Bình xét các danh hiệu văn hóa:  Bộ tiêu chí cần rõ ràng, dễ hiểu

VH- Có lẽ vì độ nhạy cảm và sát sườn cuộc sống mà dự thảo Nghị định quy định về “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” một lần nữa tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến góp ý của đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành, các chuyên gia và đại diện một số Ban, ngành để chỉnh sửa, hoàn thiện. Hội thảo do Bộ VHTTDL tổ chức vào sáng qua 29.3 tại Hà Nội.

Bình xét các danh hiệu văn hóa:  Bộ tiêu chí cần rõ ràng, dễ hiểu - Anh 1

Bộ tiêu chí sẽ có cả điểm cộng, điểm liệt

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, thực tế cho thấy sự cần thiết phải có bộ tiêu chí mới trong bình xét các danh hiệu văn hóa. Đây cũng là mục tiêu của Nghị định nhằm khắc phục các căn bệnh thành tích, thiếu chiều sâu, thực chất ở các danh hiệu văn hóa trong thời gian qua.

“Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 18 điều, nội dung tập trung nhiều nhất là các nhóm tiêu chí bình xét. Ngoài các tiêu chí bắt buộc để xây dựng thang điểm thì còn có các tiêu chí khuyến khích để có điểm cộng, hoặc nhóm điểm liệt để loại, không bình xét. Dựa trên bộ tiêu chí này, các địa phương sẽ xây dựng thang điểm cho phù hợp, với 100 điểm cho các tiêu chí…”, bà Hương cho biết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, trong quá trình soạn thảo dự thảo, Ban soạn thảo khá “bí” với việc xây dựng các thang điểm cho sát thực tiễn và có tính khả thi.

Dự thảo Nghị định cho biết, việc bình xét các danh hiệu văn hóa, gồm: Gia đình văn hóa, Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Chỉ tổ chức bình xét khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký danh hiệu thi đua hằng năm. Tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu cũng được cụ thể hóa khá chi tiết. Ví dụ, để được xét và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa thì có ba nhóm tiêu chuẩn mà các gia đình phải đạt được, đó là: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Nhiều tiêu chí “con” tạo nội hàm của bộ tiêu chuẩn này được đại biểu các địa phương quan tâm như: gia đình không có người hành nghề mê tín dị đoan, sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm, đánh bạc; không có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không có người lang thang, ăn xin; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và văn hóa lễ hội; không có bạo lực gia đình…

Tiêu chuẩn xét, công nhận danh hiệu Thôn, Làng, Ấp, Bản, Tổ dân phố văn hóa gồm các khung tiêu chuẩn: Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; Xây dựng môi trường, cảnh quan sạch, đẹp; Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Nhiều ý kiến góp ý, các tiêu chí cần rõ ràng mới khả thi. Ví dụ, theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thì tiêu chí “không có bạo lực gia đình” trên thực tế rất khó phát hiện, thường chỉ các thành viên trong gia đình biết. Nên chăng sửa thành “không có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính trở lên”?

Đang có sự lu mờ ý chí phấn đấu đạt các danh hiệu

Vấn đề thực chất danh hiệu một lần nữa được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh. Theo đại diện Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, Nghị định này chính là thước đo để đánh giá chất lượng của các danh hiệu trong thời gian tới. “Trực tiếp là các thôn, ấp, bản, làng… sẽ tiến hành bình xét danh hiệu, vì vậy chiếc cân đo lường ấy sẽ được trao cho họ. Cân “già” hay cân “non”, chuẩn xác hay không là do chế tác, chính là Nghị định này ”, đại biểu nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Dương Hồng Cơ cũng lưu ý, các tiêu chí bình xét cần tách bạch, không chồng chéo và có tính khả thi. Ông Cơ ví dụ, một số văn bản đã ban hành nhưng lại không ràng buộc, địa phương thực hiện cũng được, không thực hiện cũng xong. Trong việc khen thưởng sau công nhận các danh hiệu GĐVH, nếu số lượng quá đông mà quy định mỗi gia đình được 50 ngàn tiền thưởng thì các xã, thôn, ấp, bản lấy đâu ra? Cho nên, từng quy định phải sát thực tế.

Mặt khác, trong bối cảnh các giá trị kinh tế có sức chi phối mạnh mẽ thì rõ ràng, các danh hiệu văn hóa đang dần trở nên mờ nhạt. Nhiều gia đình chỉ quan tâm làm ăn kinh tế, có được GĐVH hay không họ không mấy quan tâm. “Sự lu mờ ý chí phấn đấu này là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý. Ở đây, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh…”, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Về trình tự, thủ tục bình xét, đại biểu này góp ý thêm: Nếu các hộ gia đình được xét tặng danh hiệu có trên 60% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố nhất trí tán thành thì 40% còn lại không cần nhất trí mà vẫn qua, liệu có phải là quá cao? “Nhiều khi chỉ cần một ý kiến không tán thành đã khó rồi. Người dân sống với nhau, cọ xát hằng ngày nên nhà ai có chuyện gì họ đều biết hết. Vì thế, cần phải có sự đồng thuận tuyệt đối. Nên xem xét lại tỉ lệ này”, ông Dương Hồng Cơ nói.

Bà Đặng Hồng Linh, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT TP.HCM cũng góp ý, chỉ nên thực hiện bình xét hai danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa” là hợp lý. Bà Linh cho rằng, so với số lượng và quy trình xét duyệt danh hiệu như hiện nay, Luật Thi đua, Khen thưởng đang là chiếc áo “quá chật”. Cần phải có những tiêu chí mới, quy định mới phù hợp mà Nghị định này đang hứa hẹn có nhiều khả năng đáp ứng.

Ông Hà Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở lưu ý, nên đơn giản và tinh gọn lại những thủ tục để tránh rườm rà trong thực hiện các trình tự và thủ tục xét, công nhận danh hiệu. “Trước đây tôi đã từng nói, ước gì phong trào xét các danh hiệu văn hóa chỉ đạt tỉ lệ 10% thôi, nhưng là 10% thực chất. Các danh hiệu vốn đã tràn lan, giờ làm Nghị định thì cần sự đổi mới đột phá để tạo sức lan tỏa. Dù xét thế nào thì các tiêu chí vẫn phải tôn lên chất lượng danh hiệu... “, ông Hà Văn Tăng nhấn mạnh.

Các ý kiến tại hội thảo sẽ được ban soạn thảo Nghị định tiếp thu, chỉnh sửa. Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6.2018. 

Hà Ngân

Ý kiến bạn đọc