Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Viết cho con ngày trở lại trường sau kỳ nghỉ “Tết Covid" thứ 2

Thứ Hai 01/03/2021 | 09:03 GMT+7

VHO- Mẹ mong con đến trường với rất nhiều niềm vui, nhưng cũng đừng quên sự hy sinh cao đẹp của rất nhiều người để con có được niềm vui này, con nhé…!

Ngày mai (2.3), con lại được đến trường sau kỳ nghỉ Tết dài dằng dặc vì dịch Covid-19. Dù đến trường, con vẫn phải đeo khẩu trang, giãn cách và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch nhưng mẹ chắc rằng, con sẽ vui lắm vì được gặp lại thầy cô, bạn bè.

Và quan trọng hơn là con được thay đổi cách học online mà không chỉ với con, mà nhiều học sinh đã cảm thấy “quá tải”. Dù thường xuyên động viên con phải cố gắng thích nghi với mọi hoàn cảnh nhất là trong điều kiện dịch dã như thế này, cố gắng tập trung nghe giảng để tích lũy kiến thức, nhưng mẹ cũng không thể trách mắng hay phạt con mỗi khi nhìn thấy con uể oải trong các tiết học online, thấy con mất tập trung, thậm chí gà gật…

Con đến trường, cả mẹ và con, chắc chắn nhiều gia đình đều mong muốn

Mẹ trách sao được khi con đã rất cố gắng, đã tự giác bằng cách mang máy tính ra phòng khách học, bật to míc để chống lại cám dỗ của bản thân. Mà không chỉ có con, mà nhiều bạn lớp con cũng trong tình trạng “tâm hồn treo ngược cành cây” khi học như vậy. Hầu như các câu hỏi, nhiều bạn không tập trung nên không biết cô hỏi gì, khiến cả lớp cười vỡ bụng vì cô hỏi một đằng, con trả lời một nẻo hoặc không liên quan.

Mẹ nghĩ, cũng chẳng cha mẹ nào trách mắng khi vì dịch dã, các con bất ngờ phải tiếp cận với cách học mới, khó khăn đủ đường. Trước hết là hệ thống máy móc, ngay cả ở nhà mình cũng khiến con ra ra, vào vào mới đăng nhập được vào lớp học. Khi đang học giữa chừng, mạng lại out, lại khiến con lung túng, loay hoay. Cả tiết học có 45 phút mà chỉ 1-2 lần như vậy thì chắc chắn kiến thức vào đầu con không được là bao.

Khi học trên lớp, giao tiếp với cô bằng trực giác và hành động cũng khiến cho con có hứng thú hơn nhiều, chưa kể những môn cần phải thực hành, thì điều đó lại càng cần thiết. Vẫn biết, với nhiều nước, dạy và học online là phổ biến và hiệu quả, vì họ có nền tảng công nghệ tốt, giáo viên lại được tập huấn về phương pháp dạy nên chuyện dạy, học hết sức bình thường. Ở nước mình, các con và kể cả cô phải bất ngờ thích ứng, nên nhiều khi cách giảng chưa mang lại sự hứng thú, khiến các con khó tiếp thu và buồn ngủ. Cũng không thể trách các thầy cô khi họ cũng bất đắc dĩ phải ứng phó linh hoạt với dịch, vì thế muốn tìm được phương pháp dạy hiệu quả cũng cần phải có thời gian.

Vậy nên, khi được trở lại trường, được gặp lại thầy cô và không phải học bài theo kiểu vật vã với đủ tư thế đứng, bò, nằm…để chống buồn ngủ, chắc chắn là một niềm vui rất lớn mà con và nhiều bạn bè mong đợi.

Con đến trường, mẹ và nhiều bậc phụ huynh khác cũng được “giải phóng” khỏi những tháng ngày vất vả trong tình trạng “online” gần như 20/24h. Mẹ luôn phải sẵn sàng điện thoại để con gọi điện “xin trợ giúp” về máy móc bất cứ lúc nào, thậm chí nhiều phụ huynh không chịu được “áp lực” đã phải gửi con về quê nhờ người thân…trợ giúp.

Con đến trường, mẹ sẽ giảm tải được việc sau giờ làm ở cơ quan, tất bật cơm nước, chợ búa lại phải ngồi xem con học gì, tất tả đánh dấu, rồi in in, chụp chụp gửi vào nhóm học cho con.

Con đến trường, mẹ sẽ giảm được những buổi trưa mặc dù chỉ có 1-2 tiếng nghỉ giữa giờ, vẫn phải sấp sấp ngửa ngửa phóng như bay để lo cơm nước, gặp con để yên tâm ở nhà con vẫn an toàn với bao nỗi lo về cứ bất chợt ùa về trong mẹ…

Con đến trường, cả mẹ và con, chắc chắn nhiều gia đình đều mong muốn. Bởi, trước hết đó là tín hiệu tốt đẹp báo hiệu dịch bệnh đã được đẩy lùi.

Khi con đến trường, con được chạy nhảy, gặp gỡ bạn bè, thầy cô, con sẽ giải tỏa tâm lý bấy lâu nay bị “giam hãm” trong nhà. Khi tinh thần con thoải mái, việc tiếp thu kiến thức cũng sẽ dễ dàng hơn.

Và khi con đến trường, mẹ muốn con hãy ghi nhớ một điều: Để có được ngày này, là cả sự hy sinh rất lớn của tất cả mọi người, của cả xã hội, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu, trong đó có các y bác sỹ, hải quan, quân đội…

Đã có lần, mẹ thấy con ướt mắt khi xem hình ảnh những bác sỹ, chiến sỹ phải rải bìa cát tông ra ngoài sương lạnh nhường chỗ cho những người về cách ly; rồi những chiến sỹ vì làm nhiệm vụ trong khu cách ly mà đến cả lúc cha mẹ qua đời cũng không về chịu tang được... Con hãy nhớ, tất cả sự hy sinh đó là để cho con và mọi người có cuộc sống thực sự bình yên và khỏe mạnh.

Con còn nhớ, có những bạn nhỏ bằng tuổi con, thậm chí em bé hơn con rất nhiều nhưng đã phải xa vòng tay cha mẹ nhiều tháng trời vì dịch dã. Đến cả khi muốn gặp mẹ, cũng phải đứng rất xa. Rồi cả khi những giọt nước mắt ướt đầm vai áo mẹ và con, họ cũng không thể nào sát lại được gần nhau. Đó là sự hy sinh không nhỏ để các con có được ngày đến trường hôm nay.

Vì thế, mẹ mong con đến trường với rất nhiều niềm vui, nhưng cũng đừng quên sự hy sinh cao đẹp của rất nhiều người để con có được niềm vui, con nhé!

Mẹ mong con luôn ý thức được điều này, để luôn làm những điều nhỏ bé mà bất cứ ai cũng có thể làm được, là chấp hành các quy định về phòng chống dịch của nhà trường, của xã hội. Chỉ cần như thế là con cũng đã góp sức mình vào việc giữ sự bình yên cho chính bản thân và xã hội.

VOV.VN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top