Quanh chuyện đặt tên sau sáp nhập (Bài 1):

“Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

PHƯƠNG ANH

VHO - LTS: Danh xưng của những ngôi làng tồn tại qua nhiều thế kỷ, gắn liền với lịch sử, văn hóa và bản sắc của một vùng quê, luôn là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Danh xưng ấy luôn nhắc nhớ về nguồn cội, về những đau đáu và hoài vọng trong những người con của làng, dù họ có phiêu bạt ở muôn nơi.

 “Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” - ảnh 1

Nếu không được suy xét một cách thận trọng, sau khi sáp nhập, danh xưng “Quỳnh Đôi” sẽ biến mất, thay vào đó là xã… Đôi Hậu. Ảnh: P.NGHĨA

Những ngày này, câu chuyện những danh xưng cổ có nguy cơ bị đổi tên, hoặc xóa sổ sau sáp nhập phường, xã đã và đang gây xôn xao dư luận. Nhiều chuyên gia văn hóa lưu ý, việc đặt mới tên phường, xã sau sáp nhập là vấn đề nhạy cảm, cần nghiên cứu bài bản và thận trọng.

 “Như chiếc rễ ăn sâu vào lòng đất. Ai nhổ được tên làng. Ra khỏi vùng ký ức?...”. Những câu thơ hoang hoải nhớ nhung của mỗi người dân quê hướng về mảnh đất quê hương, nơi họ sinh ra, lớn lên và dù có phiêu bạt bốn phương trời thì miền nhớ ấy vẫn luôn là vùng ký ức thiêng liêng, mãi mãi.

Tranh cãi chuyện đổi, xóa sổ tên làng, xã trong những ngày qua vì thế ngày càng trở nên gay gắt. Lời nhắc nhở không xem nhẹ việc đặt, đổi tên, tránh việc đưa ra những cái tên chứa đựng hồn cốt ngàn năm trở thành vô nghĩa. Hơn bao giờ hết, đang rất cần các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương lắng nghe và cân nhắc kỹ càng.

Mỗi cuộc đời “gánh theo tên xã, tên làng…”

Tình cờ trong chuyến công tác qua xứ Nghệ những ngày này, chúng tôi có dịp lắng nghe người dân xôn xao chuyện tên làng, tên xã sau sáp nhập. Những tên đề xuất mới thì khô cứng, xa lạ khiến không ít người băn khoăn, bức xúc... Bởi bấy lâu, những cái tên mộc mạc chính là sợi dây vô hình gắn kết cuộc đời họ với quê hương, để dù ở bất cứ nơi đâu, những người cùng quê ấy lại hồn hậu gọi nhau bằng hai tiếng đồng hương.

 “Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” - ảnh 2

 Cổng làng Quỳnh Đôi

Việc đặt lại tên sau khi tiến hành sáp nhập phường, xã đang mang đến nhiều điều băn khoăn. Như ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), người dân chia sẻ nỗi buồn khi quê hương Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, xã Quỳnh Đôi có nguy cơ bị xóa sổ sau sáp nhập với xã Quỳnh Hậu, xã mới sẽ mang tên… Đôi Hậu. Quỳnh Đôi là ngôi làng có những danh nhân nổi tiếng, truyền thống hiếu học và lịch sử lâu đời. Như bao làng quê khác, danh xưng Quỳnh Đôi không chỉ ăn sâu trong tiềm thức mà còn là niềm tự hào, là di sản văn hóa của làng, xã. Còn nhiều cái tên xa lạ khác có thể sẽ ra đời sau khi sáp nhập, theo như đề nghị của UBND xã Quỳnh Lưu: Xã Quỳnh Nghĩa sáp nhập với Tiến Thủy thành xã Phú Nghĩa; các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc thành xã Bình Sơn; xã Quỳnh Thuận sáp nhập với Quỳnh Long thành xã Thuận Long; Quỳnh Thọ và Sơn Hải thành xã Hải Thọ; Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành Hoa Mỹ; Quỳnh Minh và Quỳnh Lương thành Minh Lương. Lo lắng mất tên làng, xã không chỉ là nỗi trăn trở của người dân xứ Nghệ mà ở nhiều địa phương khác, những cái tên mới đầy xa lạ, cứng nhắc, hoàn toàn không gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc đặc thù của từng vùng đất đang hiển hiện nguy cơ khi nhiều ngôi làng gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời được đề nghị thay thế tên mới.

Tại Hà Nội, xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) là địa danh nổi tiếng gắn liền với nghề mộc, làm nhà cổ..., nhưng theo đề án sáp nhập đơn vị hành chính, xã Chàng Sơn sẽ sáp nhập với xã Thạch Xá, thành đơn vị hành chính mới mang tên Thạch Xá. Hai xã Liên Phương và Hà Hồi của huyện Thường Tín cũng có tên mới sau sáp nhập là Hà Liên; xã Vạn Điểm sáp nhập xã Vạn Nhất thành xã Vạn Nhất… Như thế, nhiều tên làng, xã, phường gắn liền với những dấu tích lịch sử, văn hóa như Hà Hồi, Hòa Xá, Chàng Sơn, Cầu Dền, Quỳnh Lôi, Tích Giang… sẽ có thể không còn nữa trên bản đồ sau khi sáp nhập. Hay như tại Khánh Hòa, dự kiến đổi tên thị trấn Diên Khánh thành phường Phú Thành khiến nhiều người tiếc nuối khi danh xưng thị trấn Diên Khánh vốn gắn liền với di tích thành cổ Diên Khánh, có tuổi đời 230 năm tuổi cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Bên cạnh đó, địa phương này cũng dự kiến sáp nhập 2 xã Diên Hồng và Diên Xuân thành xã Đồng Xuân…

Việc đặt một tên gọi mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà qua đó, người dân địa phương còn nhìn thấy những đổi thay trong đời sống tinh thần, văn hóa của chính họ, của vùng đất quê hương họ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết: “Họ truyền giọng điệu cho con tập nói, Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Tên làng, xã trong tâm thức vốn luôn ăn sâu vào tình cảm, đời sống của mỗi con người, mỗi cuộc đời. Tên làng, xã được cha ông ta đặt từ khi mở đất, dựng làng. Danh xưng ấy chính là văn hóa, là truyền thống lịch sử. Hun đúc nên mỗi cái tên đi cùng năm tháng, song hành cùng những cuộc đời cũng chính là văn hóa đặt tên làng, xã mà ông cha đã kiến tạo tự ngàn xưa.

Không thể cơ học và vô cảm

Những trăn trở không của riêng ai. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, nếu xóa bỏ những tên làng, tên xã gắn liền với lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp của một vùng quê sẽ tạo ra cú sốc cho một bộ phận cư dân. Do vậy, đặt tên làng, tên xã sau sáp nhập phải bài bản, thận trọng.

 Việc đặt tên mới cho các làng, xã sau sáp nhập tưởng là nhỏ, nhưng thực ra vô cùng phức tạp và nhạy cảm, đôi khi đưa tới những mâu thuẫn giữa các cộng đồng làng, xã bị sáp nhập, thể hiện ở sự phản ứng, thậm chí là “chống đối” của người dân.

Là bởi mỗi tên làng, xã đều gắn với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, bản sắc địa phương, ký ức cộng đồng. Nhiều tên làng còn ẩn chứa những trầm tích văn hóa, hồn cốt quê hương, gắn bó máu thịt với quá trình hình thành và phát triển của làng, với cuộc đời của mỗi người, lưu giữ ký ức, kỷ niệm, tình cảm, trải nghiệm của họ…

GS.TS TỪ THỊ LOAN

Mang theo tâm trạng của một người con quê hương thấu cảm sự bất ổn và tiếc nuối khi những cái tên mang truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất có thể sẽ không còn nữa, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện VHNT quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Quê nội tôi ở Thường Tín, Hà Nội. Những ngày qua đã có nhiều tâm tư, trăn trở bởi tên gọi mới của những ngôi làng sau khi sáp nhập được hình thành rất cơ học, vô cảm. Ví như, ghép một phần tên gọi xã Liên Phương với xã Hà Hồi thành Hà Liên, điều này làm mất đi tên địa danh Hà Hồi nổi tiếng, gắn với chiến thắng của vua Quang Trung. Xã Thống Nhất ghép với xã Vạn Điểm thành Vạn Nhất, tên gọi mới làm mất đi địa danh Vạn Điểm vốn gắn với làng nghề mộc nổi tiếng”. Từ những trăn trở này, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, việc đặt tên mới cho các làng, xã khi sáp nhập tưởng là nhỏ, nhưng thực ra vô cùng phức tạp và nhạy cảm, đôi khi đưa tới những mâu thuẫn giữa các cộng đồng làng, xã bị sáp nhập, thể hiện ở sự phản ứng, thậm chí là “chống đối” của người dân. “Là bởi mỗi tên làng, xã đều gắn với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, bản sắc địa phương, ký ức cộng đồng. Nhiều tên làng còn ẩn chứa những trầm tích văn hóa, hồn cốt quê hương, gắn bó máu thịt với quá trình hình thành và phát triển của làng, với cuộc đời của mỗi người, lưu giữ ký ức, kỷ niệm, tình cảm, trải nghiệm của họ…, GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

 “Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” - ảnh 3

 GS.TS Từ Thị Loan trăn trở, việc sáp nhập và ghép một phần tên xã Liên Phương với xã Hà Hồi thành Hà Liên làm mất đi địa danh Hà Hồi nổi tiếng

Từng đặt chân đến không biết bao nhiêu ngôi làng chứa đựng những lớp trầm tích văn hóa tự ngàn xưa, với TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, đặt tên làng là việc vô cùng quan trọng và không thể xem nhẹ. Cũng từng dành nhiều năm nghiên cứu về những ngôi làng Việt, ông cho rằng “mỗi ngôi làng đều có đặc trưng văn hóa riêng. Ở đó, tên làng giống như cuốn sách lịch sử, lịch sử đời người, cái gì gìn giữ được càng cổ càng giá trị…”. TS Trần Hữu Sơn nói, rất nhiều ngôi làng cổ đã tồn tại từ lâu đời, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều làng xã mới cũng được thành lập với tên mới gắn với dấu son trong lịch sử dân tộc như làng Thành Công, làng Cách Mạng, làng Độc Lập, làng Thống Nhất… Nhưng rồi như một thói quen khó thay đổi, có một số nơi sau đó lại trở về với tên cổ. Ông Sơn lưu ý, không nên máy móc đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau, bởi chúng sẽ trở thành cái tên “vô nghĩa”.

“Đừng xem nhẹ việc đặt tên làng, xã mà phải cân nhắc dựa trên lịch sử, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh. Đặt tên làng là công trình khoa học, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà Hán Nôm, nhà Ngôn ngữ … Việc đặt tên phải giữ được yếu tố lịch sử…”, TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh. Từ góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, ông chia sẻ, có nhà nghiên cứu cho rằng tên địa danh mới phải giữ được 1-2 từ tố cổ xưa liên quan đến vùng đất. Nếu có thể, khi 2 đơn vị xã, phường nhập lại, giữ nguyên một tên mà tên đó có từ tố liên quan đến xã (phường) kia là phương án tốt nhất để tránh xáo trộn về mặt giấy tờ hành chính. “Thông thường, người ta hay lấy từ đầu hoặc cuối của các tên cũ ghép lại thành tên mới. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ nên dùng khi khó khăn trong việc tạo sự đồng thuận, không tìm được tiếng nói chung…”, ông Sơn nói. Chẳng phải ngẫu nhiên khi tên làng lại được nhắc đến trong nhiều tích cổ, thơ ca đến thế. Khi tên làng được ví “Như chiếc rễ ăn sâu vào lòng đất. Ai nhổ được tên làng. Ra khỏi vùng ký ức”, càng thấm thía giá trị của di sản văn hóa làng trong từng cộng đồng, trong mỗi con người cụ thể.

Bởi vậy, dẫu chẳng thể tránh được những thăng trầm, đổi thay thời cuộc thì “cái rễ” đã ăn sâu ấy vẫn luôn là một phần không thể tách rời trong lý lịch, trong tâm thức của mỗi con người. Một lần nữa câu chuyện “tên làng” được nhắc đến ở mọi nơi và thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có nhiều người từng sống, gắn bó và thủy chung với những ngôi làng cổ truyền đang có nguy cơ không còn tên gọi nữa. Hơn ai hết, chính những người con của những ngôi làng ấy đang mong mỏi tên làng vẫn luôn được nâng niu gìn giữ, để trên bước đường mưu sinh họ vẫn miệt mài “gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”…

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc