Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”

VHO- Trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018, Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” do Bộ VHTTDL giao Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam thực hiện diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã mang đến một cái nhìn tổng quát và mang tính đặc trưng của nhạc cụ truyền thống các vùng miền đất nước.

Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” - Anh 1

Với sự tham gia trưng bày, trình diễn nhạc cụ truyền thống của 12 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, TP.HCM, Tiền Giang, An Giang, triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” là hoạt động có ý nghĩa bảo tồn các giá trị của nhạc cụ truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Triển lãm tôn vinh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nhạc cụ của các loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới: Nhã nhạc Cung đình Huế; Cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử; Hát Xoan; Hát Bài chòi. Để khách tham quan hiểu hơn về nhạc cụ truyền thống của từng vùng miền, triển lãm cũng dành riêng không gian giới thiệu các loại nhạc cụ đặc trưng và trình diễn nhạc cụ của các nghệ nhân. Nếu vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ trình diễn sáo, đàn nhị, mõ, phách, trống, đàn nguyệt… gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, lễ hội và loại hình nghệ thuật chèo, chầu văn, rối nước, quan họ… thì khu vực miền núi phía Bắc khoe các nhạc cụ đặc trưng: đàn tính, trống tang sành, khèn bè, nhạc sóc, thanh la… của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Duyên hải miền Trung Tây Nguyên, nơi âm nhạc là linh hồn của cuộc sống, là tiếng nói của tâm linh và diễn tả khát vọng vươn lên…, các loại nhạc cụ được giới thiệu gồm trống paranưng, trống ghi năng, kèn saranai. Các dân tộc Tây Nguyên trưng bày các nhạc cụ mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn: cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn đá, kèn sừng trâu, đàn ống tre… Khu giới thiệu nhạc cụ truyền thống của đồng bào Nam Bộ, nơi có kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc, tiêu biểu gắn với đời sống của đồng bào dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, nhạc cụ đặc trưng: ngũ âm, sáo, kèn, hồ nhị, đàn tì bà, thanh la, não bạt…

Cùng với khu trưng bày triển lãm, chương trình giao lưu, trình diễn dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ truyền thống dưới hình thức âm nhạc đường phố tạo nên sự gần gũi, giúp công chúng tiếp cận dễ dàng và hiểu thêm về các loại nhạc cụ gắn với từng loại hình nghệ thuật và bản sắc văn hóa vùng miền cũng sẽ là điểm thu hút tại không gian triển lãm.

HÀ QUYÊN

Ý kiến bạn đọc