Khám phá “huyền thoại trong lòng đất” ở Vịnh Mốc

ANH KIỆT - SƠN THÙY

VHO - Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc (xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) là điểm đến thu hút khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử của quân dân Quảng Trị trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Công trình là một “tác phẩm” kỳ vỹ dưới lòng đất, giúp cho người dân sinh sống và chiến đấu kiên cường…

Khám phá “huyền thoại trong lòng đất” ở Vịnh Mốc - ảnh 1

 Du khách đến tham quan di tích Địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

 Những ngày hè nắng oi ả nhưng nhiều đoàn khách tham quan vẫn chọn điểm đến Địa đạo Vịnh Mốc để tham quan, tìm hiểu. Ông Phan Trường Định, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc cho biết, hằng năm khu di tích đón khoảng 60.000 - 70.000 người đến tham quan, chiêm ngưỡng “huyền thoại trong lòng đất”. Trong đó, nhiều trường học đã tổ chức các chương trình để học sinh, sinh viên đến tham quan học tập; nhiều đoàn cựu chiến binh cũng trải nghiệm di tích trong hành trình về nguồn… Đặc biệt, nhiều khách quốc tế cũng rất ấn tượng khi tham quan và tìm hiểu những giá trị lịch sử của di tích Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.

Địa đạo Vịnh Mốc là di tích tiêu biểu nhất trong “Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2014. Địa đạo Vịnh Mốc như một làng quê thu nhỏ được người dân địa phương kiến tạo bằng cuốc xẻng thủ công và sức người ngay dưới lòng đất. Dưới con đường hầm sâu hun hút, những căn hộ gia đình, nhà hộ sinh, nhà tắm, giếng nước, hội trường, hầm vũ khí… được xây dựng kỳ công, phục vụ cho cuộc sống người dân nơi đây trong chiến tranh chống Mỹ. Địa đạo Vịnh Mốc có chiều dài đường hầm 1.060m, chưa bao gồm các ngách, căn hộ...; chiều cao đường hầm từ 1,7m - 1,8m; có 13 cửa ra vào. Địa đạo này được chia thành 3 tầng, tầng sâu nhất cách mặt đất từ 20-23m. Dọc hai bên đường hầm, người xưa đã cho khoét sâu vào bên trong vách, tạo ra các ngách nhỏ (căn hộ gia đình) có thể đủ chỗ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường với sức chứa từ 50-60 người, dùng để làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ; có nhà hộ sinh, giếng nước, nhà vệ sinh, trạm xá, bếp nấu ăn… Trong thời gian chiến tranh, đã có 17 đứa trẻ ra đời trong địa đạo Vịnh Mốc.

Nhớ lại những ngày tháng cùng bà con đào hầm, ông Hồ Văn Triêm, 88 tuổi, hiện sống tại làng Vịnh Mốc, kể: Hồi đó, anh em tui đào không có máy móc, không có la bàn, chỉ có khối óc sáng tạo và sự quyết tâm. Càng đào vào sâu bên trong thì càng tối, chỉ có một người đào, một người cầm đuốc để chiếu sáng, còn hai phụ nữ khác xúc đất gánh ra bên ngoài. Có khi đang đào mà bom Mỹ oanh tạc, ném xuống làm sập cửa hầm, kíp đào phải di chuyển ra phía cửa hầm khác rồi đợi qua “mưa bom” để khắc phục thông lại cửa hầm bị sập. “Anh em chia nhau ra đào từ nhiều mũi khác nhau, đến khi gần giao nhau là phải chú ý đến tiếng động mà điều chỉnh hướng đào cho phù hợp để thông hầm”, ông Triêm nói. Theo ông Nguyễn Tri Phương, cũng là một trong những người đào địa đạo Vịnh Mốc, tất cả các mũi đào trong làng đều gặp khó khăn, khó nhất là ánh sáng bởi dầu hỏa chỉ có hạn. Anh em có khi dùng đuốc để bổ sung thêm với đèn dầu hỏa để đào. Mỗi lần đào hết ca, đưa mấy ngón tay vào mũi đều thấy đen sì do khói dầu bám vào. Thế nhưng với tinh thần bám đất bám làng, một tấc không đi một li không rời, nhân dân không nề hà đã cùng nhau đào địa đạo. Mỗi ngày các kíp thay phiên, đổi ca cho nhau để đào từ sáng đến gần 11 giờ đêm mới nghỉ.

Sau Hiệp định Genève 1954, tỉnh Quảng Trị bị chia cắt làm đôi từ vĩ tuyến 17 sông Bến Hải. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ triển khai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không lực, mảnh đất Vĩnh Linh ở phía Bắc sông Bến Hải trở thành “tuyến lửa” của cuộc chiến. Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh ra đời, là nơi người dân sinh sống và chiến đấu trong cảnh “mưa bom bão đạn”. Ngoài địa đạo Vịnh Mốc, từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1968, nhiều địa đạo, giao thông hào trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng được đào. Theo thống kê, quân và dân Vĩnh Linh đã tham gia hơn 18.000 ngày công đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá để tạo thành Địa đạo Vịnh Mốc kỳ vỹ như một làng quê dưới lòng đất. Với nhiều người dân ở Vịnh Mốc nói riêng và huyện Vĩnh Linh nói chung, những ngày tháng sinh sống ở dưới địa đạo là ký ức không thể nào quên.

Đến tham quan di tích Địa đạo Vịnh Mốc, sinh viên Trần Quốc Kiên (Đại học Giao thông vận tải) cho biết “được tìm hiểu và tham quan về di tích, em rất khâm phục tinh thần anh dũng, quyết tâm của ông cha ngày xưa. Dù giữa bom đạn chiến tranh nhưng đã đào ra những đường hầm kỳ vỹ như Vịnh Mốc để bảo vệ người dân, giữ gìn xóm làng”. Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tôn vinh sự hi sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.