Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết

Thứ Tư 08/04/2020 | 12:06 GMT+7

VHO- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một tài sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta, các thế hệ về sau cũng như mãi sau này có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, phát huy, kế thừa và thực hiện một cách có hiệu quả nhất.

 Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội tháng 7.1960. Ảnh tư liệu

Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhớ, học tập và làm theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người khẳng định, đạo đức như gốc của cây, nguồn của sông, “người cách mạng phải có đạo đức làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Người đã viết nhiều tác phẩm thể hiện tư tưởng về đạo đức cách mạng, cùng hàng trăm bài nói, bài viết đề cập đến việc bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các tác phẩm đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và để lại có giá trị nhiều mặt trong việc giáo dục đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”, để xây dựng chuẩn mực người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, đạo đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người nói: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Người cũng viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người quan niệm, đạo đức tạo ra sức mạnh và là nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc. Đặc biệt, Người cho rằng, người cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài; đức và tài phải kết hợp với nhau thì mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, giữa đức và tài Người không xem nhẹ cái nào. Tuy nhiên, trong hai phẩm chất đó, đức lại là gốc bởi đạo đức có ý nghĩa quyết định thái độ, lập trường chính trị, tư tưởng và quyết định mục tiêu lý tưởng của người cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những chuẩn mực đạo đức cách mạng, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến “cần, kiệm, liêm, chính”. Bằng cả cuộc đời mình, Người đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng học tập, noi theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính” là phẩm chất hết sức quan trọng và cần thiết của người cán bộ, đảng viên. Người căn dặn: Đảng ta là đảng cầm quyền thì đạo đức của đảng viên gắn với uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân. Vì thế, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” không đơn thuần là việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn là biện pháp quan trọng của công tác xây dựng chuẩn mực người cán bộ, đảng viên. Người coi việc thực hành đạo đức sẽ tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của một dân tộc. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.

Hoàn toàn phù hợp với tiến bộ xã hội và nhất là yêu cầu của cách mạng, đạo đức cách mạng theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được hiện thực hóa và khẳng định giá trị cao đẹp trong đời sống xã hội của đất nước ta. Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, lớp lớp cán bộ, đảng viên trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, không tiếc tuổi xuân, gác lại những hoài bão cá nhân, dũng cảm, tiên phong trong cuộc chiến một mất, một còn vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhiều người trong số họ đã không được hưởng niềm vui của ngày độc lập, thống nhất đất nước, nhưng họ xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu nhất về sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, luôn đặt lợi ích tối cao của đất nước, của nhân dân lên trên hết và lên trước lợi ích của cá nhân mình. Trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện hàng vạn, hàng triệu cán bộ, đảng viên, những “người tốt, việc tốt”, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, lao động với tinh thần “vì nước quên mình”, “vì dân phục vụ”, nâng cao ý thức tiết kiệm của công, chống tham ô, lãng phí...

Song, bên cạnh những tấm gương tiêu biểu đó, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, chức trách được giao; lười học tập, ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; quan liêu, tham nhũng, lãng phí...

Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một yêu cầu vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách, trước mắt của sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nhấn mạnh: “Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi người trong số họ đều thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, thật sự tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc; xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết”.

Vận dụng tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” để xây dựng chuẩn mực người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thái độ, hành vi, thói quen; xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. 

 NGUYỄN VĂN CÔNG - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top