ di tích.

Vì sao một di tích khảo cổ 300 năm tuổi với nhiều hiện vật quý hiếm đã được khai quật, lưu lại những giá trị lịch sử và văn hóa thuở Sài Gòn sơ khai lại bị xâm phạm nghiêm trọng, trở nên hoang phế? Và vì sao một di tích quốc gia đã được công nhận 20 năm qua đến nay vẫn chưa phân cấp cho một đơn vị cụ thể nào trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị? Văn Hóa sẽ tiếp tục phản ánh những vấn đề này trong số báo tới.

Hoàng Hải

 

 

Ý kiến bạn đọc