Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kiến nghị quản lý hoạt động Grab, Uber như vận tải taxi

Thứ Hai 08/01/2018 | 09:40 GMT+7

VH- Để tránh thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế cùng nhiều hệ lụy liên quan đến ngành vận tải taxi và người lao động trong lĩnh vực này, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp) vừa có văn bản kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện quản lý hoạt động Grab, Uber đúng bản chất như hoạt động vận tải taxi.

Ô tô tham gia sử dụng phần mềm Grab tại TP.HCM

Văn bản kiến nghị cho biết, quyết định 24 về việc cho phép triển khai thí điểm “vận tải hợp đồng điện tử” do Bộ GTVT ban hành có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt đề án. Đó là không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19.10.2015 đồng ý cho Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Từ đó gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành vận tải taxi, phá vỡ quy hoạch giao thông, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế cũng như nhiều hệ lụy đến bộ phận lớn người lao động vay tiền ngân hàng đầu tư xe, rồi chịu lỗ… Đại diện Vinasun Corp cho rằng, kế hoạch ban hành theo quyết định 24 năm 2016 của Bộ GTVT chủ yếu là kế hoạch triển khai hoạt động của Công ty TNHH Grab taxi, bởi đơn vị này đã có mặt và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014. Bên cạnh đó, quyết định 24 cũng không thực hiện đúng nhiều nội dung chỉ đạo khác của Chính phủ tại văn bản số 1850.

Điều đáng nói đề án cho phép không khống chế số lượng xe, đã tạo “kẽ hở” cho các xe ô tô tham gia ồ ạt vào thị trường vận tải taxi mà không cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh của loại hình này. Mặc dù các địa phương như TP Hà Nội, TP.HCM liên tục “kêu trời” về tình trạng gia tăng số lượng xe, gây ùn tắc giao thông, không kiểm soát được các phương tiện vận tải.

Bi đát hơn, không ít tài xế bị cuốn vào guồng quay các chương trình thưởng, khuyến mãi hấp dẫn của các hãng Uber và Grab đã không ngần ngại tham gia vay ngân hàng lên tới 90% giá trị xe, kéo theo sự gia tăng chóng mặt lượng xe ô tô cá nhân trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi chiếm lĩnh được thị trường, hai hãng trên thực hiện siết chặt thưởng, tăng phí sử dụng phần mềm lên cao hơn nhiều so với mức phí ban đầu, khiến cuộc sống của bộ phận lớn tài xế “công nghệ” rơi vào cảnh lao đao. Anh Thế Anh, người từng tham gia chạy GrabCar ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, cứ khoảng mười người vay ngân hàng sắm xe riêng để chạy GrabCar thì có tới tám người phải bỏ xe, chấp nhận bán xe chịu lỗ. Theo chia sẻ của anh Thế Anh, với mức chiết khấu đối với tài xế GrabCar gần 30% như hiện nay, có cày cuốc cả ngày lẫn đêm, anh em tài xế cũng không đủ tiền trả nợ ngân hàng, chứ đừng nói tới chuyện tăng thu nhập cho gia đình. Đại diện Vinasun Corp cho hay, không chỉ cuộc sống của tài xế “công nghệ” rơi vào cảnh bi đát, phía các công ty taxi chính thống cũng bị ảnh hưởng khá lớn, do số lượng khách và đầu xe giảm, nhiều doanh nghiệp không đủ tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, khiến cho việc làm, đời sống của hàng trăm ngàn lao động trên cả nước bị ảnh hưởng.

Với hàng loạt hệ lụy dây chuyền như trên, Vinasun Corp kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét lại tính pháp lý của hoạt động Grab và Uber tại Việt Nam. Cần đưa hoạt động của hai hãng này cùng các đối tác về đúng bản chất là loại hình hoạt động vận tải taxi nhằm đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, người lao động cũng như nghĩa vụ thuế.

 ​Xử lý nghiêm hoạt động “chui” của Grab tại Huế

Grab taxi đặt biển mở văn phòng “chui” tại đường Hoàng Quốc Việt, TP Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao vừa yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm hoạt động “chui” của Grab trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016, Bộ GTVT có quyết định về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, trong đó cho Grab taxi hoạt động thí điểm tại 5 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa). Tuy nhiên, từ tháng 12.2017, Grab đã hoạt động tại Huế với văn phòng tại số 31 đường Hoàng Quốc Việt (phường An Đông, TP Huế), khiến nhiều đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống gặp khó khăn. Nhiều hãng taxi đã có đơn gửi đến Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị xử lý việc hoạt động “chui” của Grab.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau khi nhận được văn bản phản ánh của các hãng taxi, Sở đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đề nghị xử lý hoạt động của Grab tại địa bàn tỉnh. Tại văn bản này, Sở GTVT một lần nữa khẳng định Grab tự ý triển khai hoạt động taxi khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép, đồng thời kèm theo các tài liệu chứng minh hoạt động trái pháp luật của Công ty TNHH Grab taxi.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, việc Grab mở văn phòng và hoạt động tại Huế (không nằm trong danh sách các địa phương đã được chọn làm thí điểm) là bất hợp pháp, trái quy định của pháp luật. Yêu cầu Sở GTVT phải chấn chỉnh, “dẹp bỏ” để tránh ảnh hưởng đến các hãng taxi truyền thống. SƠN THÙY

HOÀNG HẢI

 

 

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top