Gìn giữ và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia (Bài 2):

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa

NHƯ ĐỒNG

VHO - Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 - Lâm Thượng, tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng là các tác phẩm nghệ thuật độc bản, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của dân tộc Chăm. Hai hiện vật này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, qua đó góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi.

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa - ảnh 1

Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 - Lâm Thượng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi

Nghệ thuật kim hoàn đỉnh cao

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, ở các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế lưu giữ một số tác phẩm nghệ thuật vàng bạc Chămpa, tuy nhiên số lượng không nhiều, đặc biệt tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn lưu giữ bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 - Lâm Thượng (được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020), gồm 15 hiện vật vàng là khuyên tai, hoa tai và nhẫn.

Bộ khuyên tai 10 chiếc có nhiều kiểu dáng, như: khuyên tai hình đĩa có các kiểu thân cong, thân dẹt và thân thẳng đứng; khuyên tai hình vành khăn có dáng cong, tròn. Bộ hoa tai được trang trí hình hoa cúc đối đỉnh, các cánh hoa đều nhau, cân xứng hài hòa. Còn bộ nhẫn vàng 3 chiếc, trong đó có một chiếc được đính đá quý trên mặt.

Năm 2010, trong đợt thăm dò khai quật khảo cổ khu vực mặt bằng Hồ chứa nước Nước Trong, các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ đất của chủ nhân có quyền lực, ngoài vũ khí dao, giáo sắt, hạt thủy tinh Indo-Pacific, đồ gốm còn tìm thấy 1 khuyên tai vàng, 1 nhẫn vàng, niên đại mộ được xác định ở vào thế kỷ XII.

Trước đó ở huyện Mộ Đức cũng đã tìm thấy 1 chiếc vò chôn sâu vào lòng đất, bên trong chứa đồ trang sức vàng Chămpa gồm khuyên tai, hoa tai, nhẫn ở vào thế kỷ X. Các phát hiện khảo cổ về trang sức vàng Chămpa ở Quảng Ngãi rất quan trọng và độc đáo đã đóng góp vào khảo cổ học các loại hình trang sức vàng Chămpa như loại hình khuyên tai, bông tai, nhẫn, đặc biệt là nghệ thuật, kỹ thuật chế tác kim hoàn Chămpa đạt trình độ đỉnh cao.

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa - ảnh 2
Tham quan, tìm hiểu bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3, Lâm Thượng 

TS Khôi cho rằng, bộ sưu tập trang sức 15 hiện vật vàng Chămpa Trà Veo 3 - Lâm Thượng không chỉ làm đẹp cho con người mà chúng còn là biểu tượng của thế lực siêu nhiên, biểu tượng cho sở hữu cá nhân, là vật thể để phân biệt thứ bậc trong cộng đồng, đồng thời bộ sưu tập là chỉ dấu về nghề kim hoàn cực kỳ phát triển trong xã hội Chămpa ở giai đoạn sớm.

Bộ sưu tập trang sức 15 hiện vật vàng Chămpa của Quảng Ngãi là bảo vật quốc gia đã nâng cao giá trị di sản văn hóa của tỉnh.

“Bộ sưu tập trang sức 15 hiện vật vàng Chămpa có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật giai đoạn sớm của văn hóa Chămpa ở thế kỷ X - XII mà trước và sau đó chưa xuất hiện. Nghệ thuật kim hoàn đạt đến trình độ hoàn mỹ, khuyên tai hình đĩa, tạo dáng chuẩn có đường cong mềm mại, bông tai hoa cúc được chế tác rất tinh xảo bằng kỹ thuật đúc và gia công kim hoàn đạt trình độ cao”, TS Khôi chia sẻ.

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa - ảnh 3

Tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng cao 57 cm, bề ngang 47 cm, nặng khoảng 500 kg

Độc đáo Tượng tu sĩ

Tượng tu sĩ Chămpa hiện được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng cao 57 cm, bề ngang 47 cm, nặng khoảng 500 kg, có niên đại thế kỷ IX - X. Khối tượng bao gồm: Bệ tượng, tấm tựa và tượng tròn hình người được chế tác từ một khối đá sa thạch. Bệ tượng là một khối hình gần vuông, thắt bụng, tạo thành 2 khối đối xứng.

Tấm tựa có hình dạng như các cổng đền Chămpa, gồm 2 phần: Phần thân dưới hình vuông, tạo bởi 2 trụ ốp 2 bên và ô cửa giả; phần trên có dạng vòng cung vuốt nhọn lên đỉnh, tạo hình đóa hoa nhọn đầu. Hai bên cánh cung chạm nổi 6 chiếc lá cong và mảnh, chia đều 2 bên.

Tiếp liền phía trong vòng cung hoa lá là một gờ nổi hình trái tim tạo bởi 2 đường vòng cung xẻ rãnh, gắn kết với vòng cung hoa lá hình ngọn lửa thành hào quang sau đầu tượng. Nhìn tổng thể, phần trên tấm tựa lưng tượng Phú Hưng có hình dáng một cổng tháp Chămpa mang phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X).

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa - ảnh 4

TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đang giới thiệu nghệ thuật độc đáo của tượng tu sĩ Chămpa

TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết, trong văn hóa Chăm, 3 vị thần tối cao được tôn thờ là Shiva, Brahma, Vishnu. Trong đó, thần Shiva được xem là thần của các vị thần. Thần thường cưỡi bò thần Nandi, hiện thân dưới nhiều hình dạng khác nhau và tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng là một hiện thân của thần Shiva.

 “Tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng là một tác phẩm độc đáo đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của người Chăm. Đây là một tác phẩm điêu khắc đặc sắc, đại diện cho phong cách nghệ thuật Trà Kiệu muộn, là độc bản, trên các đền tháp Chăm ở miền Trung chưa có tiêu bản thứ hai”, TS Khôi bày tỏ.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc