Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Xây dựng môi trường văn hóa công sở: “Cán bộ nào, phong trào nấy”

Thứ Sáu 19/08/2022 | 11:08 GMT+7

VHO- Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng môi trường văn hoá công sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, trong đó đặt ra xây dựng những mối quan hệ ứng xử giữa người lãnh đạo, nhân viên, giữa các đồng nghiệp nhằm đem lại môi trường làm việc lành mạnh, phát huy giá trị của mỗi cá nhân.

 

 Nhiều ý kiến của các nhà khoa học đóng góp việc xây dựng văn hóa công sở đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

TS Nguyễn Thị Ánh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong quá trình xây dựng văn hóa công sở, các cơ quan đơn vị căn cứ các văn bản pháp luật, đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị để quy chiếu vào tình hình cụ thể. Khi đơn vị xây dựng bộ quy tắc ứng xử, không chỉ chú ý điều chỉnh mối quan hệ giữa cấp dưới mà còn quy chiếu vị trí vai trò của người lãnh đạo. Người lãnh đạo quản lý có vai trò nêu gương đối với đội ngũ nhân viên và cũng chịu sự đánh giá của nhân viên. Vai trò, thái độ của nhà quản lý thể hiện ở khả năng tổ chức, giáo dục dẫn dắt đội ngũ cán bộ cấp dưới thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển của cơ quan đơn vị.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo (Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương) lại đề cập môi trường văn hóa công sở tác động, ảnh hưởng đến hành vi, thái độ, ý thức của mỗi công chức, viên chức, người lao động theo 2 chiều: Tạo nên sự hình thành hay tha hóa nhân cách, sự phát triển hay không phát triển của mỗi cá nhân và sự tác động ngược lại của mỗi cá nhân với tổ chức, đơn vị. “Môi trường làm việc được đánh giá là yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến năng suất và chất lượng công việc của nhân viên. Điều đó quyết định thái độ nhân viên cảm thấy hào hứng, có động lực để hoàn thành tốt công việc hay nảy sinh tâm lý chán nản, khiến kết quả không được cao; nghiêm trọng hơn là dẫn tới mất niềm tin của đội ngũ nhân viên”, PGS Phương Thảo nhấn mạnh. Cũng theo PGS Thảo, nhiều công sở vẫn còn hiện tượng “bình quân chủ nghĩa” chưa có sự cạnh tranh giữa các cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng ỷ lại, dựa dẫm vào cấp trên, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên. Do đó, xây dựng văn hóa công sở là xây dựng con người lao động mới, văn minh, chuyên nghiệp, yếu tố quyết định chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công sở.

Tuy nhiên, một số thói quen, tác phong làm việc của một số cá nhân lại cản trở sự phát triển của tổ chức, làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa công sở nói chung và cá nhân nói riêng. Những tư tưởng như “nước đến chân mới nhảy”, “bảo thủ, bị động, ngại va chạm, không chịu cống hiến mà luôn đòi quyền lợi”… của cá nhân người lao động ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường văn hóa công sở. Thật đáng tiếc khi mà nhiều người vẫn duy trì cung cách làm việc thụ động. Mỗi khi bắt tay vào những dự án mới, hoặc tham dự những cuộc họp quan trọng, họ góp mặt mà không có một ý niệm cụ thể rõ ràng trong đầu, cũng như không dành thời gian đầu tư cho kế hoạch..., không những không mang lại kết quả tốt cho công việc mà còn tạo cảm giác không phải là người nghiêm túc trong công việc.

Ngoài ra, nhiều nhân viên cũng có khuynh hướng xem công việc là chuyện riêng tư, cá nhân và không muốn tiếp nhận những góp ý, phê bình có tính xây dựng. Điều này thể hiện ở thái độ vô tình hoặc cố ý lấp liếm, phủ nhận những ý kiến không đồng tình với họ, như thế chẳng giúp cho việc thúc đẩy và tạo không khí làm việc chung tốt hơn. “Người nhân viên giỏi cần thể hiện tác phong và năng lực làm việc nghiêm túc trong suốt cả năm chứ không chỉ trong một lúc nào đó, nhất là khoảng thời gian cuối năm, thời điểm để đánh giá xếp hạng và khen thưởng nhân viên. Một tác phong, môi trường làm việc lý tưởng là khi những cá nhân tham gia phải hiểu rõ vị trí và quyền hạn của họ. Người quản lý sẽ cố gắng tạo ra môi trường làm việc để nhân viên phát huy hiệu quả khả năng của mình. Những buổi họp đánh giá là lúc nhân viên đề nghị những giải pháp giúp họ làm việc tốt hơn, cũng như vứt bỏ những rào cản bất tiện ảnh hưởng đến công việc của mình. Người quản lý giỏi luôn cần những nhân viên giỏi, đó là những người biết đóng góp ý kiến, phát huy hiệu quả công việc”, đại diện Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương nói.

Xây dựng môi trường văn hóa công sở là xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, kỷ cương, trên tinh thần tôn trọng những nguyên tắc chung, đoàn kết, hợp tác vì sự phát triển. Những chuẩn mực của cán bộ, công chức như cần, kiệm, liêm chính… sẽ tạo nên giá trị của văn hóa công sở, cũng là nền tảng để xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho mỗi cá nhân phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo để phụng sự, cống hiến.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đổi mới, chuyên nghiệp. Thời gian qua, môi trường văn hóa công sở có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chúng ta tiếp tục phải tuyên truyền, đồng thời xây dựng những bộ tiêu chí để đưa vào đánh giá hiệu quả làm việc hằng năm. Trong điều kiện hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mới dừng lại ở những phong trào mang tính ngắn hạn chứ chưa có cơ chế để ràng buộc tất cả các công chức, viên chức, người lao động tham gia. Để tạo dựng môi trường công sở giàu giá trị nhân văn, giá trị văn hóa là mục tiêu hướng tới những trách nhiệm tự thân của mỗi thành viên trong cơ quan, đơn vị mà trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu.

Câu nói “lãnh đạo nào, phong trào nấy” phần nào cho thấy tầm quan trọng của người đứng đầu. Nếu mỗi cơ quan, công sở có bầu không khí lành mạnh, thì những giá trị chuẩn mực văn hóa sẽ được phát huy. 

THẢO LAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top