Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

“Hồi sinh” nhà rường ở làng cổ Phước Tích

Thứ Sáu 10/04/2020 | 11:37 GMT+7

VHO- Từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy nhà vườn Huế đặc trưng”, nhiều nhà rường cổ ở Phước Tích đã được “cứu” khỏi nguy cơ bị sụp đổ. Những ngôi nhà cổ được bảo tồn đã góp phần giữ gìn di sản kiến trúc độc đáo của ngôi làng cổ 500 tuổi.

Nhà rường cổ của ông Hồ Văn Hưng sau khi bảo tồn, tu bổ đã giữ được dáng dấp của một nhà rường Huế đặc trưng

 Làng Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật… với 117 ngôi nhà của cư dân (26 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật). Hệ thống các nhà rường cổ ở Phước Tích đều có tuổi thọ trên 100 năm, tổng thể sân vườn vẫn được giữ gìn các yếu tố truyền thống. Trong khuôn viên nhà hầu như không có sự bổ sung các hạng mục chính bằng gạch, bê tông (chỉ xây mới các công trình phụ ở một bên hoặc phía sau).

Trải qua nhiều biến động của lịch sử và thiên tai, nhiều nhà rường cổ ở Phước Tích bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có một số nhà nguy cơ sụp đổ. Theo khảo sát của UBND huyện Phong Điền, khi Phước Tích được xếp hạng di tích quốc gia, trong 26 ngôi nhà rường cổ của làng thì đã có 3 ngôi nhà hư hỏng trên 75%, các nhà còn lại hư hỏng trên 40%. Ban quản lý đã tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại nhà vườn tại làng cổ Phước Tích để có những giải pháp kết nối, hỗ trợ tu bổ di sản. Tuy nhiên, do không có nguồn lực nên từ năm 2009-2014, chỉ có 3 căn nhà cổ được hỗ trợ trùng tu, bảo tồn từ nguồn vốn của Nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Trước nguy cơ mất dần hệ thống nhà cổ độc đáo ở Phước Tích, một trong hai làng cổ của quốc gia, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định để các nhà cổ ở đây cùng tham gia đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” (đề án được phê duyệt từ năm 2015). Từ năm 2017 đến nay đã tu bổ, tôn tạo 20 nhà rường; cụ thể: năm 2017 đã trùng tu 3 nhà; năm 2018 trùng tu 8 nhà và năm 2019 vừa qua đã thực hiện tu bổ, tôn tạo 9 nhà rường. Hiện, UBND huyện Phong Điền đang trình tỉnh thông qua để tiếp tục tu bổ, bảo tồn những nhà rường cổ còn lại theo đề án nói trên. Nhà rường của ông Hồ Văn Hưng là một trong những ngôi nhà đầu tiên được bảo tồn, tu bổ theo chính sách hỗ trợ đề án của tỉnh. Ngôi nhà cổ hơn 120 năm của gia đình ông đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều kết cấu ngôi nhà gần như bị đổ nát... nhưng gia đình không đủ nguồn lực để bảo tồn.

Năm 2017, ông Hồ Văn Hưng đã được hỗ trợ 750 triệu đồng từ nguồn vốn của đề án và được các chuyên gia về trùng tu di tích chung tay bảo tồn. Sau khi bảo tồn, nhiều kết cấu chính của ngôi nhà đã được giữ lại đảm bảo dáng dấp của một ngôi nhà truyền thống. Ngôi nhà trở về với những đặc điểm vốn có của nhà rường Huế đặc trưng, góp phần bảo tồn cho loại hình nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng của làng Phước Tích. Theo UBND huyện Phong Điền, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn nhà rường cổ ở làng Phước Tích từ 2017 đến cuối năm 2019 là hơn 13,2 tỉ đồng, với trung bình mỗi nhà được hỗ trợ từ gần 600- 800 triệu đồng. Trong đó chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã phân bổ gần 3 tỉ đồng, còn lại là nguồn từ ngân sách của tỉnh theo đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ về tôn tạo khuôn viên vườn của đề án, nhiều nhà đã huy động thêm kinh phí để chỉnh trang hệ thống sân vườn, trồng hoa và cây cảnh, trang trí nội thất để phát huy giá trị của di sản mà ông cha để lại.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, có 25/26 nhà cổ tại làng Phước Tích tham gia đề án của tỉnh. Căn cứ vào các tiêu chí phân loại nhà vườn Huế đặc trưng, tại làng cổ Phước Tích có 14 ngôi nhà rường loại I; 9 nhà rường loại II và 2 nhà rường loại III. Việc xếp loại này là căn cứ để có mức hỗ trợ phù hợp mà UBND tỉnh đã quy định tại đề án. UBND huyện đã công khai kết quả khảo sát, phân loại tiêu chí nhà vườn, mức độ hư hỏng và thứ tự ưu tiên cải tạo trùng tu hằng năm để cộng đồng nhân dân làng cổ Phước Tích nắm rõ, cùng tham gia góp ý và thực hiện đề án.

“Việc ban hành và triển khai thực hiện “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” tại làng cổ Phước Tích đã tác động rất kịp thời và hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân làng cổ Phước Tích và chính quyền địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ, phát huy giá trị di sản của làng cổ hơn 500 năm tuổi”, ông Thái nói. 

 

Hiện nay, UBND huyện Phong Điền đang phối hợp với Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc làng cổ Phước Tích (tỷ lệ 1/500). Qua đó, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng, trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và giữ gìn được tính nguyên gốc của các giá trị làng cổ; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy giá trị truyền thống của làng cổ Phước Tích.

SƠN THÙY

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top