Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Phải gọi đúng tên của di tích

Thứ Tư 25/10/2017 | 14:56 GMT+7

VH- Trong những năm kháng chiến, tại thôn Ái Mỹ, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam), địch đã xây dựng căn cứ quân sự là Đồn Chợ Cá rất kiên cố nhằm phòng thủ, bảo vệ quận lỵ Ái Nghĩa và căn cứ Đồi 37 do Mỹ thiết lập từ năm 1966.

Đồn Chợ Cá thường xuyên có một tiểu đội lính Mỹ và một trung đội lính nghĩa quân ngày đêm canh gác rất cẩn mật. Thỉnh thoảng chúng hóa trang, mai phục hai bên tuyến đường để bắt bớ, bắn giết cán bộ, du kích nằm vùng ban đêm về móc nối, liên lạc với cơ sở. Đồn Chợ Cá tuy quy mô và tiềm lực quân sự không lớn nhưng là yết hầu rất quan trọng để bảo vệ căn cứ Chi khu Ái Nghĩa, khống chế tuyến đường từ phía huyện Điện Bàn lên và toàn bộ cánh Nam huyện Đại Lộc. Tiểu đoàn R20, Tỉnh đội Quảng Đà quyết định tấn công tiêu diệt bằng được Đồn Chợ Cá và giao nhiệm vụ này cho Đại đội 2 lên phương án, kế hoạch tập kích. Nhận mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng, từ vùng rừng núi Phường Rạnh (nay là huyện Nông Sơn), Đại đội trưởng Tạ Phước Diêu chỉ huy đơn vị bí mật hành quân xuống vùng đồng bằng. Đêm ngày 7.11.1967 mưa tầm tã, các cánh đồng chìm trong biển nước, cán bộ chiến sĩ Đại đội 2 phải dò dẫm từng bước trong màn đêm đen ngòm lạnh lẽo rồi vượt sông Vu Gia nước đang độ dâng cao để ép sát mục tiêu. Hai khẩu ĐKZ 57 nã vào Đồn thù đầu tiên, sau đó quân Đại đội 2 xông lên quét liên thanh từng tràng AK, Đồn Chợ Cá ngập ngụa trong lửa đạn. Bị tấn công bất ngờ, địch hoảng hốt trở tay không kịp và cuộc chiến đấu diễn ra hết sức mau chóng, tiêu diệt tại chỗ chín tên lính Mỹ, 18 lính nghĩa quân, chín tên Mỹ-ngụy khác thoi thóp do bị thương nặng, làm tê liệt hoàn toàn Đồn Chợ Cá, thu giữ 22 súng quân dụng và một số phương tiện chiến tranh.
Khi biết tin Đồn Chợ Cá thất thủ, quân địch từ các căn cứ Núi Lở, Ái Nghĩa, Đồi 37… tăng cường khẩn cấp hỏa lực rất mạnh, ồ ạt tràn về phía Đồn Chợ Cá. Dưới mặt đất xe GMC liên tục đổ quân chi viện, trên bầu trời máy bay quần thảo thả pháo sáng, phóng rốc két ầm ầm, cuộc chiến đấu giữa Đại đội 2 với quân địch tăng cường lại tiếp tục diễn ra cực kỳ ác liệt. Trước hỏa lực mạnh của địch nhằm bao vây chặn đường rút để bắt sống và tiêu diệt sinh lực Đại đội 2, Đại đội trưởng Tạ Phước Diêu ra lệnh cho một số cán bộ, chiến sĩ cùng với mình đánh cản đường tiến của địch để cho số chiến sĩ khác có điều kiện rút lui ra vòng ngoài nhằm giảm bớt tổn thất. Cuối cùng 13 chiến sĩ Đại đội 2, trong đó có Đại đội trưởng Tạ Phước Diêu anh dũng hy sinh. Sáng hôm sau, địch cột xác các chiến sĩ vào xe kéo lê trên các ngả đường với sự hả hê để khoe khoang chiến tích, đồng thời răn đe phong trào đấu tranh cách mạng, sau đó chúng dùng xe ủi vùi xác 13 liệt sĩ Đại đội 2 xuống một hố sâu rồi lấp đất, không để lại dấu tích gì. Hành động dã man, tàn bạo của chúng càng hun đúc nỗi căm hờn cho nhân dân quanh vùng, Tiểu đoàn R20 càng nhân lên ý chí quyết tâm và sức mạnh phi thường, qua đó đã liên tục lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn R20 và các cơ quan chức năng huyện Đại Lộc tổ chức nhiều đợt khai quật, tìm kiếm hài cốt 13 liệt sĩ Đại đội 2, song do địch bí mật vùi lấp, không ai biết chính xác nơi các liệt sĩ đang nằm nên công tác quy tập hết sức khó khăn. Mãi đến chiều ngày 4.6.2007, tức sau hai ngày khai quật, hài cốt của 13 chiến sĩ mới được phát hiện tại thôn 6, xã Đại An, đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Ái Nghĩa.
13 chiến sĩ Đại đội 2 dũng cảm, kiên cường trong trận đánh úp Đồn Chợ Cá đã ra đi mãi mãi cho nền tự do, độc lập của Tổ quốc đã gần 50 năm rồi. Bây giờ bên tỉnh lộ ĐT609B, ngay tại Đồn Chợ Cá, nơi mà các anh ngã xuống năm xưa đã có Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có Quyết định công nhận “Di tích lịch sử Đồn Chợ Cá” là di tích cấp tỉnh. Ngẫm nghĩ kỹ xem ra cụm từ này chưa “ổn” lắm, bởi cái tên “Đồn Chợ Cá” là để chỉ một căn cứ quân sự của địch. Nếu không có trận đánh táo bạo của Đại đội 2 và sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thì làm sao nơi đây trở thành di tích cấp tỉnh? Rõ ràng việc xếp hạng di tích là để tưởng nhớ tới trận đánh kiên cường và sự hy sinh của 13 chiến sĩ chứ đâu phải công nhận Đồn Chợ Cá là di tích. Chính vì vậy, đề nghị ngành Văn hóa tỉnh Quảng Nam cũng như huyện Đại Lộc chỉnh sửa lại tên gọi di tích để đảm bảo tính chính xác là “Di tích chiến thắng Đồn Chợ Cá”.

Thái Mỹ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top