Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhạc kịch đã “dụ dỗ” được công chúng

Thứ Tư 24/02/2021 | 10:56 GMT+7

VHO- Được coi là thể loại “sang chảnh” của sân khấu, nhạc kịch vẫn khá mới mẻ với đa số công chúng Việt, dù đã xuất hiện ở nước ta hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vở nhạc kịch liên tục được ra mắt đã mang tới làn gió mới cho hoạt động biểu diễn nước nhà.

 Nhạc kịch đã chinh phục khán giả Việt (cảnh trong vở “ Tôi đọc báo sáng nay”, Ảnh: ITN)

 Sự đón nhận tích cực của khán giả cho thấy tiềm năng vô cùng rộng mở của loại hình nghệ thuật này.

“Cơn sốt” nhạc kịch tại Thủ đô

Cuối năm 2020, khi sân khấu vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhạc kịch đột ngột tạo lên “cơn sốt” với khán giả Thủ đô. Nhiều vở mới ra đời, các buổi diễn không còn chỗ trống và có vở được tiếp tục yêu cầu biểu diễn nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả, như: Những người khốn khổ (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); Tôi đọc báo sáng nay (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long); Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi Trẻ)...

Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, nhạc kịch vẫn luôn là một loại hình nghệ thuật cao cấp, không dành cho đại chúng. Có thể thấy, để dàn dựng một vở nhạc kịch cần sự đầu tư lớn hơn nhiều về cả công sức, tiền của và thời gian so với một vở kịch bình thường. Đặc biệt, thể loại này còn đòi hỏi rất cao ở kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh, trong khi điều kiện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, để yêu thích, thưởng thức loại hình nghệ thuật này cũng cần có những kiến thức nhất định. Cũng bởi vậy, dù đã được “du nhập” vào nước ta một thời gian dài, nhưng trong nhiều năm qua, nhạc kịch vẫn là loại hình biểu diễn khá mới mẻ đối với khán giả. Trong khi đó, với số đông người yêu nghệ thuật thế giới, nhạc kịch đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Thể loại sân khấu này hiện diện khắp nơi và tỏa sáng từ những sàn diễn danh giá như West End (Anh), Broadway (Mỹ)... đến những khán phòng nhỏ với số ghế cực kỳ khiêm tốn, qua những vở diễn đỉnh cao, vang danh toàn cầu như Bóng ma trong nhà hát (The Phantom of the Opera), Chicago...

Nhằm mang đến làn gió mới cho sân khấu Việt, những năm gần đây, các nghệ sĩ sân khấu đã âm thầm tìm tòi, nhằm Việt hóa hoặc xây dựng các vở nhạc kịch thuần Việt phục vụ công chúng. Đáp lại những nỗ lực ấy, đến nay, sự đón nhận của người xem với các tác phẩm nhạc kịch đã có những thay đổi tích cực, khán giả chờ đón, khóc cười cùng những màn biểu diễn đầy cảm xúc trên sân khấu. Có thể kể đến Trại hoa vàng được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, qua những tình tiết nhẹ nhàng, những bài hát trong trẻo, sâu lắng, sân khấu vừa sôi động, vừa lãng mạn, tác phẩm đã cuốn hút khán giả trẻ và truyền được thông điệp về cách chọn nghề, khởi nghiệp hiệu quả. Còn Tôi đọc báo sáng nay được dàn dựng với những câu chuyện của đời sống, vấn đề của xã hội từ chuyện tiền điện, vệ sinh môi trường, chuyện vụn vặt ở khu phố, cho đến chuyện chống dịch Covid-19, lũ lụt ở miền Trung… cũng để lại những ấn tượng khó quên trong lòng công chúng.

 “Trại hoa vàng” đã cuốn hút khán giả trẻ và truyền được thông điệp về cách chọn nghề, khởi nghiệp hiệu quả

Hướng đi mới cho sân khấu Việt

Thời gian qua, nhiều vở diễn kinh điển của thế giới đã được các nhà hát, đạo diễn giới thiệu tới người yêu nghệ thuật nước nhà: Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh dàn dựng và duy trì biểu diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần của V.A.Mozart từ năm 2014 đến nay; Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đang biểu diễn Những người khốn khổ gây được tiếng vang và hiệu ứng tích cực. Không chỉ các Nhà hát, các trung tâm nghệ thuật, nhiều đạo diễn trẻ cũng tích cực tiếp cận loại hình nghệ thuật này, như đạo diễn trẻ Khắc Duy với vở High School Musical & Chicago (2014); hay Trung tâm nghệ thuật Hanoi Arts for You (HAY) với các vở nhạc kịch Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen (Đan Mạch); Matilda chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên của nhà văn người Anh Roald Dahl... và sắp tới là dự án Witches (Phù thủy) chuyển thể từ tác phẩm của Roald Dahl, dự kiến ra mắt vào tháng 6.2021.

Không chỉ vậy, các nghệ sĩ còn mơ ước tới một sân khấu nhạc kịch thuần Việt. Cách đây vài năm, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh từng chinh phục khán giả trẻ bằng 35 đêm diễn liên tục trong dự án HOPE, với 3 vở nhạc kịch, từ Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối đến Mộng ước không xa vời. Những tác phẩm đậm phong cách nhạc kịch Broadway nhưng lại được thổi vào những suy tư về một xã hội từ một tâm hồn nghệ sĩ Việt đã khiến giới trẻ hào hứng và thích thú đón nhận.

Từ đó tới nay, rất nhiều vở diễn khác lần lượt gây ấn tượng mạnh như Dế mèn phiêu lưu ký của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh; Tiên nga của sân khấu Idecaf, Chuyện tình nàng Giáng Hương hay chùm tác phẩm Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Vũ nữ của nhóm Buffalo; Lọ Lem truyền kỳ của sân khấu Trịnh Kim Chi, Trót yêu của sân khấu Thế giới trẻ... Thu hút đông đảo khán giả, nhạc kịch càng khẳng định vị thế của mình trong đời sống sân khấu hôm nay. Với sự phát triển này, một đội ngũ diễn viên có khả năng hát và diễn tốt đã được đào tạo và có thể đảm đương trình diễn những tác phẩm nhạc kịch mới.

Nhiều người trong giới chuyên môn nhận định, thể loại sân khấu nhạc kịch sẽ là hướng đi của sân khấu Việt trong tương lai. Nhìn thấy về tiềm năng của loại hình này, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, Nhà hát sẽ tiếp tục dựng những tác phẩm nhạc kịch lớn khác. Đó cũng là hướng đi mang tính chuyển mình mạnh mẽ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Nhạc sĩ Dương Cầm, đạo diễn Tôi đọc báo sáng nay nhận định: “Được coi là thể loại mới với nhiều người nhưng tiềm năng nhạc kịch ở Việt Nam vẫn có. Tuy nhiên, để thị trường đó ngày càng mở rộng thì mình cần phải làm những vở nhạc kịch gần gũi với đời sống, chuyển tải những câu chuyện mà khán giả có thể cảm nhận thấy mình trong đấy, từ đó sẽ dễ tiếp cận, đón nhận hơn”.

Từng dàn dựng phiên bản chuyển ngữ của các vở nhạc kịch kinh điển của thế giới cũng như theo đuổi nhạc kịch thuần Việt, đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho rằng: “Nhạc kịch không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera. Nó hoàn toàn có thể ăn khách tại Việt Nam bởi tính giải trí. Và sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong những ngày qua cho thấy nhạc kịch có thể phát triển và “sống khỏe” tại Việt Nam, nếu đi đúng hướng và khai thác đúng cách”. 

 MINH ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top