Từ câu chuyện về Henry Kissinger

VHO - Báo chí Mỹ vừa đồng loạt đưa tin, ông Henry Kissinger, một nhân vật tầm cỡ không chỉ của nước Mỹ mà của cả thế giới đương đại, đã từ giã cõi đời ở tuổi tròn 100!

Từ câu chuyện về Henry Kissinger - Anh 1

Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger sau khi ký tắt Hiệp định hoà bình Paris. Ảnh: Tư liệu

Đối với Việt Nam, rất nhiều người biết ông vì từng là Cố vấn đặc biệt của Mỹ tại Hội nghị Pari bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam, một nhân vật thường xuyên đối thoại với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam được cử làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị bốn bên ở Pari từ năm 1968.

Các báo lớn ở nước Mỹ hôm nay rút rất nhiều tít mang tính khái quát về tầm vóc của các quyết sách về một nhân vật từng đảm nhiệm một lúc hai cương vị quan trọng qua hai triều đại Tổng thống Mỹ Nixon và Tổng thống G.Ford, đó là Bộ trưởng Ngoại giao đồng thời là Cố vấn an ninh quốc gia.

 Mỗi báo, mỗi chính khách đương nhiệm có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về Kít xinh giơ, nhưng tựu chung đều cho rằng, đây là vị ngoại trưởng “có nhiều quyền lực nhất” từ sau Đại chiến thế giới thứ 2, là sự pha trộn giữa cảm hứng mưu mẹo, quyền lực yêu ghét (người viết nhấn mạnh).

Bài viết ngắn này không nhằm phân tích đúng, sai về những đánh giá nêu trên, mà chỉ xin liên hệ về tính văn hóa trong cách nhìn nhận, cách ứng xử, phát ngôn giữa con người với con người. Các bậc tiền nhân đã tổng kết một điều chí lý: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Song để đạt được sự hài hòa giữa lý - tình ấy mà nước ta rất coi trọng chữ TÌNH: Trăm cái lý không bằng tí cái tình. Với Kissinger, xét về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ông ta có thể coi là một trong những “tội đồ” vì đã tham mưu để Nixon dùng pháo đài bay hủy diệt Hà Nội và một số thành phố với tuyên bố ngạo mạn, kiêu căng “sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”! Nhưng chiến lược đó đã thất bại thảm hại buộc ông ta phải trở lại vòng đàm phán ký cùng ông Lê Đức Thọ về Hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1.1973. Ký xong, ông Lê Đức Thọ trao cho Kissinger cái bút vừa ký và tươi cười nói: Ông dùng nó làm vật kỷ niệm và nó sẽ nhắc nhở ông phải tuân thủ điều ông đã ký. Trước đó, vào năm 1971, bên lề Hội nghị, Kissinger nói với ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của Phái đoàn ta: Vì sao hơn 3 năm rồi chúng ta chẳng đạt bước tiến nào? Ông Lê tươi cười trả lời: Vì ông đã mang cái sở thích môn thể thao là cuối giờ chiều ông đạp xe tại chỗ vào chỉ đạo các cuộc họp này nên hội nghị sao có nhúc nhích?

Một lời phê bình sâu sắc, nghiêm khắc nhưng rất có văn hoa hay nói cách khác là sự hàm chứa trí tuệ rất cao! Thật đáng tiếc hiện nay có những người làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật tự vỗ ngực mình là “cựu trào”, là “cây đa” nhưng nhìn nhận các chương trình, tác phẩm của đồng nghiệp mình đều “dưới tầm con mắt”, thậm chí có người còn dùng những lời lẽ, mạt sát, dập vùi, muốn “đánh một đòn chết tươi” đối thủ! Cá biệt có người với vốn kiến văn hạn hẹp lại thẳng thừng chê bai với mục đích “bôi nhọ” và “hạ bệ”…

Thiết nghĩ, những người đang thuộc dạng nói trên hãy suy ngẫm những đối thoại thú vị của các nhà lãnh đạo Việt Nam với Kissinger. Còn cố tình dùng cách bôi gio trát bẩn vào người khác thì hãy ngẫm lời khuyên của các bậc tiền nhân: “Làm như vậy là chính mình tự bôi gio trát chấu vào mặt mình trước”!

Ôi văn hóa Việt Nam cao thượng và ngời sáng xiết bao! 

ĐOÀN LUẬN

Ý kiến bạn đọc