Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Cuộc vận động sáng tác tác phẩm Âm nhạc và Sân khấu tại TP.HCM: Cần một “bà đỡ ” cho nghệ thuật

Thứ Sáu 12/06/2020 | 10:10 GMT+7

VHO- Tại cuộc họp thông tin về Giai đoạn 2 của Cuộc vận động (CVĐ) sáng tác tác phẩm Âm nhạc và Sân khấu chủ đề “Mãi mãi một tình yêu” do Sở VHTT phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.HCM vừa tổ chức, bên cạnh sự phấn khởi, đồng tình thì cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về định hướng đầu vào, cơ chế đầu ra...

Vở diễn đặt hàng “Rặng trâm bầu” của sân khấu Trịnh Kim Chi đã nhận được nhiều giải thưởng và tiếng vang  

 Từ câu chuyện của CVĐ sáng tác, nhiều tâm tư, trăn trở của những người làm nghệ thuật đã được dịp giãi bày…

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng

Mở đầu buổi trao đổi, bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến của những người làm nghệ thuật nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển văn hóa - nghệ thuật, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy “bật đèn xanh”: “Có mâu thuẫn hay không giữa định hướng sự phát triển mà chúng ta đang mong muốn với thực tế đang vận động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật?” Trước cách đặt vấn đề này, nhiều đại biểu thẳng thắn cho biết đang cảm thấy có sự lấn cấn trong chính suy nghĩ của mình khi gửi tác phẩm dự thi ở các cuộc thi, CVĐ nói chung. Liệu nên sáng tác theo “cái” mà ban giám khảo cần để được chấm giải, hay “cái” mà khán giả mong muốn?!

Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ, trong lĩnh vực sân khấu, suốt thời gian dài cho đến hiện tại, những người làm nghề loay hoay, cố gắng tìm mọi cách để hoạt động, cố gắng để tác phẩm đến được với công chúng. “Thời gian gần đây, tôi thấy các cơ quan quản lý chăm sóc rất tốt đầu ra cho vở diễn. Điển hình như sự kiện Giàn khoan 981 thì chúng ta có các vở Cây bàng vuông, Dấu xưa, Rặng trâm bầu, Tổ quốc nơi cuối con đường,... đều được các cơ quan quản lý quan tâm, tạo điều kiện để các vở diễn tiếp cận với công chúng”. Soạn giả cho rằng không thể phủ nhận sự quan tâm đó, nhưng đồng thời cho biết vẫn thấy băn khoăn “bởi chúng ta vẫn còn đang bị chi phối bởi mảng sân khấu thị trường. Nếu như đem mảng sân khấu thị trường nằm kế bên mảng sân khấu chính thống thì thật sự là trận đấu không cân sức”.

NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Trong lĩnh vực sân khấu, tôi thấy khó khăn nhất là khan hiếm kịch bản hay, nhưng không phải là không có tác giả đủ tâm huyết. Nên chăng, cơ quan quản lý đã là người khởi xướng thì cũng là “bà đỡ” cho nghệ thuật?”. Vị đạo diễn bày tỏ mong muốn và dẫn chứng: “Ngay khi nghe phát động, Sân khấu Sen Việt của chúng tôi đã tham gia một kịch bản rồi. Nhưng với quy định là phải ghi hình, để quy tụ các ngôi sao sân khấu cải lương thì kinh phí lên đến 600 triệu đồng, một số tiền quá lớn đối với chúng tôi. Muốn mang tác phẩm dự thi nhưng thực lực khó khăn quá. Tôi cho rằng Nhà nước cần đặt hàng các đơn vị để tìm đầu ra cho vở diễn, như vậy sẽ kích thích sự sáng tạo của người làm nghệ thuật”.

Bày tỏ trăn trở trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng mong muốn có được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý: “Chúng em mong có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý văn hóa, vì chỉ có một tay thì không vỗ thành tiếng được”. Nhạc sĩ trẻ cho biết, vừa ra mắt tập sách 300 bài hát thiếu nhi, trong đó có 5 bài hát được đưa vào chương trình dạy âm nhạc cho học sinh. “Nhưng đối với em như thế vẫn chưa đủ, em mong muốn chúng ta có một chương trình thuần cho thiếu nhi như Những bông hoa nhỏ trước đây, để có kênh sử dụng các bài hát thiếu nhi thường xuyên hơn, để các em sử dụng các bài hát phù hợp với lứa tuổi, thay vì những game show phải hát bài người lớn”. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh thì tâm tư: “Thị trường âm nhạc đang mất cân đối, tính giải trí quá nhiều trong khi tính thẩm mỹ và bồi dưỡng tâm hồn quá ít. Do vậy mà tôi đang băn khoăn, những tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi, CVĐ nói chung, chúng ta cho là hay, thẩm mỹ cao nhưng nếu không có khán giả thì cũng vô nghĩa”.

Chính CVĐ sáng tác đã là cơ chế đặt hàng

Bà Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP cho biết, thời gian qua, Liên hiệp liên tục đầu tư kinh phí từ chương trình đầu tư quốc gia, từ kinh phí không thường xuyên và ngân sách TP hỗ trợ, không chỉ trong năm nay mà còn năm tới nữa. “Nếu CVĐ có được kịch bản tốt, sau đó dàn dựng tốt, thì vấn đề đầu ra sẽ không quá khó. Cái mà chúng tôi quan tâm là làm sao những vở TP đặt hàng từ ngân sách, sau khi hết hợp đồng, vở diễn vẫn tiếp tục bán được vé”.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, trăn trở đối với các cơ quan quản lý nhiều năm qua đó là cơ chế để có thể triển khai và vận dụng nhằm khai thác nguồn lực xã hội hóa. “Chúng ta có rất nhiều quy định để khuyến khích nhưng để triển khai cụ thể hóa thì còn bất cập. Ở góc độ chức năng, quyền hạn của Sở VHTT, chúng tôi đã phối hợp với Liên hiệp cũng như các Hội trên địa bàn TP triển khai Quyết định 650 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ những tác phẩm, công trình sáng tạo nghệ thuật. Năm 2020, TP chọn chủ đề là năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Sở VHTT được giao là cơ quan thường trực để xây dựng kế hoạch này. Tôi cho rằng ngoài thực hiện trọng trách được giao, đây còn là điều kiện thuận lợi cho ngành văn hóa chúng ta. Chúng tôi đã vận dụng những điều kiện đó để xây dựng các đề án, những kế hoạch, trong đó có Quyết định 650 của Thủ tướng, đây sẽ là cơ chế đặt hàng quan trọng”, bà Thúy cho biết.

Liên quan đến cơ chế đặt hàng các tác phẩm sân khấu và âm nhạc, bà Thúy chia sẻ: “Ngay bản thân nội tại CVĐ này chính là cơ chế đặt hàng từ Nhà nước. CVĐ có chủ đề, định hướng, tiêu chí rõ ràng, sau khi kết thúc trao giải, chúng tôi cũng sẽ tìm nguồn lực xã hội hóa để có thể hỗ trợ, đặt hàng nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp của các tác phẩm. Hiện nay tác phẩm chất lượng đang khan hiếm. Chúng tôi hứa sẽ tổ chức những sân chơi như thế này chứ không chỉ tổ chức vào đợt đặc biệt nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn”. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top