“Văn hóa xin lỗi”

VHO - Trong những thời điểm bức xúc ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày, những người quan tâm sự việc cụ thể, cảm thấy nhẹ lòng khi nghe một tiếng “xin lỗi” cất lên nhẹ nhàng từ một chủ nhân: “Xin lỗi quý khách chờ vài phút nhân viên kịp mổ cá ba sa để cung cấp cá tươi cho quý vị”.

Một thanh niên vì có việc gia đình vội phóng Honda với tốc độ nhanh, chẳng may quệt vào một xe cùng chiều, khiến người điều khiển xe là phụ nữ bị ngã. Anh vội vàng dừng xe, khẩn trương nâng người và xe bị đổ dậy, ôn tồn “xin lỗi chị điều không muốn đã xảy ra”. Anh còn hỏi chị xem “xương ống chân có bị đau không, nếu cần kiểm tra, tôi đưa ngay đến bệnh viện”.

Một nữ bác sĩ điều phối bệnh nhân đến chụp X.quang, vui vẻ thông báo với bệnh nhân đang chờ đến lượt mình: “Xin lỗi vì có một ca phức tạp, cần thêm dăm phút nữa sẽ đến lượt bác có số thứ tự tiếp theo…”. Có thể kể ra nhiều ví dụ tương tự về nếp sống, nếp làm việc thể hiện cách ứng xử văn hóa, văn minh đang phát triển, được đông đảo cán bộ, nhân dân ghi nhận và hoan nghênh; đồng thời cũng coi đó là bài học “tự giáo dục” đối với bản thân mình…

Tuy nhiên, ở đây đó, đã và đang xuất hiện hiện tượng lạm dụng cụm từ “XIN LỖI” để cho “qua chuyện” nhằm “an lòng” với những người đang bức xúc về những vụ việc cụ thể ở những không gian cụ thể. Những hành khách hay đi máy bay thường nghe thông báo “lời xin lỗi” lặp lại nhiều lần khi máy bay chậm chuyến, hoặc đổi cửa ra máy bay. Điều làm nhiều người không hài lòng là, sau lời “xin lỗi” nhẹ tênh ấy, nhà ga không nói rõ lý do, hoặc chỉ một câu rất khó cảm thông “vì máy bay về muộn”. Điều ấy nếu tìm hiểu sâu một số trường hợp cụ thể, đặc biệt trong các chuyến bay quốc tế, có một số hành khách phải “nối chuyến” thì có thể cảm thông, nhưng hiện tượng này lại diễn ra không ít lần ở các chuyến bay nội địa, thì hành khách rất khó chấp nhận! Theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều cử tri hoan nghênh thái độ nghiêm túc của một số “tư lệnh ngành” khi tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội nêu thiếu sót của ngành có lý, có tình, thì sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân và nói lời “xin lỗi”. Đồng thời, hứa sẽ có biện pháp kiểm tra và khắc phục. Cử tri mong muốn 100% số “tư lệnh ngành” nên có thái độ cầu thị và tôn trọng lắng nghe như vậy.

Về cải cách tư pháp, với những cố gắng đồng bộ của các ngành chức năng trong thời gian qua, chúng ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận, trong đó có việc rà soát các đơn kêu oan của một số đương sự đã nhận án tù giam; và sau khi tiến hành xem xét kỹ lưỡng, đã phát hiện có những vụ oan sai thật sự, thì cơ quan chức năng đã cử người lãnh đạo đại diện đơn vị có thẩm quyền đến tận nơi gặp thân nhân và gia đình xin lỗi; đồng thời thực hiện theo quy định của pháp luật việc bồi thường danh dự đối với người bị xử lý oan. Dư luận xã hội hoan nghênh và cũng bày tỏ sự mong muốn rằng, để có một bản án kết tội và quy định mức tù đối với từng trường hợp rất cụ thể theo đúng pháp luật, là quá trình nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu, so sánh rất nhiều chứng cứ, tình tiết, hiện vật…, vì vậy, nếu tăng cường việc nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên, chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa việc oan sai cũng như bỏ sót người có tội…

Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, dư luận hoan nghênh một Phó Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn xin lỗi, nhận trách nhiệm chỉ đạo chưa quyết liệt các ngành có liên quan trong việc cần bổ sung số tiền trồng rừng còn thiếu cho một tỉnh miền núi đã được phê duyệt theo đúng quy định. Đồng chí Phó Thủ tướng cũng báo cáo rõ quá trình đã chỉ đạo hai Bộ có liên quan xem xét, giải quyết khẩn trương, vậy mà trong khoảng 2 tháng, việc hai Bộ rà soát để có văn bản chính thức báo cáo Chính phủ vụ việc này trong khoảng thời gian ấy, vẫn chưa có hồi âm!

Thiết nghĩ, việc xin lỗi và nhận trách nhiệm trước thiếu sót của người lãnh đạo là rất đáng ghi nhận và hoan nghênh. Song việc sau đó khẩn trương “sửa sai” càng quan trọng hơn nữa, để lời XIN LỖI không mang tính hình thức, mà đi vào thực chất theo đúng nội hàm của “VĂN HÓA XIN LỖI” trong thời đại văn minh, hiện đại mà chúng ta đang hướng tới. 

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

Ý kiến bạn đọc