Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chấn chỉnh loại hình hát bằng loa kéo trên đường phố: Các địa phương cần xử lý quyết liệt, đồng bộ

Thứ Hai 01/03/2021 | 12:27 GMT+7

VHO- Trước tình trạng hát bằng loa kéo trên đường phố gây ô nhiễm âm thanh và khiến người dân bức xúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống vi phạm về tiếng ồn.

 Các địa phương cần quyết liệt chấn chỉnh các loại hình hát bằng loa kéo gây ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố Ảnh mang tính minh họa

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (Bộ VHTTDL) nhận định, văn bản được ban hành thể hiện động thái quyết liệt hơn nữa của UBND TP.HCM nhằm chấn chỉnh tình trạng hát bằng loa kéo trên đường phố, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho người dân.

 P.V: Bà có nhận định gì về nội dung văn bản khẩn của lãnh đạo TP.HCM vừa ban hành về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn?

- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Thực trạng nhức nhối này đã gây nên nhiều bức xúc trong đời sống cộng đồng trong suốt thời gian qua, và không chỉ riêng tại TP.HCM. Tuy nhiên, là địa bàn rộng, quy tụ nhiều thành phần, đối tượng dân cư nên vấn nạn này có lẽ đã trở nên nhức nhối nhiều hơn tại TP.HCM. Trước thực tế này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện kết hợp, đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống vi phạm về tiếng ồn. Tôi rất đồng tình với việc UBND TP.HCM ban hành văn bản về nội dung này, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP nhằm tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hát bằng loa kéo trên đường phố, gây ô nhiễm tiếng ồn, thông qua đó tiếp tục giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân.

Trên thực tế, các hình thức hát bằng loa kéo trên đường phố đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Thực trạng này đã được TP.HCM và nhiều địa phương tích cực chấn chỉnh trong thời gian qua. Tôi cho rằng bên cạnh những hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm thì việc thường xuyên ban hành các văn bản chấn chỉnh là rất cần thiết để tạo sự hưởng ứng của các Sở, ngành và người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Cần có những giải pháp gì để “dọn dẹp” vấn nạn này một cách triệt để, thưa bà?

- Tôi xin nhắc lại, những quy định về xử phạt khi gây ô nhiễm tiếng ồn đã có căn cứ pháp lý rõ ràng, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý dẫn đến tình trạng cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, có nhiều bức xúc và cả những mâu thuẫn, xô xát gây hậu quả tiêu cực đã xảy ra. Ngay tại địa bàn “hoành hành” của vấn nạn này là TP.HCM, người dân bức xúc phản ứng, kiến nghị ô nhiễm tiếng ồn cần phải được xử lý nghiêm, đặc biệt là những gia đình sinh sống ở mặt các khu phố thường xuyên bị “tra tấn” bởi các âm thanh phát ra từ loa kéo, với ngưỡng âm thanh cực đỉnh. Phải nói rằng những ảnh hưởng từ âm thanh của các loại hình hát bằng loa kéo trên đường phố, nhóm nhảy đường phố, hát cho nhau nghe… không chỉ tạo nên nỗi ám ảnh, bức xúc mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, gây mâu thuẫn và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Trước thực tế đó, không có cách nào khác là các địa phương, không riêng gì TP.HCM cần phải tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Căn cứ theo thực tế và đặc thù ở các địa phương, thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố có thể xử lý, đưa ra các quy định để chấn chỉnh thực trạng này. Căn cứ pháp lý để chấn chỉnh cũng đã được quy định rõ tại Nghị định 155/2016/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình; Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trong những văn bản này đã quy định rất rõ thế nào là các vi phạm quy định về tiếng ồn, các mức phạt cụ thể đối với từng mức độ, biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào. Phòng TN&MT tại các địa phương cũng được trang bị hệ thống máy đo và xác định các mức độ vi phạm về tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép… Vấn đề còn lại là các địa phương thực thi ra sao.

 Bên cạnh những biện pháp mạnh thì giải pháp tuyên truyền, vận động có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

- Trong năm 2020, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã nêu vấn đề đưa nội dung cam kết không hát bằng loa kéo trên đường phố, gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp, trên cơ sở đó nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. Tôi cho rằng đây là giải pháp mang chiều sâu, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu sự lan rộng vấn nạn này trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên cần phải được thực hiện quyết liệt hơn.

Tại văn bản vừa ban hành, UBND TP.HCM cũng đề cập đến nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống vi phạm về tiếng ồn.

Giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền cũng được nhấn mạnh. Giải pháp này luôn cần thiết, nhằm phổ biến pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn sâu rộng đến từng người dân và cộng đồng dân cư. Trên thực tế, cần đa dạng hóa, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh.

Về giải pháp lâu dài, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… Mỗi Sở, ngành, cộng đồng dân cư và từng người dân đều cần nâng cao nhận thức, thấy sự cần thiết của việc giải quyết về vấn nạn tiếng ồn từ loại hình giải trí hát bằng loa kéo trên đường phố một cách tự phát, gây khổ sở và bức xúc cho đời sống và sinh hoạt của người dân. Việc triển khai cần được tiến hành đồng bộ, không thể tiếp tục nơi có nơi không, dẹp chỗ này lại nảy sinh nơi khác. 

Dù hệ thống pháp lý với các chế tài xử phạt đã có song việc triển khai quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý thì ít nơi làm được. Tôi cho rằng, để chấn chỉnh vấn đề này, lực lượng thanh tra các tỉnh, thành phải triển khai thường xuyên hoạt động thanh, kiểm tra cả thường xuyên và đột xuất, qua đó phát hiện và xử lý các vi phạm vượt ngưỡng độ ồn cho phép.

(Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở NINH THỊ THU HƯƠNG)

 BẢO NGÂN (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top