Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu vượt lên từ những “phép thử”

Thứ Hai 14/10/2019 | 10:56 GMT+7

VHO- Không khư khư ôm “vốn cũ” và cách làm quen thuộc, Liên hoan quốc tế sân khấu lần thứ 4 đã mang tới những “phép thử” với những tư duy hiện đại trong sáng tác và dàn dựng đã thực sự là động lực kích thích sự sáng tạo cho nghệ sĩ Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao HCV vở diễn xuất sắc cho các đơn vị: Nhà hát Múa rối Việt Nam (Thân phận nàng Kiều), Nhà hát Kịch Việt Nam (Sự sống), Nhà hát Tuổi trẻ (Cậu Vanya), Đoàn nghệ thuật Ayit-Israel (Bpolar)

Ban tổ chức trao HCV cho các nghệ sĩ

Đánh giá cao vai trò của tác giả và đạo diễn, thành phần quan trọng tạo nên tính thử nghiệm trong tác phẩm, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan ghi nhận sự tiến bộ, hiệu quả thử nghiệm của các tác phẩm như: Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi Trẻ), Bpolar (Israel), Tháng Tám (Hungari), Cánh đồng đẫm máu (Hy Lạp), Nữ ca sĩ hói đầu (Đoàn kịch Luc Team)…

Cuộc chơi của những người làm nghệ thuật

Đó là những sáng tạo đầy hấp dẫn khiến đồng nghiệp và khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu bởi những tự do sáng tạo, thoải mái tung tẩy không bị trói buộc bởi những nguyên tắc cũ.

Chính những người làm nghệ thuật sân khấu là đối tượng hưởng lợi khi Liên hoan được tổ chức bởi chính từ những thử nghiệm thành công của đồng nghiệp mà họ có thêm những gợi ý sáng tạo mới. NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương VN đã bày tỏ: “Các đạo diễn và ê kíp sáng tạo của các vở diễn như Bpolar, Tháng Tám, Thân phận nàng Kiều, Cậu Vanya… đã cho thấy không có giới hạn nào cho sự sáng tạo nghệ thuật, đồng nghiệp đã đi từ những ngạc nhiên này sang những ngạc nhiên khác bởi những tìm tòi đáng nể của họ. Tôi đặc biệt thích cách khai thác đưa những tư duy mới, hiện đại vào sân khấu truyền thống của một số đạo diễn Việt Nam và quốc tế. Ví dụ như Câu chuyện của bức tranh cổ của Trung Quốc đã thử nghiệm một cách diễn hý khúc rất mới so với lối diễn truyền thống hay đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã rất sáng tạo trong cách tạo hình nhân vật trong Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối VN. Sự thay đổi trong tư duy sáng tạo là rất cần thiết để đáp ứng thị hiếu của khán giả hôm nay, đặc biệt là giới trẻ. Từ những thử nghiệm của đồng nghiệp mà tôi có thêm những gợi ý trong công tác dàn dựng của mình”.

 Một cảnh trong vở Thân phận nàng Kiều

Không hiểu ngôn ngữ và Truyện Kiều của Việt Nam nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát Shanghai Huaiju Opera Troupe, Trung Quốc đều cho biết họ vô cùng thán phục khi xem Thân phận nàng Kiều. Đại diện đoàn Trung Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đã thực sự bị chinh phục bởi toàn bộ là một vở diễn xuất sắc về thử nghiệm từ cách dàn dựng, cách trang trí, tạo hình cho tới kỹ thuật biểu diễn. Khó có thể nghĩ rằng chỉ có sáu dải lụa trắng mà đạo diễn đã rất tài năng biến hóa tạo nên những không gian sân khấu rất ấn tượng. Những vật dụng đời thường cũng đã được đưa vào tạo hình con rối một cách ấn tượng và hiệu quả. Chúng tôi ước có thể đưa được vở diễn này sang biểu diễn tại Trung Quốc để khán giả nước chúng tôi được thưởng thức”. Tương tự, Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi trẻ cũng không hề kém cạnh khi nhận được khá nhiều lời khen từ đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Cậu Vanya đã làm mới một kịch bản kinh điển của thế giới bằng tư duy dàn dựng sân khấu hiện đại. Màu sắc Nga trong kịch bản gốc dường như chỉ gắn ở các tên riêng nhân vật. Còn lại, phối cảnh, trang phục, âm nhạc... của vở diễn đều mang màu sắc trung tính - nghĩa là có thể diễn ra ở bất cứ đâu trong cuộc sống này. Đạo diễn đã dẫn dắt mọi cảm xúc của khán giả, khiến họ phải hoà mình cùng tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật.

Nghệ sĩ Santanu Das (Ấn Độ) cho biết: “Ấn Độ đã có nhiều đoàn dựng Cậu Vanya của tác giả Chekhov nhưng quả thực chúng tôi thấy Cậu Vanya của đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi dàn dựng cho nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ của Việt Nam là xuất sắc nhất. Xiếc Ấn Độ lâu nay mới chỉ dàn dựng ở các tiết mục nhỏ lẻ với các thể loại xiếc truyền thống và chủ yếu là khoe kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ. Chúng tôi không bao giờ nghĩ tới việc xiếc có thể xây dựng thành một chương trình có chủ đề tư tưởng như “Hà Nội những giấc mơ của Việt Nam”. Chúng tôi rất mong sẽ có cơ hội để làm việc với đạo diễn của các bạn để xây dựng được những chương trình xiếc lớn như có chủ đề như vậy”.

Vị giám khảo người Pháp, đạo diễn Alain Destandau nhận định: “Tôi đã tham dự cả 4 lần tổ chức Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm của Việt Nam. Cho tới Liên hoan lần này tôi thấy chất lượng và tính thử nghiệm của các đơn vị sân khấu của Việt Nam đã nổi trội hơn. Các đạo diễn Việt Nam đã chứng tỏ những lao động nghiêm túc để tạo nên những thử nghiệm tuyệt vời đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Lực lượng nghệ sĩ của sân khấu Việt Nam cũng rất tài năng và đa năng. Đơn cử như dàn diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam trong vở Sự sống, qua những động tác và biểu cảm của họ mà người xem có thể cảm nhận được ý nghĩa nhân văn rất lớn của kịch”. Có thể thấy sự hợp tác dàn dựng với các đạo diễn nước ngoài có uy tín, có sức trẻ đã mang lại hiệu quả cao đối với Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ và Sự sống của Nhà hát Kịch VN.

Các vở diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan được trao Huy chương Vàng

Cần một tư duy mới không chỉ ở sân chơi “thử nghiệm”

Ban tổ chức Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 đã đưa ra sáng kiến tổ chức các cuộc thảo luận sau khi xem các vở diễn. Tại cuộc thảo luận lần thứ nhất các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các thành viên trong ê kíp sáng tạo vở và đông đảo nghệ sĩ đã có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình. Cùng là một vở diễn nhưng có người khen nức nở nhưng lại có người lại phê phán, thậm chí gây tranh cãi gay gắt thẳng thắn. Tuy nhiên, rõ ràng mức độ thành công trong thử nghiệm có thể nhiều hay ít thì cũng ghi nhận được yếu tố “lần đầu”, cái mới từ một số vở diễn. Với vở Ngàn năm mây trắng, lần đầu tiên Nhà hát Đài Tiếng nói VN (VOV) dàn dựng một tác phẩm sân khấu để công diễn rộng rãi phục vụ khán giả. Và cũng lần đầu tiên nghệ sĩ sân khấu truyền thống cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế cùng lên sân khấu diễn trong một vở. Phép thử nghiệm này đã thực sự mang tới một trải nghiệm đầy thú vị đổi mới hình thức và thói quen xem nghệ thuật lâu nay. Cái tên đạo diễn NSƯT Quế Anh còn rất mới mẻ trong làng đạo diễn nhưng cũng đã tạo ấn tượng mạnh đối với đồng nghiệp với Niềm khát bởi những xử lý có nghề và rất thông minh, đây cũng là tín hiệu mừng cho sân khấu cải lương đã có thêm một đạo diễn đầy triển vọng.

Tuy nhiên, tới với liên hoan lần này đã lọt vào những vở diễn không mang tính thử nghiệm, điều này khiến một số vở trở nên lạc lõng về tiêu chí thử nghiệm so với các vở khác. Không ít vở của một số đoàn nghệ thuật nước chủ nhà tham gia liên hoan năm nay theo kiểu “nhân tiện” có liên hoan thì đem đi thi, không cho thấy được sự đầu tư đúng mức cho một liên hoan đề cao “thử nghiệm” thể hiện ở các vở: Câu Kiều ru một đời người (Nhà hát Chèo Quân đội), Nỗi u sầu (Nhà hát Kịch Quân đội). Những vở diễn này bộc lộ rất rõ yếu điểm của sân khấu Việt hiện nay đó là rất rườm lời mà chẳng có mấy trò để xem, chưa nói là cách dàn dựng đã quá cũ kĩ, lạc hậu. 

 Bế mạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm năm 2019

Chiều tối qua 13.10, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm năm 2019 đã bế mạc. Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 4 Huy chương và 5 Huy chương Bạc cho các vở diễn xuất sắc. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao 20 Huy chương Vàng, 35 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc; cùng giải thưởng cho các thành phần sáng tạo bao gồm: đạo diễn xuất sắc, hoạ sĩ tạo hình xuất sắc, tác giả triển vọng, thiết kế ánh sáng xuất sắc. Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh, Liên hoan là sự kiện văn hóa quan trọng, hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới, là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Liên hoan đã khẳng định những giá trị của nghệ thuật sân khấu, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Liên hoan, đó là những ngày hội lớn, là nơi gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các nghệ sĩ sân khấu trong nước và quốc tế. Đồng thời qua đó, khán giả được dịp chiêm ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật, hiểu thêm về con người, khát vọng cuộc sống của từng dân tộc.

 

THUÝ HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top