Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Tranh đỏ Kim Hoàng không chỉ còn là nỗi nhớ

Thứ Tư 28/11/2018 | 10:34 GMT+7

VHO- Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) từng là một làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh, nhưng không may trong một trận lũ lớn năm 1915 đã làm vỡ đê Liên Mạc khiến nhiều bản khắc gỗ của tranh đã bị lũ cuốn trôi.

 Những mẫu lì xì thật đẹp được làm công phu

Cứ như vậy, nghề làm tranh Kim Hoàng đã thất truyền hàng thập kỷ qua. Và cho đến mấy năm trở lại đây, nhờ có dự án phục hồi tranh Kim Hoàng do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội khởi xướng, dòng tranh này đang dần hồi sinh.

Hành trình đánh thức tranh đỏ Kim Hoàng

Khác với tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp là dòng tranh đặc trưng vùng Kinh Bắc, tranh Hàng Trống sử dụng giấy dó, tranh Kim Hoàng là dòng tranh Tết được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc.

Những tưởng tranh đỏ Kim Hoàng sẽ chỉ còn lại trong niềm tiếc nuối của người yêu tranh, trong kí ức của những người già cả và trong lịch sử các dòng tranh dân gian, may mắn thay, năm 2016, trong hành trình tìm kiếm sưu tầm những dòng tranh dân gian nổi tiếng, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã tìm về làng Kim Hoàng để tìm hiểu về dòng tranh này. Tiếc cho một dòng tranh dân gian đẹp, tiếc cho một di sản quý của Hà Nội bị thất truyền và đồng cảm với các bậc cao niên của làng Kim Hoàng tha thiết khôi phục dòng tranh này, bà Hòa lên kế hoạch, gặp gỡ một số nghệ nhân tranh dân gian, các nhà nghiên cứu mỹ thuật… đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ thực hiện Dự án khôi phục dòng tranh Kim Hoàng.

Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội chia sẻ: “Không được may mắn như tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống tuy bị mai một nhưng vẫn còn người giữ nghề, dòng tranh Kim Hoàng sau năm 1945 đã hoàn toàn thất truyền, không còn nghệ nhân nào theo, những chứng tích còn sót lại của dòng tranh Kim Hoàng tại xã Vân Canh gần như biến mất. Những bức tranh và bản khắc còn lại chỉ có ở bảo tàng, sưu tập tư nhân. Có thể nói hành trình phục hồi tranh Kim Hoàng gặp vô vàn những khó khăn”.

Để có được những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng, bà Hòa đã tìm đến các bảo tàng, gặp gỡ các nhà sưu tập trong và ngoài nước để kiếm những bản khắc gỗ xưa còn sót lại. Trong quá trình tìm kiếm, bà đã tìm được một số tranh Kim Hoàng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là những bức tranh Kim Hoàng in trong bộ sách tranh Imagerie Populaire Vietnamiene của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand. Sau khi tìm được mẫu tranh, bà Hòa đã “gõ cửa” các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các họa sĩ… tham vấn và nhờ các nghệ nhân điêu khắc phục dựng lại. Việc phục chế những bản khắc ván gỗ rất kỳ công và đã được hơn 30 nghệ nhân đến từ các làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Thừa Thiên Huế) giúp đỡ.

 Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội kiêm chủ nhiệm dự án phục hồi tranh Kim Hoàng Nguyễn Thị Thu Hòa đã được trao bằng khen của Bộ VHTTDL vì đã có thành tích trong 3 năm triển khai thực hiện Công văn 2662

Tham gia cố vấn kỹ thuật và mỹ thuật phục chế tranh Kim Hoàng có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân như: Trần Nguyên Đán, Nguyễn Đức Hòa, Vũ Đình Tuấn, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (làng Đông Hồ), Nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên (tranh Hàng Trống)… Đến nay sau một thời gian nỗ lực, dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ, bên cạnh đó 19 mẫu được vẽ tay.

Mỗi năm nhóm nghiên cứu lại đưa một mẫu ứng với 12 con giáp để làm tranh Tết. Sau mấy năm thực hiện, tín hiệu vui là tranh Kim Hoàng đang hồi sinh, được người dân đón nhận, được mời tham dự các triển lãm giới thiệu ở một số sự kiện văn hóa. Sự trở lại của tranh Kim Hoàng được công chúng đón nhận, các nhà chuyên môn đánh giá cao, dân làng Kim Hoàng ủng hộ dự án. Xã đã cho mượn một phòng ở nhà truyền thống, gần đình Kim Hoàng để dự án tiến hành. Năm 2017, Dự án đã chọn mẫu linh vật Việt là con nghê để tạo mẫu tranh mới cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Tranh nghê in ra được đón nhận và ngày 20.12.2017 tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ VHTTDL, Giám đốc Bảo tàng Gốm Sứ Hà Nội kiêm chủ nhiệm dự án phục hồi tranh Kim Hoàng Nguyễn Thị Thu Hòa đã được trao bằng khen của Bộ VHTTDL vì đã có thành tích trong 3 năm triển khai thực hiện Công văn 2662.

Gian nan giữ nghề, giữ người

Hành trình phục hồi dòng tranh quý Kim Hoàng có lẽ cái khó nhất chính là làm sao có người để giữ nghề. Dự án đã đầu tư cho nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung, sinh và lớn lên ở làng Kim Hoàng bằng cách đưa anh đi học cách làm tranh, học vẽ, học cách thực hiện công việc phục hồi dòng tranh nổi tiếng này. “Chúng tôi có thể chọn sinh viên trẻ ở trường mỹ thuật nhưng nếu như vậy sẽ khó có thể giữ được chất dân gian của tranh Kim Hoàng nên chúng tôi phải trực tiếp hướng đào tạo nghệ nhân trẻ ở ngay làng Kim Hoàng. Dù luôn kêu gọi, tìm kiếm, 3 năm thực hiện dự án chỉ có duy nhất nghệ nhân Đào Đình Trung vẽ được tranh Kim Hoàng. Hiện dự án vẫn đang tiếp tục chọn thêm người với mục đích sẽ đào tạo để phục hồi dòng tranh nhưng quả thực đây vẫn là một thách thức đầy khó khăn’”, bà Hòa chia sẻ.

 Nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung, người duy nhất thực hiện làm tranh đỏ Kim Hoàng

Vừa trả lương cho nghệ nhân, vừa thực hiện công tác phục hồi dòng tranh Kim Hoàng, ước tính kể từ năm 2016 khi bắt tay vào thực hiện dự án, bà Hòa đã bỏ tiền túi ra mỗi năm trung bình ít cũng hơn trăm triệu đồng. Những sản phẩm mà dự án thực hiện mới chỉ do một nghệ nhân làm nên số lượng không nhiều, chỉ đủ để giới thiệu cho mọi người biết về sự tồn tại của một dòng tranh dân gian trong thị trường hiện nay. Có lẽ phải tiếp cận những sản phẩm khơi nguồn từ tranh dân gian Kim Hoàng mới có thể thấy được những giá trị “có một không hai” của nó. Một dự án phi lợi nhuận, không nhằm mục đích để kinh doanh mà vì muốn lan tỏa tình yêu với di sản dân tộc.

Dự án còn mạnh dạn tạo thêm những mẫu tranh Kim Hoàng mới, ứng dụng những họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau, như những viên sỏi chặn giấy có in hình chú lợn, bộ lịch Xuân Kỷ Hợi, bao lì xì… Phối hợp với nghệ nhân làng đậu bạc Định Công làm lợn bạc theo mẫu lợn của tranh Kim Hoàng. Sắp tới dự án sẽ đưa tranh Kim Hoàng lên quạt giấy Chàng Sơn, gốm sứ Bát Tràng…

Với tình yêu di sản, đau đáu với việc phục dựng dòng tranh này, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa và nghệ nhân, dân làng Kim Hoàng đang nỗ lực phục hồi lại dòng tranh từng làm rạng rỡ xứ Đoài. Thế nhưng để dự án được triển khai toàn diện, đào tạo được một đội ngũ nghệ nhân hùng hậu thì rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ địa phương, cần có chính sách bảo tồn đồng bộ, dài hơi tiếp sức mới mong hồi sinh thực sự cho tranh đỏ Kim Hoàng. 

 Tranh đỏ Kim Hoàng là một trong những dòng tranh dân gian quý thể hiện nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Để dòng tranh này phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, giá trị văn hóa nghệ thuật của tranh, quan tâm đào tạo nghệ nhân cho người địa phương. Đặc biệt, tranh đỏ Kim Hoàng mang yếu tố văn hóa tâm linh sâu sắc nên cần kết hợp việc giới thiệu tranh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị để di tích lịch sử cách mạng Đình Kim Hoàng trở thành du lịch văn hóa tâm linh.

(TS Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL)

 

 VĂN ĐỊNH SƠN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top