Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Sinh động “ký ức làng chài”

Thứ Sáu 03/12/2021 | 09:42 GMT+7

VHO- Thay vì giữ lại trong ký ức để rồi phai nhạt, nhiều người dân làng chài Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã cất công tìm hiểu, sưu tầm và phục dựng lại đời sống của làng chài truyền thống, qua đó mong muốn lưu truyền lại cho thế hệ kế cận cái nhìn thấu hiểu về nguồn cội, làng nghề.

 Hot động trét ghe được người dân làng Mân Thái tái hin li sinh động

 Anh Huỳnh Văn Mười, người đã có ý tưởng ban đầu chia sẻ, gia đình anh sống ở làng Mân Thái đã bao đời nay, từ thuở nhỏ anh đã quen thuộc với hình ảnh người cha dầm mưa dãi nắng, đội gió sương hằng ngày ra biển, còn người mẹ tất tả đón cá tôm từ ghe xa trở về đem đi chợ bán. Ký ức về những ngày sống chung cùng biển, sinh hoạt cộng đồng người dân làng chài cứ đau đáu trong anh, “nhớ một lại thấy hai, thấy ba, chuyện này nối chuyện kia không dứt, nên tôi luôn trăn trở mong muốn giữ lại những hình ảnh, ký ức về nét đẹp văn hóa biển của làng tôi”, anh Mười chia sẻ.

Lấy bối cảnh xưa là nguồn cảm hứng phục dựng lại đời sống, lao động, sinh hoạt quen thuộc của bà con làng chài, anh Mười đã tới gặp những người cao niên trong làng, tìm bạn bè gần xa nói về ý tưởng, những người dân làng khi được anh mời “vào vai” đều tham gia rất gia hào hứng. Bà con đồng lòng cùng chung tay góp sức ghi lại tư liệu chính xác về nghề đi biển của cha ông. Trong phục dựng “Mẹ gánh đôi bầu đi bán mắm”, anh Mười đã mời hai bà mẹ người làng Mân Thái vào vai. Đây là “người thật việc thật” đã trải qua công việc gánh bầu đi bán mắm, hai bà mẹ rất vui và hào hứng muốn lưu lại cho con cháu những khoảnh khắc, quãng đường đã đi qua; phục dựng lễ cúng tạ hồi là mong muốn dân làng nhớ lại truyền thống: Qua một năm đi biển, người thì thu được nhiều cá tôm, thành quả, người lại không may mắn được gì, lễ tạ hồi để ơn trời đất, cúng tâm linh đã phù hộ và giúp đỡ ngư dân trong công việc, đồng thời để ngư dân ngẫm nghĩ, hồi tưởng lại sóng gió nguy hiểm đã trải qua trên biển.

Từ tháng 3 năm 2021, anh Mười đã phục dựng các hoạt động như “Mẹ gánh đôi bầu đi bán mắm; Đẽo cháng; Gọt phao; Cột cây kình; Trét dàu rái vào đôi bầu, thúng đựng cá... Tham gia vào quá trình phục dựng đều là các lão làng người Mân Thái, có kinh nghiệm và kinh qua nghề biển từ lâu đời. Những công việc liên quan đến nghề đi biển được các cụ ông, cụ bà tái hiện nhuần nhuyễn và sinh động, như: Lễ cúng tạ hồi, gọt phao gỗ, trét dầu rái đôi bầu, dùng dây tơ hồng chà phân bò vào thúng, vá trủ, giã vỏ thông... Bà Trần Thị Nương (sinh năm 1945) năm nay đã gần 80 tuổi nhưng đôi tay vẫn linh hoạt, nhẹ nhàng khi thực hiện vá những mảng lưới. Bà Nương cho biết, bà vừa tham gia vào phục dựng ký ức “Mẹ gánh đôi bầu đi bán mắm” được ghi hình trên cánh đồng tận trong Hội An. “Nhớ ngày xưa gánh bầu đi bán mắm, tôi mới 35 tuổi, vẫn còn rất trẻ. Ngày đó phải băng qua cánh đồng dài rồi tới chào từng nhà, chứ đi giữa đàng (đường) thì bán cho ai. Bán qua bán lại khi nào họ thành khách quen, họ mới mua nhiều hơn. Bán mắm nhưng tới vụ mùa mới tới đổi lấy thóc hoặc gạo. Nhìn những đạo cụ này tôi thấy thương quá gợi nhớ cuộc sống êm đềm ngày trước, thấy giống y những dụng cụ của chúng tôi hồi xưa không khác chút nào, nên tôi muốn lưu lại ký ức này để một lần nữa sống lại thời trẻ, đồng thời mong muốn lưu lại để nhắc nhở con cháu không được quên nghề biển đã nuôi sống bao thế hệ dân làng”, bà Nương hồi tưởng. Bà cho biết còn những việc vá lưới, gánh cá, trét ghe thì đã quá quen thuộc với bà bởi từ thời son trẻ cho tới khi lấy chồng, theo chồng, nghề biển đã gắn liền với cuộc đời bà rồi.

 Dù đã gn 80 tui, nhưng cô Trn Th Nương cùng bà con dân làng vn thoăn thot đôi tay vá tm lưới lớn

Cũng tham gia vào phục dựng “Mẹ gánh đôi bầu đi bán mắm”, cô Đặng Thị Hoa (sinh năm 1968) kể lại thời đó cô mới 19, 20 tuổi, hằng ngày đi xe lam xuống bến phà, rồi gánh đôi bầu rong ruổi đi bộ vào cồn cát, cát vừa nóng vừa lún quất lên mắt rát rạt... “Ngày xưa cực khổ nhưng cuộc sống vui và êm đềm lắm, những ký ức về làng nghề là những ký ức quý giá giữa cuộc sống bộn bề ngày hôm nay. Tôi muốn lưu lại những kỷ niệm ngày xưa để con cháu sau này biết và hình dung được cuộc sống của cha ông ngày đó, nghề truyền thống của làng là như thế nào, và nhất là đừng bao giờ lãng quên nguồn gốc”. Những người già làng Mân Thái nói rằng, việc phục dựng lại đời sống, sinh hoạt của cha ông là rất cần thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng biển, làng nghề chài lưới này, để một mai thế hệ lớn tuổi không còn nữa thì ký ức cũng sẽ còn đó, cho dù không là tất cả, không còn vẹn nguyên nhưng vẫn gợi nhớ và hình dung được cái gọi là cội nguồn.

Anh Huỳnh Văn Mười cho biết, tất cả những hoạt động của cha ông, anh và người làng Mân Thái cũng sẽ cố dựng lại, ghi hình làm thành một bộ phim để giới thiệu đến bạn bè, công chúng, biến những tư liệu này thành “sản phẩm du lịch làng”, anh Mười và người làng Mân Thái mong muốn thành phố tạo điều kiện để đưa nét đẹp, độc đáo của văn hóa làng biển được lan tỏa đến bạn bè, du khách quốc tế qua những hoạt động trưng bày sau này. 

 NGC HÀ; nh: QUANG NGUYN

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top