Phát hiện một phần xác tàu nghi là tàu cổ ở ven biển Hội An: Có thể ghe chở hàng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

VHO- Lực lượng chức năng đã có mặt tại khu vực biển ven bờ Cẩm An (TP Hội An, Quảng Nam), nơi phát hiện xác tàu nghi là tàu cổ trồi lên để bảo vệ hiện trường. Hiện do mực nước đang lớn nên cơ quan chuyên môn chưa thể tiếp cận khảo sát được, và đến trưa qua 28.12, sóng lớn đã đánh cát lấp lại phần thân tàu vừa nhô lên.

Phát hiện một phần xác tàu nghi là tàu cổ ở ven biển Hội An: Có thể ghe chở hàng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Anh 1

Phát hiện một phần xác tàu nghi là tàu cổ ở ven biển Hội An: Có thể ghe chở hàng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Anh 2

 Một số trụ, thanh gỗ,… của thân tàu nổi lên tại khu vực ven biển Cẩm An

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho biết, trước đó vào sáng 26.12, người dân phát hiện xác tàu nghi là tàu cổ tại khu vực biển ven bờ. Nhận thông tin, chính quyền đã cắt cử lực lượng bảo vệ hiện trường và báo cáo lãnh đạo TP Hội An kiểm tra để có hướng xử lý.

Khu vực phát hiện trước đây là đất của dân

Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương, thậm chí du khách đang lưu trú ở gần đấy cũng đến tận hiện trường để được tận mắt nhìn một phần xác tàu nổi lên.

Theo nhiều người dân Hội An, những người có kinh nghiệm đi tàu biển khi đến quan sát ban đầu đã đưa ra nhận định, đây có thể xác tàu gỗ thường gọi là ghe bầu, làm từ gỗ mun đen quý hiếm, có buồm, là loại phương tiện mà thương nhân, dân buôn bán xưa dùng để chở hàng hóa, đồ gốm sứ thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từ Hội An đi các nơi và ngược lại. Ông Đinh Xá (51 tuổi, trú tại phường Cẩm An), người đầu tiên phát hiện xác tàu cho biết, vào ngày 26.12, khi ra biển ông nhìn thấy phần trồi lên mặt nước, gần mép sóng biển giống như lớp viền, trụ, thủ… bao quanh thân tàu nên đã chụp ảnh và thông báo với chính quyền địa phương. Phần chìm dưới cát có thể còn rất sâu, phải trục vớt, kéo ra mới phát lộ được. Mọi người đang đợi các cơ quan chuyên môn vào cuộc để làm rõ giả thuyết đây có phải tàu cổ hay không.

Phát hiện một phần xác tàu nghi là tàu cổ ở ven biển Hội An: Có thể ghe chở hàng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Anh 3

 Ngày 26.12, khi ra biển tôi nhìn thấy phần trồi lên mặt nước, gần mép sóng biển giống như lớp viền, trụ, thủ… bao quanh thân tàu, nên đã chụp ảnh và thông báo với chính quyền địa phương. Phần chìm dưới cát có thể còn rất sâu, phải trục vớt, kéo ra mới phát lộ được. Mọi người đang đợi các cơ quan chuyên môn vào cuộc để làm rõ giả thuyết đây có phải tàu cổ hay không.

(Ông ĐINH XÁ, người đầu tiên phát hiện xác tàu)

Ông Xá cũng cho biết, vị trí phát hiện xác tàu trước đây vốn là đất vườn của gia đình ông và một số người dân. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ nghe ông bà hay cha mẹ nói gì về chuyện có ghe tàu bị đắm ở khu vực này. Nhiều người dân sống lâu năm ở địa phương cũng xác nhận vị trí phát hiện xác tàu trồi lên trước đây là đất vườn của người dân, nhưng do sạt lở, xâm thực nhiều năm ăn sâu vào đất liền nên người dân đã di dời đi nơi khác. Con tàu này có khả năng đã bị vùi lấp rất lâu dưới cát. Nay do bão lũ, sóng xâm thực sâu vào đất liền, kéo lớp cát trên bề mặt trôi ra biển nên xác tàu mới bắt đầu nhô lên. Cũng theo nhiều nguồn tin, khu vực vùng biển này trước đây được thương nhân, người buôn bán thường sử dùng ghe bầu để di chuyển từ cảng Cửa Đại đi lên thương cảng Hội An và ngược lại. Qua tư liệu và lời kể của người lớn tuổi, thường hàng hóa từ cảng Cửa Đại, Hội An mang đi là gốm, sứ, lụa…, còn từ các nơi khác chở hàng về cảng Cửa Đại thì có nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm,…

Phát hiện một phần xác tàu nghi là tàu cổ ở ven biển Hội An: Có thể ghe chở hàng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Anh 4

 Cơ quan chuyên môn khảo sát hiện trường ngày 28.12

Sẽ tiến hành khảo sát, tìm phương án trục vớt

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm) cho biết, lãnh đạo thành phố Hội An đã chỉ đạo Trung tâm nghiên cứu, khảo sát cụ thể để có phương án trục vớt thân tàu này. Nếu cần thiết sẽ mời thêm Viện Khảo cổ tham gia nghiên cứu. Từ đó tham mưu phương án để UBND TP Hội An đưa ra hướng xử lý.

Trung tâm đã cử lực lượng chuyên môn đến hiện trường khảo sát bước đầu. Tuy nhiên do những ngày qua sóng lớn nên chưa tiếp cận được. Đến sáng hôm qua 28.12, sóng lớn, mạnh đã đánh lấp lại những phần vừa trồi lên hôm 26.12. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang túc trực triển khai bảo vệ hiện trường. Theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Hội An, khu vực phát hiện xác tàu có tọa độ 15,9048 vĩ độ Bắc, 108,35458 kinh độ Đông, trên địa bàn khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An. Khu vực này nằm phía sau trụ sở UBND phường Cẩm An, trong khu vực công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực biển An Bàng. Do thời điểm khảo sát thuỷ triều lên cao nên chưa xác định được cụ thể kết cấu của hiện vật cũng như kích thước của các thanh gỗ. Quan sát hiện trạng cho thấy có nhiều thanh gỗ màu nâu đen nhô lên khỏi mặt biển từ 10-30cm, được xếp theo hình dạng giống ghe thuyền với một đầu nhọn, chiều rộng đo được khoảng 3m, chiều dài ước khoảng 15m. Trước đó, tại khu vực biển ven bờ giữa phường Cẩm An và phường Cửa Đại, người dân cũng đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ có nguồn gốc Trung Quốc, niên đại phổ biến khoảng thế kỷ XVII-XVIII.

Trung tâm Hội An cũng cho biết, theo quy định hiện hành, để kịp thời bảo vệ, xác minh, quản lý tài sản nghi là cổ vật nêu trên, tránh các hoạt động trục vớt trái phép, phá hủy tính nguyên gốc của hiện vật, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND TP Hội An, đề nghị thành phố sớm có văn bản báo cáo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam việc phát hiện tài sản nghi là cổ vật tại khu vực biển ven bờ và đề nghị Sở VHTTDL Quảng Nam có biện pháp xử lý tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP Hội An chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa Đại tăng cường công tác tuần tra, trực bảo vệ để ngăn chặn các hoạt động trục vớt trái phép; UBND phường Cẩm An tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản dưới nước đến người dân địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở VHTTDL vẫn đang chờ báo cáo cụ thể của thành phố Hội An về thông tin trên. Bảo tàng tỉnh Quảng Nam cũng đã đến hiện trường để khảo sát. Tuy nhiên, do mưa, sóng lớn, mạnh đã đánh, thổi cát lấp lại phần tàu vừa nổi hôm ngày 26.12 nên cũng chưa thể khảo sát được cụ thể. 

 Theo những người có kinh nghiệm đi tàu biển khi đến quan sát bước đầu đã đưa ra nhận định, đây có thể xác tàu gỗ thường gọi là ghe bầu, làm từ gỗ mun đen quý hiếm, có buồm, là loại phương tiện mà thương nhân, dân buôn bán xưa dùng để chở hàng hóa, đồ gốm sứ thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từ Hội An đi các nơi và ngược lại.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc