Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quy định đã có, vẫn khó xử lý

Thứ Hai 01/03/2021 | 12:25 GMT+7

VHO- Ban đầu hát karaoke chỉ mang tính giải trí nhưng càng ngày nó càng biến tướng, để lại những hệ luỵ khôn lường, không những gây ồn ào, mất an ninh trật tự mà cũng từ đó đã gây ra nhiều án mạng thương tâm. Thực trạng nhức nhối này đã, đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố đòi hỏi phải cần có biện pháp kiên quyết để xử lý triệt để, và TP.HCM đang tiên phong trong vấn đề này.  

 Karaoke từ các loa kéo bán hàng rong cũng đã gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống người dân

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ sự vào cuộc của chính quyền thành phố nhưng vẫn còn không ít người dân vẫn còn dè chừng, vì họ cho rằng “hung thần” karaoke tự phát đã được nêu lên mấy lần tại những kỳ họp gần đây của HĐND TP, sau đó vẫn không được xử lý đến nơi đến chốn.

Khi được hỏi về vấn nạn hát karaoke một cách vô tội vạ, anh Cao Bá Đạt, ngụ tại phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, “tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn do karaoke gây ra. Sau một ngày lao động mệt nhọc về nhà để nghỉ ngơi, nhưng hàng xóm cứ tối đến là hát karaoke đến đinh tai nhức óc thì không thể chấp nhận được. Nhiều lần báo công an khu vực, chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn không giảm”. Còn cô Nguyễn Thị Thúy, đường Bờ Bao Tân Thắng, quận Tân Phú thì bức xúc: “Hiện nay loa kéo di động, hát karaoke tại gia không còn là cách giải trí đơn thuần mà nó đã gây ra sự ức chế tinh thần và sức khỏe của người dân chúng tôi. Gia đình tôi thật sự như bị tra tấn, không biết cầu cứu đến ai nữa”.

Cạnh đó còn một thực tế khác cho thấy, hơn một năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quán karaoke, quán nhậu đóng cửa, nhiều người ở nhà, nhậu xong là bật loa hát cho xả rượu bia. Anh Nguyễn Văn Hùng (huyện Bắc Quang, Hà Giang) cho hay, “hàng xóm dường như ngày nào cũng hát hò ầm ĩ. Cứ hát lại phải nghe “đắp mộ cuộc tình” với giọng nhừa nhựa khê nồng, bất chấp nhịp phách. Nhiều lúc bực quá, tôi bảo với hàng xóm là có cuộc tình gì mà đắp mãi chưa xong thế? Nhưng rồi đâu cũng vào đó, các nhà xung quanh cũng chỉ biết đóng chặt cửa lại”. Không chỉ bị “tra tấn” lỗ tai, việc hát hò của hàng xóm cũng ảnh hưởng đến học hành của con trẻ. Thời gian vừa qua, các cháu phải ở nhà học online. Học sinh tiểu học thì ngày được nghỉ, tối mới học để bố mẹ ngồi kèm cùng. “Mỗi lần cho con học là phải đóng kín cửa, chọn phòng kín nhất, tuy nhiên tiếng vọng vẫn lọt vào. Đang chăm chú học, con tôi thỉnh thoảng lại giật mình bởi tiếng hát như tiếng hét thất thanh của đám choai choai hàng xóm”, chị Phạm Thị Hương (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết. Nhiều gia đình không chịu nổi tiếng ồn, cực chẳng đã sang góp ý với hàng xóm. May mắn thì được hàng xóm nghe theo, rủi thì gặp hàng xóm chầy bửa cự cãi lại, thậm chí động tay động chân khi bị nhắc nhở.

Thực tế việc xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được quy định, cụ thể theo điểm a Khoản 1, Điều 1 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000 đồng với những hành vi gây ra tiếng ồn lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng, thời gian từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, nếu vi phạm gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định khoản 1 đến khoản 10 Điều 17, Nghị định 155/2006 NĐ-CP. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND cấp xã, phường, nơi bị đơn cư trú.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp (TP.HCM), mặc dù đã có đầy đủ quy định, chế tài xử phạt tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke tự phát, nhưng khi triển khai xử lý lại gặp không ít khó khăn, nên chính quyền chủ yếu nhắc nhở. Ông An còn cho rằng, để đo độ ồn (dB) làm căn cứ xử phạt thì lực lượng cán bộ phường không có thiết bị để đo để làm căn cứ xử lý. Trước vấn đề cụ thể này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh trách nhiệm chính xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do karaoke tự phát gây ra chính là Sở TN&MT. Đồng thời yêu cầu, hiện nay chúng ta có rất nhiều quy định pháp luật để xử lý, vấn đề đặt ra là áp dụng quy định nào để xử lý cụ thể, ứng dụng luật nào cho phù hợp thì Sở TN&MT phải rà soát các quy định pháp luật liên quan, qua đó làm cẩm nang hướng dẫn xử lý. 

 NGUYỄN HIẾU - H.AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top