Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Bất ngờ​​​​​​​ khi “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” bị phá bỏ 600 mét: Tác giả tha thiết được làm lại

Thứ Hai 08/06/2020 | 10:44 GMT+7

VHO- Con đường gốm sứ từ 10 năm nay đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của Hà Nội. Thế nhưng, công trình nghệ thuật kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, từng được công nhận kỷ lục Guinness này bị phá đi hơn 600m để phục vụ mở rộng mặt đê trong sự ngạc nhiên và tiếc nuối của nhiều người.

 Một đoạn tranh gốm 600m bị phá bỏ để mở rng mặt đê

 Được biết, công trình mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Cầu Nhật Tân đã chính thức khởi công. Đây là công trình phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 của Dự án xây cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên. Để đảm bảo thi công, 600 mét tranh gốm buộc phải phá bỏ, đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng gồm nhiều đoạn tranh sinh động, được thiết kế theo các chủ đề đa dạng và đây cũng là công trình nghệ thuật công cộng kỷ lục tại Việt Nam được các họa sĩ Việt Nam và quốc tế cùng chung tay thực hiện. Được ra đời từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy, Con đường gốm sứ ven sông Hồng ngoài ý nghĩa là món quà dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới, đó còn là tác phẩm đã đoạt giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.

Đón nhận thông tin về việc Con đường gốm sứ bị phá đi 600 mét để cải tạo trục đường Nghi Tàm, đối với họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, chẳng khác nào phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi “đứa con tinh thần” của mình không còn nguyên vẹn. Đã nhiều lần phải lên tiếng “kêu cứu” trước sự thiếu ý thức giữ gìn đối với tác phẩm của nhiều người dân, lần này, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, vì thực hiện việc chung của thành phố nên đành phải chấp nhận phá đi 600 mét tranh gốm trên tổng thể công trình. “Tôi nhận được điện thoại báo từ BQL dự án giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) báo về việc sẽ phải phá bỏ 600 mét tranh gốm. Thực sự không biết nói sao, rất nhiều cảm xúc buồn và tiếc nuối. Đó là tâm huyết, công sức của chúng tôi khi cặm cụi ghép hàng ngàn viên gốm nhỏ để tạo nên những mảng tranh nghệ thuật. Nhiều người bạn của tôi sống và làm việc tại khu vực Tây Hồ cũng nhắn cho tôi, họ rất bất ngờ khi chứng kiến Con đường gốm sứ bất ngờ bị phá đi những mảng tranh đẹp…”, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tâm sự.

 Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tiếc nuối khi những mảng tranh bị dỡ b

Theo tác giả của Con đường gốm sứ ven sông Hồng, 600 mét tranh bị phá cũng chính là một phần của Kỷ lục Guinness Thế giới đã công nhận. Việc này có thể ảnh hưởng đến danh hiệu “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” do Kỷ lục Guinness Thế giới đã công nhận. Đáng tiếc hơn khi đoạn tranh có nhiều chủ đề “đặc sệt” Hà Nội, được công chúng yêu thích như đoạn tranh Bùi Xuân Phái, Phố cổ Hà Nội, những hình ảnh tiêu biểu trong di sản kiến trúc các nước ASEAN hay đoạn tranh của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) về các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp ở Việt Nam… “Chính bởi tính đa dạng về chủ đề nên Con đường Gốm sứ ven sông Hồng là tác phẩm nghệ thuật công cộng được đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế biết đến, đặc biệt Đại sứ quán các nước tại Việt Nam rất yêu thích công trình. Trong nhiều dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Đại sứ quán các nước đều mong muốn nối dài con đường gốm với những đoạn tranh giới thiệu nét đẹp văn hóa của các quốc gia. Vì vậy, việc mất đi 600 mét tranh chắc chắn sẽ để lại nhiều tiếc nuối. Bởi mỗi đoạn tranh đều là tình yêu của nhiều cá nhân, tổ chức dành cho Hà Nội”, theo tác giả con đường gốm sứ.

Liên hệ với đơn vị chịu trách nhiệm quản lý công trình, ông Đỗ Hồng Điệp, Phó trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, đến nay BQL Di tích danh thắng Hà Nội cũng chưa nhận được văn bản thông báo về việc phá dỡ đoạn tranh. “BQL nắm được việc này thông qua công tác kiểm tra thường nhật và tôi phải gọi điện hỏi tác giả công trình mới nắm được thông tin cụ thể hơn. Nếu là chủ trương của thành phố và vì mục đích chung thì chúng tôi không có ý kiến gì, vấn đề ở đây là quy trình phối hợp và thông tin chưa tốt”, ông Đỗ Hồng Điệp nói.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, có thể chị sẽ phải báo cáo đến Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới vì việc này có thể ảnh hưởng đến danh hiệu “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” đã được công nhận đối với công trình. Tuy nhiên, mong muốn của họa sĩ và các cộng sự đã chung tay làm nên Con đường gốm sứ là được thành phố tạo điều kiện, cấp kinh phí để làm lại đoạn tranh bị mất. “Tôi tha thiết với đề nghị này. Nếu được làm lại, đoạn tranh sẽ được thực hiện lùi vào bên trong để không ảnh hưởng gì đến dự án mở rộng mặt đường”, theo họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. 

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top