Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch đường bộ Việt- Trung: Cần thay đổi để giữ và tăng lượng khách

Thứ Hai 03/12/2018 | 10:38 GMT+7

VHO- Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ chiếm 10-15% tổng lượng khách, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc luôn chiếm một tỉ trọng lớn, góp phần quyết định sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

 Toàn cảnh hội thảo

 Để thu hút hơn nữa lượng khách quan trọng này, lần đầu tiên Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo quốc tế phát triển du lịch đường bộ Việt Nam tại thành phố Móng Cái, vào cuối tuần qua.

Tăng nhưng chưa vui

Hơn 4.550 km đường biên tiếp giáp với các nước láng giềng qua 21 cặp cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch ngày càng hiện đại; tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn đã “kích cầu” lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ tăng dần. Năm 2013, lượng khách quốc tế đến bằng đường bộ là 1.399.000 lượt, đến năm 2018, chỉ trong 10 tháng đầu năm đã tăng lên 2.260.000 lượt. Nguồn khách du lịch đường bộ hiện đang là nguồn khách cơ bản của một số đơn vị lữ hành, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng từ du lịch đường bộ vẫn chưa đạt như kỳ vọng và tiềm năng lợi thế sẵn có.

Nhìn vào thực tế, một số nguyên nhân được “gọi ra” là ở nhiều nơi các tuyến quốc lộ kết nối đến các điểm, khu, tuyến du lịch vẫn chưa hoàn chỉnh, khiến việc tiếp cận các điểm, khu du lịch còn khó khăn, đặc biệt là các điểm du lịch ở vùng cao. Chất lượng sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ khách còn hạn chế, như chưa có chỗ ăn nghỉ hợp lý khi vận chuyển đường dài; hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ cao cấp, cơ sở hạ tầng ở các tỉnh vùng biên còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng như cầu của khách du lịch theo loại hình caravan. Việc kết nối mạng kiểm soát, thống kê xuất nhập cảnh giữa các cửa khẩu và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh còn hạn chế, chưa liên thông.

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn đến việc một số doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam và Trung Quốc thông đồng hạ chất lượng dịch vụ, ép khách đến điểm mua sắm với giá cao, thu lợi bất chính, gây bức xúc đối với khách du lịch, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có dấu hiệu hoàn thiện và hợp pháp hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách theo quy định để chống chế với cơ quan chức năng; không thông qua hệ thống ngân hàng dẫn đến khó kiểm soát các vấn đề về tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp của hai bên.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Côn, Cục trưởng Cục Du lịch thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) khẳng định các tồn tại ở tour du lịch đường bộ cần được cải thiện gấp liên quan đến điểm du lịch, sản phẩm du lịch; thủ tục xuất nhập cảnh và tình trạng chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch. Ông Hoàng Côn cho biết, những năm trước đây, Hạ Long là điểm đến đáng tự hào mà người Trung Quốc nào cũng muốn được đặt chân đến. Hiện tại, điểm đến này chỉ có sức hấp dẫn với những khách chưa từng đến Hạ Long, trong khi đó các điểm đến khác ở Quảng Ninh hoặc quá quen thuộc trở nên nhàm chán; hoặc chưa đủ sức hấp dẫn khách. Nếu không có sự cải thiện, chắc chắn lượng khách đi bằng đường bộ đến địa phương này sẽ giảm.

Ý kiến của ông Hoàng Côn không phải vô cớ, bởi qua khảo sát một số điểm du lịch của Móng Cái như cầu Bắc Luân, đình Trà Cổ, Sa vĩ – điểm đặt nét bút đầu tiên khi vẻ bản đồ nước Việt… thấy rõ sức hấp dẫn của các điểm du lịch này chưa cao, mặc dù điểm đến có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử.

Làm gì với những tồn tại?

Dưới góc nhìn của một đối tác láng giềng, ông Hoàng Côn đưa ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch chung đặc sắc. Với điểm đến là cầu Bắc Luân, cần phải xây dựng công viên du lịch 1 điểm đến 2 quốc gia. Các hạng mục, công trình trong công viên này phải đặc sắc, mang đậm dấu ấn của mỗi nước, thể hiện bản sắc văn hóa Việt độc đáo. Các tỉnh biên giới Việt Nam cần xây dựng những khu nghỉ dưỡng, giải trí văn minh. Xây dựng tour du lịch đỏ với điểm đến là các địa danh liên quan đến cách mạng của hai nước.

Để tour du lịch này hấp dẫn thì việc đầu tư, bổ sung tài liệu, hiện vật, hình thức thể hiện, thuyết minh cần đi vào chiều sâu, sinh động. Ông Hoàng Côn cũng kiến nghị phía Việt Nam tạo tuyến đường du lịch chung, phát triển mạnh hơn loại hình du lịch xe tự lái và mở rộng biên độ tham quan cho khách du lịch vào Việt Nam bằng giấy thông hành. Công tác thực thi pháp luật cũng cần được tăng cường. Phải tìm hiểu, giám sát việc thực thi pháp luật của các đoàn du lịch để thông báo cho nhau, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm. Hệ thống thông tin liên lạc giữa hai bên cần được kết nối thông suốt, một dạng như “đường dây nóng” để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Đối với nguồn nhân lực du lịch, ông Hoàng Côn cho rằng phải nâng cao năng lực của đội ngũ làm du lịch, trong đó công tác đào tạo cần chuyên sâu để đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn viên hiểu sâu văn hóa truyền thống và lịch sử của mỗi nước.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và lắng nghe các ý kiến tại Hội thảo, với mong muốn phát triển du lịch quốc tế bằng đường bộ, ngành du lịch kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình du lịch caravan, trước mắt cần sớm ban hành các văn bản pháp quy về tổ chức và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ của khách quốc tế đưa vào Việt Nam du lịch. Sớm đưa vào các cửa khẩu chính, đủ điều kiện và có khả năng đón khách thành cửa khẩu quốc tế, qua đó nối thêm lộ trình và tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách vào. Có những ưu đãi miễn thuế sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô chở khách chất lượng cao từ 35 chỗ trở lên để khuyến khích các doanh nghiệp vận chuyển du lịch nhập xe khắc phục tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển cao cấp như hiện nay.

Kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến chính nối các cửa khẩu quốc tế đến các Trung tâm của quốc gia và các vùng, tạo diều kiện thuận lợi nhất cho du khách đi du lịch theo tuyến xuyên Việt, các tuyến hành lang bộ giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các quốc gia láng giềng tạo thông thoáng về chủ trương, chính sách, thủ tục để khuyến khích phát triển du lịch đường bộ. Trong quy hoạch các tuyến mới hoặc nâng cấp các tuyến đường cũ Bộ GTVT cần đưa thêm các nhánh đường nối với các di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch lân cận.

Lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc tế về du lịch đường bộ Việt - Trung nhưng đáng tiếc chỉ có ông Hoàng Côn, đại diện cho ngành du lịch thành phố Đông Hưng tham dự. Giá như, hội thảo có được sự quan tâm của lãnh đạo cấp tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam hoặc thấp hơn một chút là các đơn vị hành chính: Sùng Tả, Phòng Thành Cảng, Châu Hoàng Hà… và phía Việt Nam là lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo thành phố Móng Cái thì việc kết nối, đề xuất giải pháp giải quyết các tồn tại sẽ được hiện thực hóa, ra khỏi khuôn khổ của hội thảo vào đời sống.

 Với các điểm du lịch, cần phải xây dựng nội dung, không gian đặc sắc thu hút khách. Móng Cái có dòng sông Ka Long thơ mộng chảy giữa hai quốc gia, tại sao chúng ta không xây dựng không gian du lịch chung ở điểm Cầu Bắc Luân bằng hình thức hát đối qua sông, hoặc biểu diễn các loại đàn truyền thống bên sông để phục vụ khách?

(Ông Hoàng Côn, Cục trưởng Cục Du lịch Thành phố Đông Hưng, Trung Quốc) 

 

Ngành Du lịch sẽ báo cáo Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách để tháo gỡ ách tắc; đề ra các giải pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy du lịch đường bộ Việt Nam phát triển nhanh.

(Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

 NGUYỆT NHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top