Vùng núi lửa Chư Đăng Ya hút khách

VHO- Vùng đất quanh núi lửa Chư Đăng Ya đang được tỉnh Gia Lai tập trung đầu tư trên nhiều phương diện để trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Vùng núi lửa Chư Đăng Ya hút khách - Anh 1

 Núi lửa Chư Đăng Ya ngập tràn hoa dã quỳ là điểm thu hút du khách gần đây Ảnh: VINH QUỐC

Núi lửa Chư Đăng Ya ở làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh) đã ngủ yên hàng nghìn năm nay đang tạo nên một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch lý thú của tỉnh Gia Lai.

Mặc dù rất bận rộn với việc nương rẫy và công tác đoàn, nhưng anh Pyưi, Bí thư Chi đoàn làng Ia Gri vẫn rất vui vẻ khi kiêm thêm vai trò hướng dẫn viên du lịch của làng. Mỗi khi có đoàn khách phương xa tới ngắm dã quỳ, anh Pyưi tự nguyện dẫn khách lên núi, giới thiệu cho du khách về núi lửa Chư Đăng Ya. Khi khách xuống núi, anh Pyưi lại mời họ vào ghé thăm ngôi làng Ia Gri xinh đẹp.

Cùng với anh Pyưi, người dân trong làng giới thiệu thêm nhiều sản vật mình làm ra như chuối rừng, dong riềng, hay làm các món ăn của người Jrai. Anh Pyưi cho biết: “Tôi là một đoàn viên thanh niên trong làng, khi khách du lịch đến thăm Chư Đăng Ya thì tôi dẫn khách đến thăm giọt nước, nhà mồ, nhà thờ cổ. Tôi giải thích theo vốn hiểu biết của mình những điạ điểm đó để họ hiểu lịch sử hình thành, tập quán sinh hoạt của người Jrai tại đỉnh Chư Đăng Ya”.

Xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh nằm dưới chân núi Chư Đăng Ya hùng vĩ, thơ mộng. Nơi đây vào mỗi cuối thu, hoa dã quỳ nở vàng rực, kiêu sa và hoang dại từ đỉnh núi, trải dài xuống các triền núi, triền đồi và dọc các lối đi. Dòng nham thạch của núi tạo ra một vùng đất phì nhiêu. Mùa nào thức nấy, người dân luân phiên canh tác lúa, rau, dong riềng. Quanh năm, tứ phía và ngay trong lòng núi lửa Chư Đăng Ya được chia thành nhiều ô vuông với những mảng màu sống động tạo nên bức tranh kỳ thú níu chân du khách phương xa.

“Tôi đã đọc trên mạng, trên báo chí về lễ hội hoa dã quỳ nên tôi đã đến đây. Hoa dã quỳ ở đây rất là đẹp, núi lửa Chư Đăng Ya rất ấn tượng với tôi. Tôi thấy nó đẹp lắm, hùng vĩ. Sự hùng vĩ của núi lửa và đồi hoa dã quỳ đẹp như thế này thì tôi sẽ giới thiệu, quảng bá nhiều cho bạn bè, người thân của tôi biết để đến nơi này”, bà Tôn Nữ Thanh Nga, du khách đến từ Kon Tum cho biết. Cuối năm 2018, huyện Chư Păh tổ chức lễ hội hoa dã quỳ- núi lửa Chư Đăng Ya lần thứ 2, thu hút lượng du khách lên tới 145.000 lượt người. Điều đặc biệt, thành tố chính của lễ hội chính là những người Jrai bản địa. Họ là chủ của các lễ hội, là chủ các gian hàng nông sản, là hướng dẫn viên du lịch, là đầu bếp của những món ăn đặc trưng Jrai.

Cũng trong năm qua, UBND huyện Chư Păh đầu tư gần chục tỉ đồng trải nhựa và trồng thêm hơn 400 cây xanh dọc hai bên con đường liên xã dẫn vào núi lửa Chư Đăng Ya. Góp sức cùng chính quyền địa phương, hàng chục hộ dân các làng Kó, làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya đã hiến đất mở rộng đường, trải nhựa trên dọc con đường làng. Nhiều hộ dân di thực những cây trên 10 năm tuổi từ rẫy về làng để tạo cảnh quan. Chứng kiến làng mình ngày càng đẹp đẽ, khang trang hơn, già làng Djya, làng Ia Gri phấn khởi nói: “Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư hơn cho làng của chúng tôi. Bản thân người dân trong làng cũng sẽ tích cực tập cồng chiêng cho thật hay, thật giỏi. Phụ nữ học xoang thật khá. Từ đó, chúng tôi tham gia giới thiệu cho du khách những nét văn hoá đặc sắc về văn hoá và ẩm thực của người Jrai chúng tôi”.

Theo chương trình quy hoạch tổng thể phát triển du lịch năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh Gia Lai đang xây dựng dự án “Làng du lịch Jrai nguyên tác khép kín” nằm ngay trên sườn núi lửa Chư Đăng Ya với diện tích 5ha, kinh phí khoảng 25 tỉ đồng. Theo đó, làng du lịch có hàng chục ngôi nhà sàn truyền thống. Bên trong có bếp lửa, nơi ủ rượu ghè tái hiện lại đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người Jrai. Cùng với đó, làng du lịch giữ nguyên các bến nước, nhà mồ, nơi sản xuất, chăn thả gia súc, gia cầm. Mô hình này hướng tới hình thức du lịch cộng đồng, giúp du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng sản xuất để cảm nhận được nét đẹp trong đời sống của dân cư bản địa. 

 NGUYÊN THẢO

Ý kiến bạn đọc