Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đào tạo nhân lực cho nghệ thuật truyền thống: Chớ nên gặt lúa non...

Thứ Tư 24/02/2021 | 11:02 GMT+7

VHO- Nhiều năm qua, Khoa Kịch hát dân tộc của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM không thể tuyển đủ chỉ tiêu đầu vào. Việc thiếu học sinh, sinh viên có năng khiếu và chất giọng hay đang trở thành mối nguy lớn của ngành đào tạo diễn viên cải lương ở phía Nam.

  Những gương mặt trẻ đoạt HCV tại Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 Ảnh: THANH HIỆP

Một trong những nguyên nhân gây tới sự khủng hoảng nhân lực của sân khấu cải lương chính là những bất cập ngay từ khâu tuyển chọn đào tạo.

Nhà trường là nơi mài hòn đá thô thành viên ngọc quý

Người diễn viên là lực lượng trung tâm của sân khấu, với nghệ thuật cải lương thì giọng ca là yếu tố đầu tiên để cho thấy việc đào tạo đạt được hiệu quả từ những hạt mầm mới. Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt trầm trọng nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Điều này là một thực tế, vì ngay cả các cuộc thi tuyển chọn giọng ca và diễn viên cải lương tổ chức hằng năm hoặc cách hai năm một lần như: Giải Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu… cũng bị “hụt hơi” vì thiếu lực lượng thí sinh tham dự. Do vậy, ngay đầu vào đã vấp phải khó khăn khiến việc tuyển sinh không mấy khả quan khi chưa phát hiện được nhiều hạt giống tài năng mới.

Để hóa giải điều này, rất cần sự liên kết giữa Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM với BTC các cuộc thi để có thể thu hút các thí sinh vào vòng bán kết theo học các khóa bồi dưỡng giọng ca, diễn xuất cơ bản, làm quen với các môn học chính quy của việc đào tạo bài bản một diễn viên chuyên nghiệp. Từ đó, sẽ khơi gợi trong lòng các bạn trẻ niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống, bởi đó chính là nền tảng vững chắc để các em có tố chất hướng tới nghề một cách chuyên nghiệp. Mục tiêu thứ hai của việc liên kết chính là tặng học bổng cho các thí sinh được vào chung kết xếp hạng. Từ học bổng này, các em sẽ hăng hái trong việc học, trở thành những hạt giống tốt của Khoa.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng: “Học làm gì khi có giải thưởng thì cơ hội làm đào chánh, kép chánh rất dễ dàng?”; “Có giải thưởng thì đi hát quán, hát đình, hát hội chợ, sự kiện… cũng có thể kiếm ra tiền, việc gì phải vào trường?”… Nếu nhận thức như vậy thì các em đã đánh mất chính cơ hội được đào luyện một cách chính quy từ môi trường giáo dục nghiêm túc. Bằng chứng là đã có rất nhiều bạn diễn viên sau khi giành giải cao tại các cuộc thi nghệ thuật nhưng lại hụt hơi trong diễn xuất khi tham gia vào các vở diễn trọn vẹn. Tâm lý nhân vật và cách giao lưu với bạn diễn, thậm chí tính cách vai diễn bị trôi tuột một cách đáng tiếc.

Quay lại vấn đề hóa giải sự yếu kém về giọng ca của sinh viên được tuyển vào, các cơ sở đào tạo kịch hát dân tộc cần mở rộng thêm việc tuyển chọn nguồn nhân lực từ những cuộc thi, với hình thức trao học bổng toàn phần cho các thí sinh vào chung kết xếp hạng, hoặc học bổng bán phần cho thí sinh vào bán kết; tổ chức các lớp tập huấn để lực lượng này biết đến các trường đào tạo nghệ thuật chính quy và chủ động theo học. Vì sao phải ưu tiên cho lực lượng này? Bởi, trước hết họ đều có năng khiếu bẩm sinh, trời đã phú cho họ có chất giọng và cơ sở đào tạo chính quy là nơi trau dồi, rèn giũa để viên đá thô sơ sẽ sáng lấp lánh như ngọc quý sau thời gian học tập.

 Một tiết mục tham dự Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc 2020 Ảnh: LÊ THỦY

Có thầy giỏi, mới có trò giỏi

Khoa Kịch hát dân tộc của Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM đã làm tốt việc mời các nghệ sĩ tài danh về trường giảng dạy. Tuy nhiên, sự kết nối bền bỉ giữa các thầy với Khoa lại không lâu dài, trong khi đào tạo nghệ thuật, các trò phải được các thầy có nghề dìu dắt từ cơ bản đến nâng cao, để không chỉ là những vai diễn trong trích đoạn, vở ngắn, vở dài báo cáo sau mỗi học kỳ, họ còn cần sự quan sát, chỉ dẫn khi đến với các sàn diễn chuyên nghiệp và hướng đến các cuộc thi chính quy.

Diễn viên trẻ là những người giữ nghề và lực lượng thầy cô sẽ định hướng họ trở thành thế hệ kế tiếp đủ bản lĩnh để làm chủ sân khấu. Trên thực tế, chính sách của nhà nước có khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh tham gia giảng dạy, nhưng chưa đủ, chưa phổ quát và chưa có sự quan tâm đúng mức. Các cơ sở đào tạo kịch hát dân tộc cần đề xuất để có những cơ chế đặc thù cho giảng viên là nghệ sĩ tài danh, dĩ nhiên không thể áp khung đòi hỏi các thầy dạy diễn xuất cải lương phải đạt học hàm, học vị cao. Họ đều trưởng thành từ cánh gà các đoàn hát, lớn lên từ những kinh nghiệm của các chiếc nôi nghệ thuật mang tính “cha truyền con nối”, thì với công tác đào tạo họ cần có một cơ chế đặc thù để được đứng trên bục giảng.

Đối với các nghệ sĩ có tâm huyết, họ nhìn vào diện mạo của sân khấu cải lương để kỳ vọng phải thay đổi cách đào tạo, từ giáo trình giảng dạy cho đến việc ưu đãi lực lượng giáo viên. Rất cần có sự đồng lòng từ nhiều nghệ sĩ tài danh để cùng đào tạo các loại hình kịch hát dân tộc nói chung, cải lương nói riêng, hình thành phương pháp mới để gìn giữ nghề, truyền lửa và nâng cao vị thế của các môn nghệ thuật này trong cuộc sống hôm nay.

Từ năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, trong đó ghi rõ: “Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc…”, nhưng tình trạng thiếu hụt học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được cải thiện. Qua khảo sát, học sinh sau khi tốt nghiệp không có sàn diễn để làm nghề. Các đoàn cải lương trên toàn quốc đều chuẩn bị sáp nhập với các trung tâm văn hóa, có đoàn giải thể vì chủ trương của tỉnh không cấp ngân sách để nuôi hoạt động. Từ đó, các em chỉ còn trông vào các đợt liên hoan, hội diễn, các cuộc thi để hy vọng được tỏa sáng. Nhưng lực lượng này rất hiếm, nhất là từ những cơ sở đào tạo không đạt hiệu quả. Từ năm 2015, Bộ VHTTDL đã thông qua “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, nhiều học sinh ở các vùng miền từ 14 đến 16 tuổi được chọn vào học tập chuyên môn tại các cơ sở đào tạo kịch hát dân tộc, thế nhưng, chất lượng đầu vào vẫn yếu và thiếu những giọng ca thật sự nổi bật.

Thiết nghĩ, các cơ sở đào tạo kịch hát dân tộc cần đề xuất được chính sách hợp lý, có tính khuyến khích cao hơn nữa, như việc miễn hoàn toàn học phí đối với bậc đào tạo đại học, tiếp tục có những chính sách ưu đãi như bao cấp trọn gói, duy trì mô hình đào tạo liên kết từ các cuộc thi tài năng nghệ thuật dân tộc trẻ thì những ưu đãi đặc biệt và cơ chế đặc thù đó sẽ bù đắp được những thiệt thòi về nguồn lực của bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật cải lương. 

 THANH HIỆP

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top