Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khai thác đề tài dân tộc trong phim Việt: Cần đầu tư nhiều hơn thế

Thứ Sáu 03/04/2020 | 11:42 GMT+7

VHO- Những năm qua, dường như phim Việt cứ mãi trăn trở với bài toán đi tìm sự dung hòa giữa yếu tố thị trường và nghệ thuật, giữa phim theo đề tài văn hóa dân tộc với cái gọi là “lai căng” - mất bản sắc, thì thời gian gần đây, tính dân tộc trong phim Việt đã được các nhà làm phim tập trung khai thác.

 "Cô Ba Sài Gòn" chọn hình ảnh chiếc áo dài truyền thống nhưng lại không gắn hành trình đi tìm cội nguồn dân tộc trong chiếc áo dài

Có khá nhiều dự án phim Việt đã và đang tập trung sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc từ các tác phẩm văn học, văn hóa dân gian, dần định hình một dòng phim mới mang những nét đẹp đặc trưng của Việt Nam lên màn ảnh rộng. Đây là một tín hiệu vui bởi thông qua điện ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ chạm nhiều hơn đến giới trẻ, vốn là đối tượng khán giả chủ yếu tại các phòng vé. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, với số lượng phim còn khá khiêm tốn như hiện nay, con đường đến với “bản sắc dân tộc” còn một chặng khá dài.

Sau các phim như Song lang, Cô Ba Sài Gòn, Trạng Quỳnh, Hai Phượng... để lại ấn tượng khá tích cực về mảng đề tài truyền thống văn hóa, với đà này trong năm 2020, một số tác phẩm tiếp tục ra mắt nhằm đáp ứng sự chờ đợi của những người yêu điện ảnh. Một trong những tác phẩm sử dụng chất liệu văn hóa dân gian được kỳ vọng trong năm 2020 là Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Đây là phim chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt nổi tiếng của Việt Nam. Trạng Tí đang ở giai đoạn hậu kỳ, dự kiến phát hành trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Qua video clip quảng bá đầu tiên, phim giới thiệu một Ninh Bình thơ mộng trên nền ca khúc Cò lả đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, “tôi có hoài bão lớn với điện ảnh Việt, mong thông qua đó giới thiệu văn hóa dân gian Việt với công chúng trong nước và thế giới. Muốn khán giả cảm nhận được vẻ đẹp của cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những mái tranh vách đất mộc mạc, bọn trẻ cưỡi trâu hò reo… và Trạng Tí là cơ hội lớn để góp phần thực hiện hoài bão này”.

Bên cạnh đó, một số bộ phim đang được phóng tác, chuyển thể từ văn học Việt cũng được công chúng chờ đợi như Cậu Vàng (chuyển thể từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao), Kiều (phóng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du); hay mới đây là thông tin tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng sẽ lên màn ảnh rộng bằng dự án cùng tên nhằm tái hiện xã hội Việt Nam những năm 1930 với sắc thái độc đáo riêng biệt… Theo một số nhà phê bình, thời gian gần đây, điện ảnh Việt phát triển nhưng hầu hết các phim đều bị nhận định là thiếu nét đặc trưng. Với cái nhìn nghiêm khắc của một nhà lý luận điện ảnh, TS Đào Lê Na, Trường ĐH KHXHNV TP.HCM, cho rằng những bộ phim mang tính dân tộc không phải là những bộ phim chỉ thể hiện đề tài văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn phải thể hiện được tư tuy của những người làm phim để tạo ra sự khác biệt cho phim Việt với phim các nước trong khu vực và trên thế giới. Hầu hết các bộ phim chiếu rạp ở Việt Nam hiện nay đang xoay quanh những đề tài về tình yêu đôi lứa, những thể loại hài, kinh dị, hành động. Trong khi một số phim đã chọn đề tài truyền thống nhưng nhịp phim và những yếu tố về bối cảnh, câu chuyện lại chưa tạo ra được chất riêng của điện ảnh Việt Nam.

“Phim Cô Ba Sài Gòn chọn hình ảnh chiếc áo dài truyền thống nhưng bộ phim lại không gắn hành trình đi tìm cội nguồn dân tộc trong chiếc áo dài mà chỉ minh họa họ cho câu chuyện. Nét đẹp của văn hóa Việt Nam trong hình ảnh chiếc áo dài đã bị bỏ quên. Bộ phim hoàn toàn rời rạc xa lạ với hình ảnh chiếc áo dài mà nó đưa ra. Đóng góp lớn nhất của bộ phim chỉ là thời trang áo dài của bộ phận thiết kế chứ không phải câu chuyện của nó”, TS Đào Lê Na thẳng thắn. Các nhà điện ảnh cho rằng, hiện nay có rất nhiều giải pháp để kiến tạo căn tính dân tộc của Việt Nam và xa hơn nữa là tạo ra nền điện ảnh dân tộc. Những yếu tố văn hoá cần được lồng ghép một cách khéo léo thông qua ngôn ngữ điện ảnh thay vì chỉ ngôn ngữ nói. Một nền điện ảnh mạnh ngoài những yếu tố, tiêu chuẩn về rạp chiếu, về tỉ lệ người xem phim, những giải quốc tế tại các Liên hoan phim danh giá thì điều then chốt phải là một nền điện ảnh có những thế hệ đạo diễn giàu tính sáng tạo với “mùi vị” riêng của mình, và tạo nên một bức tranh về lịch sử xã hội Việt Nam không đứt đoạn. Đạo diễn Tô Hoàng, Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh, “bản sắc dân tộc trong phim ảnh không chỉ là phương tiện biểu đạt, nó cần được đào xới, khai thông, tìm tới những góc nhìn, sự cảm nhận, đánh giá khái quát, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn...”.

Theo các chuyên gia, các đạo diễn Việt Nam cần mạnh dạn lựa chọn những đề tài thể hiện tiếng nói của giới trẻ đương đại. Chính sự hoang mang của tuổi trẻ, sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin, sự thờ ơ đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc,… là những chất liệu tốt để đưa vào phim và để người xem cảm thấy thân thuộc, đồng cảm. Bên cạnh đó, để điện ảnh Việt Nam thực sự phát triển và thể hiện được căn tính dân tộc, các nhà sản xuất không nên chiều theo thị hiếu khán giả để làm nên những bộ phim “mì ăn liền” mà cần có sự đầu tư cẩn trọng hơn. Chính những bộ phim được đầu tư một cách nghiệm túc nhất sẽ khiến cho khán giả biết cách phân loại lại những bộ phim hay và dở. Nếu khán giả quay lưng với những bộ phim dở thì chắc chắn nền điện ảnh sẽ phát triển. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top