Bác sĩ bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo thực phẩm chức năng

VH- Những ngày vừa qua, một PGS.TS chuyên ngành Tim mạch đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai tỏ ra bức xúc vì những chia sẻ của mình bỗng biến thành câu chuyện để quảng cáo một loại thực phẩm chức năng có tác dụng hạ mỡ máu.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị chức năng làm rõ. 
Trên một trang web mới đây đăng tải bài viết: “PGS.TS.BS cao cấp bệnh viện Bạch Mai: Tìm ra phương pháp hạ mỡ máu cao không gây tác dụng phụ”. Nội dung bài viết nêu chia sẻ của PGS.TS Đ.Q.H - đã nghỉ quản lý nhưng hiện vẫn đang công tác tại Viện Tim mạch - BV Bạch Mai –về một sản phẩm của hãng này. Bài viết có nhiều đoạn dẫn lời BS H. khuyên dùng sản phẩm chẳng hạn: “Theo tôi, Hamo… sử dụng để điều trị dự phòng sẽ rất tốt, những người đang ở độ tuổi có nguy cơ cao hình thành rối loạn chuyển hóa nên dùng bởi nó an toàn, không gây tác dụng phụ”, đồng thời cũng dùng nhiều hình ảnh của bác sĩ này.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, đã yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ thông tin doanh nghiệp sử dụng hình ảnh PGS.TS Đ.Q.H quảng cáo thực phẩm chức năng. Chia sẻ về việc này, bác sĩ H. cũng tỏ ra bức xúc vì cho rằng đó chỉ là chia sẻ của cá nhân ông, nhưng lại bị đăng tải dưới hình thức là bài viết quảng cáo gây hiểu nhầm cho dư luận là đang tư vấn sản phẩm cho người dân.
Ngay sau chỉ đạo của Cục ATTP, bài viết đã bị gỡ xuống. Tuy nhiên, theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai, có thể PGS. TS Đ.Q.H đã chia sẻ về kinh nghiệm, quan điểm bản thân trong việc dùng sản phẩm, điều này pháp luật không cấm. Nhưng bác sĩ đã thiếu nhạy cảm khi nêu tên một sản phẩm chức năng cụ thể, dẫn tới hiểu lầm.
Ông Phong cho hay, Thông tư 08/2013/ TT-BYT quy định cấm quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh và sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. Không chỉ cấm bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng mà Bộ Y tế cũng đã có quy định cấm bác sĩ kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc của bệnh nhân. 
Không chỉ riêng PGS.TS Đ.Q.H, mà trước đó, bác sĩ Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Giám đốc BV Vị Xuyên (Hà Giang) cũng rất bức xúc vì bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo cho một cơ sở đông y tại Hà Nội. Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong lưu ý, thực phẩm chức năng một mặt nào đó phát huy tác dụng nhưng không phải là thuốc chữa bệnh và càng không phải là thuốc chữa bách bệnh nên người tiêu dùng không nên nghe tin đồn, để mua các loại thực phẩm chức năng không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng. Hiện nay, một số hãng sản xuất bán hàng cho người tiêu dùng bằng nhiều cách tinh vi như tổ chức khám chữa bệnh rồi kê đơn là sản phẩm chức năng, thậm chí còn bắt tay với chính quyền địa phương để tổ chức các buổi tư vấn, bán hàng…
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Phần lớn các mặt hàng giả, kém chất lượng đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này chủ yếu là các loại về cơ, xương khớp, giảm béo, tăng cường sinh lực… và được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật. Nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm chức năng trở thành mặt hàng “hot” một phần nguyên nhân do quảng cáo thái quá, quá mức so với chất lượng thật của sản phẩm. Đặc biệt là người dân rất tin tưởng khi sản phẩm quảng cáo trên đài truyền hình quốc gia, được quảng cáo, tư vấn bởi các bác sĩ. Do đó, cần phải quản lý chặt các doanh nghiệp trong việc quảng cáo thực phẩm chức năng.
Cũng liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, Cục ATTP vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH An Minh Southern và Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Á Châu. Theo đó, xử phạt Công ty TNHH An Minh Southern, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế Á Châu, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội số tiền phạt mỗi Công ty là 50.000.000 đồng vì hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe Smarto trên các website gây hiểu nhầm là có tác dụng như thuốc chữa bệnh.


Nguyễn Dương

Ý kiến bạn đọc