Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Lễ hội đua thuyền trên sông Trà Khúc

Thứ Năm 26/01/2023 | 20:20 GMT+7

VHO- Chiều 26.1 (mùng 5 Tết), hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã về xem hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lễ hội truyền thống của người dân miền sông nước xã Tịnh Long vào dịp đầu xuân. Trời nắng đẹp, nước triều dâng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các đội ra sức tranh tài.

Lễ hội đua thuyền trên sông Trà Khúc

Trước khi mở hội đua thuyền, các bậc cao niên và vận động viên ở các thôn tiến hành nghi lễ cúng tế các bậc tiền hiền - những người có công mở làng lập ấp và khai sinh lễ hội đua thuyền truyền thống của địa phương. Đây là nghi thức thể hiện nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của cư dân miền sông nước xã Tịnh Long trước khi hạ thủy, đưa thuyền của đội mình về trường đua theo qui định của Ban tổ chức. Ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng thôn An Lộc, xã Tịnh Long cho biết: “Theo tín ngưỡng dân gian thì đây là nghi lễ không thể thiếu mỗi khi tổ chức đua thuyền. Trước hết là báo cáo với tiền hiền, sau đó là tẩy uế ghe thuyền rồi mới đưa ra sông.”

Tham gia Hội đua thuyền có 4 đội đến từ 4 thôn

Tham gia Hội đua thuyền năm nay có 4 đội đến từ 4 thôn: Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc và An Đạo. Những tay chèo xuất sắc được lựa chọn tranh tài là những nông dân, ngư phủ ở địa phương. Hội đua thuyền diễn ra trong 2 ngày, mỗi ngày 4 hiệp. Theo thể thức, các thuyền đua thi đấu vòng tròn 2 lượt, luân phiên thay đổi tiêu xuất phát sau mỗi hiệp. Theo quan niệm của người dân địa phương, nếu thuyền đua của thôn nào giành giải nhất thì năm đó thôn xóm làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.

Thuyền đua được trang trí theo hình con vật trong tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng

Thuyền đua là một loại thuyền đặc biệt, không giống như thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế được tối đa lực cản của nước, được làm bằng gỗ, chiều dài  14m. Khi đóng thuyền, người ta cũng phải chọn ngày lành tháng tốt. Thuyền đóng xong, được trang trí rất đẹp, từ đầu đến đuôi và trang trí theo hình con vật trong tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng. Thuyền đua sẽ gắn với tín ngưỡng của nhân dân và sẽ được thờ ở am miếu của thôn, hằng năm, khi đến kỳ đua mới được làm lễ hạ thủy, có cờ, trống rộn ràng và khi đua xong lại đưa về am miếu cùng với thủ tục như vậy. Trong mỗi thuyền đua sẽ có 15 đà công, thuỷ thủ, mặc đồng phục và ở tất cả các thuyền đều chít khăn màu đỏ.

Lễ hội đua thuyền góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống miền sông nước

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết, hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Khúc là hoạt động vui chơi lành mạnh với mong ước một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn thuận lợi, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Đua thuyền không chỉ là môn thể thao để người dân rèn sức mà còn khơi dậy tình đoàn kết, sự đồng tâm hợp lực. Lễ hội đua thuyền còn được xem như một nghi lễ thiêng liêng, có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân. “Lễ hội này diễn ra trong 2 ngày mùng 5, 6 Tết. Ngày hội đua thuyền ở Tịnh Long là nét văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước sống dọc hai bên sông Trà Khúc, đã tồn tại hàng trăm năm nay và mang ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng sâu sắc”, ông Tuấn chia sẻ.

NHƯ ĐÔNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top