Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cánh cửa ấy vẫn còn đang bỏ ngỏ

Thứ Hai 01/03/2021 | 12:18 GMT+7

VHO-  Những năm qua, Văn học Việt Nam đã có nhiều tác phẩm bước ra khỏi biên giới lãnh thổ và đoạt các giải thưởng quốc tế, song số lượng tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài vẫn còn rất khiêm tốn.

 Sự hiện diện của tác phẩm văn học Việt Nam trên kệ sách nước ngoài vẫn rất ít ỏi

Điều này khiến công chúng yêu văn chương không khỏi chạnh lòng khi những tác phẩm văn học Việt thực sự có giá trị chưa có điều kiện vươn ra “biển lớn”.

Thiếu đầu tư bài bản và dài hạn

Theo nhà văn Ngô Văn Giá, cùng với chính sách hội nhập, nước ta đã mở rộng văn hóa nói chung và văn học nói riêng, giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học ra nước ngoài. Trước đây, văn học của ta mới chỉ được giới thiệu ở một số nước trong khối XHCN thì đến nay đã có mặt ở mọi vùng miền quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Trên thực tế, từng có tác phẩm văn học Việt Nam gây chú ý trên văn đàn quốc tế, điển hình như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư; Mình và họ của Nguyễn Bình Phương; Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh; các thi tập, thi phẩm của Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung... Trước đó, phải kể đến những tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp… được dịch và phát hành trên thị trường quốc tế.

Tuy vậy, vẫn cần phải nhìn nhận rằng dù chúng ta có nhiều cố gắng nhưng sự hiện diện của tác phẩm văn học Việt Nam kệ sách nước ngoài vẫn hết sức ít ỏi. Nhà văn Uông Triều là người mỗi năm đã giới thiệu hàng chục tác phẩm văn học dịch của các nhà văn nước ngoài tới độc giả Việt Nam. Nhưng khi được hỏi về thực trạng văn học Việt Nam ở nước ngoài, anh rất trăn trở: “Trong các hội chợ sách quốc tế, một số nhà xuất bản Việt cũng đưa tác phẩm ra giới thiệu và bán được một vài quyển bản quyền. Thế nhưng điều này còn rất hạn chế, rõ ràng chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể, thiếu sự đầu tư bài bản và dài hạn”.

Đồng tình với quan điểm này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đã có Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài để giới thiệu nền văn học Việt Nam với công chúng thế giới. Nhưng qua 4 lần tổ chức, chúng ta mới chỉ có thể giới thiệu một cách đại cương nhất, cơ bản nhất về văn học Việt Nam. Thực tế, việc quảng bá “chữ nghĩa” chúng ta chưa làm được nhiều. Sẽ cần phải có chiến lược dài hơi hơn nữa. Hội Nhà văn sẽ báo cáo và xin sự trợ giúp từ Chính phủ, bởi ở những quốc gia gần với chúng ta như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... họ được đầu tư những trung tâm dịch thuật, quỹ dịch thuật văn bản ra tiếng nước ngoài hết sức bài bản, hệ thống”.

Chia sẻ của tân Chủ tịch Hội Nhà văn việt Nam là hoàn toàn có lý bởi nếu đem so sánh hoạt động quảng bá văn học của nước ta với một số nước khác, cụ thể như Phần Lan, một đất nước chỉ có chưa tới 6 triệu dân thì quả thật chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Hằng năm, quốc gia này tổ chức dịch thuật, quảng bá được từ 300-400 tác phẩm của các nhà văn trong nước ra gần 40 thứ tiếng.

 Nhà văn Uông Triều

Cần liên kết chặt chẽ với các nhà xuất bản, phát hành

Những năm gần đây, công tác quảng bá văn học nghệ thuật ra nước ngoài dù có những tiến bộ và thành tựu nhất định nhưng vẫn chưa tương xứng với sự phát triển cũng như bề dày của Văn học Việt Nam. Chúng ta có chiến lược phát triển lâu dài nhưng chưa thật cụ thể cho từng năm, cho từng giai đoạn và từng khu vực. Chúng ta tiếp nhận nhiều (in ấn dịch thuật các tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam bằng kinh phí tài trợ từ nguồn quỹ phát triển văn hóa của nước bạn, bằng kinh phí của tổ chức, cá nhân làm công tác kinh doanh, xuất bản) hơn là tổ chức dịch các tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Phần nhiều các tác phẩm dịch của Việt Nam mang nặng tính ngoại giao văn hóa hơn là chất lượng tác phẩm (trừ yếu tố một số nhà xuất bản nước ngoài tự đứng ra dịch và tự quảng bá tác phẩm của nhà văn Việt Nam).

Nhà văn Uông Triều chia sẻ thêm: “Những người có thể trực tiếp giới thiệu Văn học Việt Nam với công chúng thế giới là những dịch giả và các nhà xuất bản. Thế nhưng, muốn tìm được trong số họ những người coi văn học Việt là mảnh đất tiềm năng, màu mỡ để họ chủ động sang đặt vấn đề, trao đổi bản quyền với các nhà văn thì chưa có”. Rõ ràng, nền văn học Việt Nam không phải là cái đích được các nhà xuất bản thế giới săn tìm. Vì thế, việc cử các nhà văn ra nước ngoài để giao lưu, giới thiệu và quảng bá tác phẩm luôn là một nhu cầu bức thiết.

“Hiện nay, các tác phẩm của nhà văn Việt Nam xuất bản ra thế giới hầu như chỉ dựa vào uy tín và mối quan hệ cá nhân. Ngoài việc có một chiến lược căn cơ, bài bản để tổ chức dịch và quảng bá văn học Việt thì Hội Nhà văn cần phải có sự liên kết với những đơn vị xuất bản, phát hành uy tín”, nhà văn Ngô Văn Giá bày tỏ.

Thực tế cho thấy, Hội Nhà văn đã nỗ lực tổ chức Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới nhưng trong quá trình tổ chức chúng ta mới chỉ mời được một số nhà văn, nhà dịch giả quen thuộc chứ chưa mời được một nhà xuất bản uy tín nào tham gia cả. Phải chăng đây là một điều thiếu sót và những cánh cửa vẫn còn đang bỏ ngỏ?

VŨ MỪNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top