Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023

VHO- Hội đồng Đội Trung ương (Trung ương Đoàn TNCS HCM) và các đơn vị liên quan vừa tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 - 10.9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023 - Anh 1

 Đại biểu thiếu nhi chia sẻ ý kiến tại buổi gặp mặt báo chí

Đây là mô hình mới nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến chính các em; tạo điều kiện để trẻ phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan. Đồng thời, giúp các em có được trải nghiệm tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

BTC cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban bí thư Trung ương Đoàn sẽ tham dự phiên toàn thể Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em dự kiến diễn ra ngày 10.9 tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí, bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng BTC Phiên họp cho biết, phiên họp giả định được Quốc hội các nước trên thế giới tổ chức khá phổ biến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em sẽ cung cấp cho các em kiến thức về tổ chức bộ máy nhà nước, về Quốc hội, về lập pháp; đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em, bởi sau khi đóng vai các Nghị sĩ, có thể các em sẽ đam mê với hoạt động chính trị... Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của trẻ em và thực hiện đối thoại với trẻ em. Vì thế, Phiên họp là cơ hội để Quốc hội đối thoại với đối tượng cử tri đặc biệt này; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị về các nội dung các em đã lựa chọn và thể hiện cao nhất ở Nghị quyết phiên họp mà các em sẽ thông qua.

Dự kiến, tham dự Phiên họp có 326 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 263 đại biểu thiếu nhi và 63 đại biểu phụ trách. Thành phần đại biểu thiếu nhi gồm 203 em có thành tích học tập và rèn luyện tiêu biểu; 28 em có hoàn cảnh đặc biệt; 3 thiếu nhi khuyết tật; 21 em đang sinh sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, biên giới, biển đảo; 5 em là con thanh niên công nhân, lao động trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 61 em là người dân tộc thiểu số và 8 em là thiếu nhi tôn giáo. Phiên họp sẽ tập trung vào 2 chủ đề chính là: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Đây là những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

N.MINH

Ý kiến bạn đọc