Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Rối cạn Tế Tiêu: “Đặc sản” của chốn đồng quê

Thứ Tư 09/10/2019 | 11:16 GMT+7

VHO- Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi theo đường quốc lộ 21B đến thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), du khách yêu mến nghệ thuật dân tộc sẽ có cơ hội ghé thăm thủy đình của phường rối Tế Tiêu và thưởng thức một “đặc sản” của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ: nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu.

 Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, con trai của nghệ nhân Phạm Văn Bể giới thiệu về nhân vật rối Tạ Ôn Đình trong trích đoạn "Tuồng Sơn Hậu" Ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC

Theo dân gian truyền lại, rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn bốn trăm năm. Năm Hưng Phúc 1573, một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về Tế Tiêu khai khẩn đất hoang, lập làng giữ nước, dạy dân trồng cấy và sáng tạo ra nghề rối. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn loại hình sân khấu dân gian này lại được hồi sinh trên mảnh đất Tế Tiêu vào những năm 1954-1957, và phát triển mạnh vào những thập niên 70 nhờ sự cống hiến của các bậc nghệ nhân tiền bối như: nghệ nhân Lê Năng Nhượng, nghệ nhân Phạm Văn Bể. Tiếp nối mạch nguồn của cha ông, nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng (con của nghệ nhân Phạm Văn Bể và hiện là trưởng phường rối Tế Tiêu) vẫn bền bỉ giữ nghề cùng với 15 thành viên của phường rối, giữa những khó khăn bộn bề của cuộc sống mưu sinh.

Nếu như mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc thường để lại dấu ấn trong lòng công chúng bởi một nét đặc trưng thẩm mỹ nổi trội thì nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu cũng đem đến cho người thưởng ngoạn một phong vị riêng. Có thể xem đây là một loại hình sân khấu dân gian bình dị và tươi tắn, hồn nhiên và dung dị, nhưng cũng đầy chất “kỳ ngộ” với những biến tấu vi diệu bất ngờ. Trước sân khấu ba mặt, khi tấm màn nhung đã mở, công chúng sẽ được thả hồn phấn khích trong tiếng trống hội làng; thích thú ngạc nhiên với sự dẫn dắt dí dỏm của “Lão trượng”, nhân vật ông lão đại diện cho phường rối dẫn trò, kể chuyện, rồi thoáng chốc lại được trở về với cuộc sống bình dị chốn thôn quê và đắm mình trong những điển tích dân gian được thể hiện một cách cô đọng và sống động. Nhân vật rối cạn với nét tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc, lời thoại dí dỏm cùng với các làn điệu dân ca, dân nhạc rộn ràng, ngẫu hứng khiến người xem không thể không bất giác mỉm cười thích thú.

 Nhân vật Lão Trượng - người dẫn trò trong rối cạn Tế Tiêu Ảnh: NGUYỄN QUANG PHƯƠNG

Đó là một Lý Thông nham hiểm, một chàng Thạch Sanh tốt bụng, chính trực (trong trò Thạch Sanh chém chằn tinh), người nông dân nhỏ bé, khôn ngoan cùng chú hổ to xác mà ngốc nghếch (trò Trí khôn của ta đây). Không chỉ có thế, rối cạn Tế Tiêu còn đem đến sự hứng thú đặc biệt cho khán giả bởi đã tích hợp được những trích đoạn tuồng kinh điển Việt Nam, chuyển hóa chất tuồng vào trong nghệ thuật rối một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên (rối “Tuồng Sơn Hậu” với trích đoạn Chém tá). Ngoài ra, rối cạn Tế Tiêu có nhiều tích trò được khán giả yêu thích như: Xay lúa giã gạo, Múa rối leo dây ảo thuật, Hai Bà Trưng đánh giặc, Lý Thường Kiệt đọc hịch, Quan Công… Một số trò diễn đã bị mai một và từng bước đang được phục dựng lại bởi các nghệ nhân phường rối. Không chỉ dừng ở các tiết mục rối cổ, các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu, đứng đầu là nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng đã mạnh dạn đưa những vấn đề cập nhật của xã hội vào trong rối, giúp người xem cảm nhận hơi thở của cuộc sống đương đại, giữ “hồn” rối mà vẫn truyền tải được những thông điệp mới. Một số trò diễn như “Lỗi tại ai”, “Phòng chống phá rừng”… đề cập đến những vấn đề nóng bỏng về môi trường sinh thái… phần nào thể hiện sức sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ, cũng như khả năng bao trùm linh động về nội dung của nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu.

Kết hợp hài hòa và tinh tế với chèo, tuồng, xẩm, quan họ... cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, nghệ nhân rối cạn Tế Tiêu đã chắt lọc và thổi hồn vào những con rối vô tri được làm từ vật liệu tự nhiên như tre gỗ, bằng phong cách tạo hình dân gian và sự sáng tạo trong dựng trò, hát thoại, điều khiển con rối - tất cả đã góp phần tạo nên một loại hình nghệ thuật vi diệu mang đậm bản sắc đồng quê.

Giản dị, hồn hậu, rối cạn Tế Tiêu là một đại diện chân thực và sống động cho tâm hồn mộc mạc, chân chất của người lao động, gắn với môi trường sinh thái tự nhiên của vùng đồng bằng Bắc Bộ và truyền tải những điển tích, những giá trị nhân sinh quan tốt đẹp của cha ông. 

 ĐỖ THỊ THANH THỦY (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top