Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Những lão nông chống tiêu cực

Thứ Hai 22/10/2018 | 09:22 GMT+7

VHO- Tại sao những nông dân chân đất lại lao vào tham gia giám sát công trình của Nhà nước, chỉ ra từng xe đất không đủ tiêu chuẩn đổ lên mặt đường, trong khi họ không có trong tay tấm thẻ gì để thực hiện quyền giám sát?

 Một lão nông đo chiều dày mặt đường để kiểm tra

Câu chuyện về cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nếu đứng ở một góc nhìn khác thì sẽ thấy những người nông dân chân chất đã lăn xả hết mình. Họ hành động mạnh mẽ theo ý nguyện “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, ý chí hành động không vướng víu mà xuôi thẳng như con đường dài trước mặt.

Thấm thông điệp

Đi về vùng nông thôn, tiếp xúc với nhiều nông dân, khi nhắc đến 2 chữ “nợ công” thì lập tức đều trở thành chủ đề quan tâm của những con người này. Nỗi lo nợ công kia cũng đã thấm vào những lão nông có nhà nằm trên trục đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và thôi thúc họ hành động. Hơn 3 năm trước, những nông dân ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đồng loạt “xắn quần”, lặn lội tham gia vào việc giám sát cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Họ đã nhìn thấy điều gì đó bất thường phía sau một công trình hơn 34.000 tỉ đồng được giới thiệu là có cả nhà tư vấn giám sát CDM Smith của Mỹ tham gia.

Tại sao lại múc đất xấu, có đá tảng đổ lên mặt đường, tại sao tình hình ăn trộm, rút bớt sắt trên công trường diễn ra hằng đêm, nhưng không có sắt mới mang bù lại số sắt đã mất? Hàng loạt câu hỏi đặt ra với các lão nông. Những tấm ảnh mà những người nông dân chụp và cung cấp cho báo chí đã cho thấy tấm lòng nhiệt tình hết mực. Chụp ảnh từ cầu cống đưa vào thi công, đất đổ nền đường, sắt rọ ở các chân mố cầu, biển số xe ra vào công trường, địa điểm xe khai thác đất đổ nền cho tới khu vực bãi chứa đất phân hóa không đủ tiêu chuẩn được gạt ra từ nền đường.

Từ cách thức giám sát theo kiểu “bao vây”, các lão nông đã nhận ra điều gì đó và bắt đầu “ừ, à, cái này, cái kia sao nó lại vô lý?”. Từ khi đặt câu hỏi cho đến khi tự đi xác minh gần như được thực hiện ngay lập tức.

Trong ý thức của những người nông dân và nóng hổi tới mức họ ra công trường, trèo lên xe lu, la cà đến nơi nghỉ của anh em công nhân và thì thầm với họ: “Em ơi, đừng có làm ăn gian dối, công trình hỏng sớm con cháu mình lãnh nợ”. Từ đó, thỉnh thoảng các lão nông lại nhận được tin nhắn, vài cú điện thoại, có lúc tin tức được gửi đến liên tục. Vì anh em công nhân trên công trường đã nhận ra trách nhiệm của mình và gửi tin tức ra ngoài, đồng thời ra điều kiện với các lão nông: “Gửi cho báo chí, nhưng phải giữ bí mật danh tính”.

Vụ việc đường cao tốc từ km 0 + 00 đến km 65 + 00 nằm ở khu vực gần Đà Nẵng bị hư hỏng, phải thảm nhựa và bị báo chí phanh phui rầm rộ, thì ở phía đoạn đi qua tỉnh Quảng Ngãi có vẻ vẫn im lìm. Nhưng sự thật là phía sau vẻ im ắng đó là sóng ngầm. Vì sai phạm lộ thiên nằm trên mặt đường do tài xế tố cáo thì hàng loạt sai phạm còn nghiêm trọng hơn ở khu vực Quảng Ngãi đang bắt đầu được báo chí công bố. Ví dụ như cống vượt qua địa phận xã Bình Trung km 103 + 140 bị nứt chi chít như mạng nhện.

Lão nông tri ân nhà báo

Từ năm 2016, sau khi thu thập được thông tin trên công trường có được những tấm ảnh trưng ra tố cáo nhà thầu thi công gói thầu 3A, đoạn qua huyện Bình Sơn, 15 lão nông đã đồng loạt ký đơn gửi đến các cơ quan chức năng. Lão nông Phạm Tấn Lực là người đứng mũi chịu sao. Nhưng nhìn qua cách thức gửi đơn tố cáo của những lão nông này cho thấy, họ có được phép lịch sự và cách ứng xử hơn cả những người thắt caravat, đi giày láng bóng.

Đó là đơn gửi cho các cơ quan chức năng được thực hiện bằng thư đảm bảo để lưu giữ hóa đơn làm chứng từ. Một chồng chứng từ trong suốt mấy năm trời được các lão nông lưu giữ để chứng minh việc có gửi thư. Nhưng tội nghiệp cho họ là dù đổ ra bao nhiêu công sức để gửi đơn thư thì các cơ quan chức năng này cũng không thèm phản hồi, hoặc chí ít ra cũng nói chuyện với các lão nông rằng việc họ làm là đúng hay sai, thông tin họ cung cấp có hữu ích hay không.

Kêu thì phải có người nghe, những lão nông này tính đường khác và chuyển sang gửi thư cho các cơ quan báo chí và hầu như được phản hồi ngay lập tức. Các tờ báo và kênh truyền hình từ xa cũng về tận địa phương để phỏng vấn. Năm 2016, loạt bài rầm rộ nhất viết về cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đó là nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) mua lại đất đắp nền đường từ một nhà thầu cung ứng vật liệu tại địa phương và đất này được móc từ dưới lòng hồ Hóc Dọc. “Cụm từ đất bùn đắp nền đường” như một cú tát, nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đấy, nếu vắng giám sát thì xe vẫn cứ ào ạt chở đất đôn lên mặt đường.

Sau khi báo chí đăng tải, các lão nông rất lịch thiệp, viết thư gửi lãnh đạo các cơ quan báo chí này và tỏ lời cảm ơn đã về địa phương lắng nghe người dân. Lời lẽ trong những lá thư này được viết rất tha thiết, mong báo chí cùng người dân chống thi công gian dối để góp phần làm giảm nợ công sẽ trở thành gánh nặng cho trước mắt và thế hệ sau này.

Khi cao tốc sắp về đích, các lão nông lại càng trực diện hơn với đơn vị giám sát. Mỗi lần thấy hiện trường thi công có vấn đề như: sắt ngập bùn lầy nhưng không phun rửa trước khi đổ bê tông, các khớp bi nối không được trám xi măng, chân đế móng mỏng hơn thiết kế, sắt đổ nền được bện sơ sài và thưa thớt… thì lập tức điện thẳng cho giám đốc Tổng Cty Đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Ngày nào các lão cũng liên tục “tuýt còi”. Hành động của những con người này bắt nguồn từ nhân tâm không bị vướng víu. Họ không lo ngại bị trù dập, không sợ bị cắt lương, bị tổ chức kiểm điểm là đi làm việc ngoài chuyên môn. Nghe câu nói lặp đi lặp lại của các lão nông, những con người chân chất này chỉ có một con đường trong dòng suy tưởng, đó là đóng góp sức mình để thể hiện lòng phụng sự đất nước. 

HÀ ANH

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top