Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO-Ngày 17.11 tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức Lễ đón bằng công nhận nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 7 của tỉnh Thanh Hóa.

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1

Lễ đón nhận

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy cho tới ngày nay. Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu có các bước, các thao tác kỹ thuật khác nhau, bao gồm làm khuôn, pha chế  hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm... Kinh nghiệm  trong nghề đúc thường được truyền trong gia đình, không được truyền sang làng khác.

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3

Kỹ thuật đúc đồng làng Chè

Sản phẩm do người thợ đúc đồng Trà Đông làm ra hết sức đa dạng, phong phú song chủ yếu là hàng dân dụng truyền thống những đồ dùng cần thiết trong gia đình như các loại nồi, niêu, năng, nồi ba, nồi tư, nồi năm, nồi tám, nồi mười, nồi ba mươi. Các loại đồ thờ cúng như: Bát hương, ly hương, đế đèn nến… Những vật lớn như: Chuông, tượng, đại tự, cồng, chiêng, hay các tác phẩm nghệ thuật khác…Đặc biệt người thợ đúc đồng Trà Đông ngày nay còn có khả năng làm ra các loại chi tiết máy móc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. xưa nay sản phẩm của nghề đúc đồng rất được ưa chuộng đảm bảo độ bền, sáng bóng, mẫu mã đẹp và không bị “rỉ đồng”. Thợ đúc đồng Trà Đông được mời đi đúc ở nhiều nơi. Một số nơi khác đã tìm đến lang đúc đồng Trà Đông học tập kỹ thuật đúc. Năm 1971, các nghệ nhân làng Trà Đông đã đúc thành công pho tượng Bác Hồ (cao 1m50, nặng 600 kg đồng) đạt yêu cầu thẩm mỹ. Ngoài ra, thợ đúc đồng ở đây  còn tham gia đúc thành công trống đồng Đông Sơn đúng theo kiểu dáng, hoa văn xưa. Vào năm 2010, tập thể nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông đã tham gia đúc 100 chiếc trống đồng để dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 4

Nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà nó còn có giá trị to lớn về văn hóa

Nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà nó còn có giá trị to lớn về văn hóa. Nghề đúc đồng Trà Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn bản sắc truyền thống của dân tộc. Hiện nay, toàn xã Thiệu Trung có 132 hộ đang duy trì, phát triển nghề đúc đồng truyền thống, tập trung chủ yếu ở làng Chè. Làng Chè hiện hiện có 4 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc