Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Du lịch và chuyện ứng xử với biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 04/12/2020 | 11:08 GMT+7

VHO- “Hoạt động du lịch đã, đang hứng chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là những khu, điểm du lịch ven biển bị tác động cực đoan gây thiệt hại cả về vật chất và phát triển kinh doanh…”.

 Xử lý rác thải, bảo đảm hoạt động du lịch xanh - sạch trên bãi biển Nha Trang

TS Võ Quốc Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) đã đưa ra nhận định như vậy tại Hội nghị Chung tay bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch do Tổng cục Du lịch mới tổ chức tại TP Nha Trang.

Môi trường du lịch bị “đe dọa”

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng và “đe dọa” đến hoạt động du lịch tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. TS Võ Quốc Đoàn nhấn mạnh, BĐKH là nguyên nhân khiến nhiều chương trình du lịch của du khách đến Việt Nam bị hủy hoặc thay đổi. Nắng nóng kéo dài khiến thời gian đi tham quan ngoài trời bị rút ngắn, thiên tai lũ lụt khiến nhiều đoàn khách phải hủy, hoãn chuyến hoặc chuyển hướng du lịch sang nơi khác.

Tất cả các biểu hiện cực đoan nêu trên của BĐKH đang thực sự là rào cản khó có thể vượt qua, trực tiếp ảnh hưởng đến việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển ngành Du lịch. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa lại cho biết, việc BĐKH ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trong cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng đang hiện hữu rõ rệt. Tại Khánh Hòa, nhiều chuyên gia môi trường đã cảnh báo, việc các khách sạn, khu du lịch được xây dựng với mật độ tập trung cao ở TP Nha Trang, đặc biệt là dọc theo đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan ven vịnh Nha Trang. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai xây dựng các khu du lịch, đặc biệt là hoạt động xây dựng lấn biển đã khiến nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm như san hô ở vùng ven biển, hải đảo bị ảnh hưởng. Lượng khách du lịch tăng cao khiến nhu cầu cung cấp nước sạch cũng như sức ép về xử lý nước thải, rác thải ngày càng lớn.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam mỗi năm đã thải ra môi trường hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, ở mức 0,28 - 0,73 triệu tấn. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng trong những năm qua đã làm giảm sức hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam. Điều này, nếu không có các giải pháp bảo vệ môi trường đúng mức, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, để ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường du lịch, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều chương trình hành động bảo vệ môi trường (BVMT), khuyến khích các doanh nghiệp (DN) du lịch sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Mới đây, Tổng cục Du lịch đã tổ chức lễ phát động BVMT trong hoạt động du lịch; tổ chức hội thảo tìm giải pháp để BVMT trong cơ sở lưu trú và các điểm du lịch đã được đông đảo DN du lịch và người dân hưởng ứng, tham gia. “Đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng. Sự phát triển này một mặt đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch nhưng mặt khác cũng gây áp lực lớn lên hạ tầng và tài nguyên, một số nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu điện cục bộ, lượng chất thải lớn không được xử lý kịp thời gây ô nhiễm. Theo đó, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các Sở Du lịch kêu gọi người dân, du khách tăng cường hơn nữa việc bảo vệ môi trường”, ông nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn cho biết, Vụ đã yêu cầu các DN kinh doanh lưu trú tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với đồ nhựa dùng một lần, hạn chế rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Theo Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, những năm gần đây, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở TN&MT tổ chức nhiều lớp tập huấn về BVMT cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng tổ chức các hoạt động kêu gọi BVMT trong hoạt động du lịch, phát động phong trào chống rác thải nhựa trong cơ sở lưu trú, “nói không” với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Theo đó, một số khu du lịch, các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn đã thực hiện các mô hình công viên rác thải, vườn hoa bằng rác thải nhựa để tuyên truyền ý thức BVMT cho người dân và du khách. 

 XUÂN HƯỚNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top