Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Về Gia Lai xem đua thuyền độc mộc

Thứ Tư 24/04/2019 | 15:33 GMT+7

VHO - Dịp nghỉ Lễ 30.4 và 1.5 này, bên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Gia Lai như Biển Hồ, thủy điện Ya Ly, thác 50… du khách và nhân dân trong vùng có cơ hội tận mắt chứng kiến những con thuyền độc mộc trở lại trên dòng sông Pô Cô huyền thoại qua Giải đua thuyền độc mộc do huyện Ia Grai tổ chức.

Các đội đua đang tích cực tập luyện

Sông Pô Cô hay còn được dân làng, sử sách ghi chép lại là Đak Pô Kô, Krông Pô Kô... là dòng sông có chiều dài hơn 300 km bắt nguồn từ phía bắc tỉnh Kon Tum, chảy ngược về hướng tây qua dãy Trường Sơn sang đến tận tỉnh Gia Lai. Hiện dòng sông này còn được biết đến với tên gọi mới là sông Sê San - “dòng sông năng lượng” với hệ thống 6 nhà máy thủy điện (xếp thứ 3 về tiềm năng thủy điện trong cả nước, cung cấp hơn chục tỉ KWH điện mỗi năm). Với lợi thế về mặt nước từ các đập thủy điện, nơi đây đang tạo ra sức hút về du lịch và nuôi trồng thủy sản với nhiều dòng cá quý hiếm.

Cũng chính trên dòng sông này, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều chàng trai tráng kiện tin và theo bộ đội cụ Hồ tham gia chiến đấu. Những năm 1960, khi bộ đội hành quân đến dòng Pô Cô phải dừng lại bởi dòng nước sâu, chảy xiết. Biết tin bộ đội về làng, lũ lượt gái trai, già trẻ tại làng Nú (nay thuộc xã Ia Khai, huyện Ia Grai) tìm đến tiếp tế lương thực, rồi dùng những con thuyền độc mộc được tạo nên từ một thân cây, để di chuyển, đưa lớp lớp bộ đội qua sông tiếp tục tham gia chiến đấu góp phần vào thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để tưởng nhớ về những anh hùng của làng Nú trên sông Pô Cô năm xưa, đồng thời góp phần giữ gìn nét văn hóa dân gian trong chế tác thuyền độc mộc,  cùng với việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, gắn kết cộng đồng các buôn làng, nhân dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 này, UBND huyện Ia Grai tổ chức Giải đua thuyền độc mộc trên sông PôKô lần thứ Nhất - năm 2019.

Theo đó, Giải đua thuyền sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày 1.5 tại bãi bồi ven hồ Sê San 4 (thuộc làng Jăng, xã Ia O). 3 xã giáp biên với Vương quốc Campuchia là Ia Khai, Ia Krái, Ia O sẽ cử 12 đội tham gia. Cụ thể: xã Ia O có 5 đội, xã Ia Khai có 5 đội, xã Ia Krai có 2 đội tham gia. Mỗi đội đua tham dự giải sẽ có 2 vận động viên. Chiều dài chặng đua là 500m.

Trong khuôn khổ Giải đua thuyền lần này, vào tối 30.4 tại trung tâm xã Ia O, huyện Ia Grai tổ chức chương trình biểu diễn cồng chiêng cùng nhiều tiết mục văn hoá văn nghệ do các đoàn nghệ nhân đến từ xã vùng biên của huyện tham gia.

Để cuộc đua thêm phần hấp dẫn và kịch tính, đơn vị tổ chức đã mời các đội tham gia tham khảo ý kiến, lựa chọn cự ly, tổ chức tập luyện nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trước khi bước vào cuộc đua chính thức diễn ra.

Đây sẽ là hoạt động thể thao - văn hóa góp phần gắn kết cộng đồng

Dù chỉ là công tác tập luyện nhưng tinh thần các vận động viên tỏ ra phấn chấn. Vui vẻ khi trò chuyện, ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O phấn khởi nói: Lâu lắm rồi thuyền độc mộc lại trở về với dòng sông này, dân làng vui lắm khi biết có cuộc thi đua thuyền. Khi các đội được lựa chọn tham gia ai cũng lo nhưng được hướng dẫn, tập luyện nay các đội đã thành thục và sẵn sàng cho cuộc thi rồi.

"độc mộc nhiều năm qua không còn dùng nữa, người già có kinh nghiệm về chọn lựa cây gỗ, đến cách tính toán để đẽo nên một chiếc thuyền độc mộc hoàn chỉnh nay cũng chỉ còn vài người. Để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của thuyền độc mộc gắn liền với tên tuổi của người Anh hùng A Sanh - người lái đò trên dòng Pô Cô, UBND huyện đã quyết định lựa chọn loại hình thuyền gỗ truyền thống và dòng sông huyền thoại một thời để tổ chức hội đua thuyền lần này. Đây là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày mai một trên địa bàn huyện", ông Lê Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, Trưởng ban tổ chức giải cho biết.

"Về công tác chuẩn bị, tập luyện, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện đã cùng xã Ia O thông tin đến các vận động viên, nhân dân cũng như các hộ kinh doanh cùng nâng cao trách nhiệm, ý thức để góp phần nâng cao các giá trị văn hóa địa phương, qua đó để lại những hình ảnh đẹp trong lòng mỗi du khách khi đến với Hội đua thuyền độc mộc lần đầu diễn ra", ông Lưu Văn Biên- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai cho biết.

Hiện toàn huyện có khoảng 50 chiếc thuyền độc mộc, tập trung chủ yếu ở 3 xã biên giới như Ia Khai 15 chiếc, Ia O 10 chiếc và 15 chiếc ở xã Ia K'rái. Trong đó, có những chiếc thuyền gỗ đã được chế tác và gìn giữ cách nay hơn 60 năm, thuyền mới làm gần đây nhất cũng đã qua tuổi 20.

Giải đua thuyền tái hiện hình ảnh những người con của buôn làng năm xưa đưa bộ đội vượt sông

Trong những ngày nghỉ lễ này, trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cũng diễn ra Lễ hội cầu mưa - một nghi lễ linh thiêng được cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai gìn giữ và lưu truyền qua nhiều đời. Phần quan trọng diễn ra trong Lễ hội này chính là Lễ mở cửa kho nơi lưu giữ thanh “gươm thần” cùng các vật cúng được 14 đời Vua Lửa sinh sống tại thung lũng Plei Ơi lưu giữ, sử dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện cho biết: tại khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (đã được quy hoạch chi tiết xây dựng 33 căn nhà sàn truyền thống), núi Chư Tao Yang, ao Ơi Y, khu nhà mồ, nhà trưng bày, nhà Pơtao Apuih đời thứ 14 Siu Luynh, bến sông và các điểm đến khác là chùa Quang Sơn, hồ Ayun Hạ, hồ Sen (xã Ia Yeng)…, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư và kêu gọi các tổ chức, cá nhân khác đầu tư xây dựng Phú Thiện trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới...”.

Bên cạnh đó, tại trung tâm TP. Pleiku, có nhiều điểm đến để du khách đến với Gia Lai lựa chọn như tham quan thắng cảnh Biển Hồ, tham quan “check in” khung cảnh vườn hoa hướng dương tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng- TP.Pleiku với khu vườn đang khoe sắc vàng rực rỡ; dự “Phiên chợ ẩm thực chiến khu xưa” tại Khu du lịch Nhà Tôi xã Trà Đa, TP. Pleiku với rất nhiều món ngon được chính bộ đội đã từng dùng trong thời chiến nay được tái hiện trong khung cảnh đầy sắc màu cùng những giai điệu hào hùng đi cùng năm tháng.

NGUYỄN GIÁC

 

 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top