Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Vì sao 71% HS không thích học các môn KHXH&NV?

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:17 GMT+7

VHO-  Theo đánh giá của các giáo viên trực tiếp giảng dạy thì có đến trên 71% học sinh không thích học các môn KHXHNV và sự hiểu biết về văn hóa, xã hội còn hạn chế...

 Giờ học môn Giáo dục công dân của học sinh một trường THCS trên địa bàn TP.HCM với bài học Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng theo các chuyên gia, một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường còn hạn chế, trong đó vấn đề đào tạo giáo viên các môn KHXHNV có ý nghĩa quan trọng, nhưng rất tiếc lại chưa được chú trọng.

Theo TS Phạm Đào Thịnh, Trưởng khoa Giáo dục chính trị (Trường ĐH Sài Gòn), qua tìm hiểu về tình hình đào tạo, cho thấy hiện nay trong ngành giáo dục chưa thống nhất về tiêu chuẩn giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân. Từ đó dẫn đến tình trạng các trường ĐH đào tạo sinh viên dạy môn Giáo dục công dân khá lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng về yêu cầu sử dụng ở các trường phổ thông vì chưa đạt chuẩn. Các chuyên gia cho rằng, các trường cao đẳng sư phạm chủ yếu đào tạo ghép môn (Văn - Giáo dục công dân hoặc Sử - Giáo dục công dân), trong đó Giáo dục công dân chỉ chiếm 30% thời lượng trong các chương trình đào tạo nên những giáo viên này ra trường không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

“Theo chúng tôi, ngoài việc thi tuyển để đạt chuẩn kiến thức, thì cần thực hiện việc tuyển chọn sinh viên ngành Giáo dục công dân. Vì họ là người đào tạo về nhân cách, phẩm giá con người, nên việc tuyển chọn phải kỹ càng cả về hình thức, năng lực, phẩm chất đạo đức, khả năng chuyển hóa người khác trong quá trình giảng dạy”, TS Thịnh nói.

Theo một chuyên gia sử học, các môn học KHXHNV là những môn có lợi thế trong giáo dục đạo đức, vì vậy cần phải đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã thực hiện khảo sát trên 200 giáo viên THPT các môn KHXHNV gồm môn Ngữ văn, Lịch sử và Giáo dục công dân; 120 cán bộ quản lý giáo dục, 80 cán bộ Đoàn và khoảng 1.800 học sinh THPT của 12 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, liên quan đến vấn đề đội ngũ giáo viên các môn KHXHNV với việc giáo dục truyền thống và đạo lý dân tộc cho học sinh THPT. Kết quả như sau: Theo đánh giá của các giáo viên trực tiếp giảng dạy thì có đến trên 71% học sinh không thích học các môn KHXHNV và sự hiểu biết về văn hóa, xã hội còn hạn chế; gần 65% học sinh thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống và đạo lý dân tộc; có 62,5% học sinh kỹ năng sống hạn chế, khả năng hợp tác yếu. Đáng lưu ý khi cũng có đến 62,5% học sinh sống thực dụng, chạy theo những lợi ích vật chất…

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, gần 70% ý kiến đồng tình chương trình các môn KHXHNV còn nặng về lý thuyết; nội dung giáo dục ít thiết thực, các môn học còn đi vào chi tiết, sự kiện, thiếu sự cảm hóa, giáo dục. Bên cạnh đó, có đến 50% giáo viên còn hạn chế trong vận dụng các phương pháp giáo dục và dạy học tích hợp để nâng cao chất lượng.

ThS Đặng Chí Minh, Trường THPT Tân Phong cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền về lý luận văn học. Theo đó, trường sư phạm nên giảm bớt những chuyên đề chuyên sâu có tính hàn lâm, ít khả năng ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, thay vào đó là tăng cường kỹ năng đứng lớp, trang bị cho sinh viên cách dạy và phương pháp tự nghiên cứu, giúp sinh viên có năng lực làm chủ kiến thức và biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn giảng dạy sau này.

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, chương trình các môn KHXHNV cần biên soạn theo chủ đề từ thấp đến cao, từ gần đến xa, như từ gia đình đến học đường, xã hội, quốc gia, dân tộc, thế giới; trách nhiệm của công dân với gia đình; tích hợp các nội dung về đạo lý dân tộc và ý thức công dân trong các môn Giáo dục công dân, Văn học, Lịch sử; lựa chọn những giá trị phổ quát của nhân loại để đưa vào chương trình các môn KHXHNV…

P.V

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top